Lớp học đặc biệt mang tên Ước mơ

Thứ Ba, 08/08/2017 00:44

|

(CAO) Lớp học vẽ tranh sơn dầu mang tên Ước mơ là một nơi đặc biệt dành cho những con người giàu nghị lực và ý chí. Nơi đây luôn ngập tràn những niềm vui và khát vọng mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng.

Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tậttrẻ mồ côi huyện Hóc Môn TP.HCM bắt đầu hoạt động vào năm 2006. Sau 10 năm, Trung tâm đã đào tạo và giới thiệu việc làm cho khoảng hơn 2000 em khuyết tật từ khắp các nơi như: Bình Dương, Long An, Bình Phước, Tây Ninh....

Với 12 cơ sở đào tạo nghề như: Điện - điện tử, hoa vải, hoa đất sét, kế toán, lớp vẽ, thêu tay, tin học văn phòng,…, mỗi năm Trung tâm dạy khoảng 200 - 300 em học sinh khuyết tật. Đặc biệt, lớp vẽ là lớp được đánh giá thành công nhất và cũng là lớp được yêu thích nhất tại Trung tâm.

Nơi chắp cánh những ước mơ

Là nơi đặc biệt để giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn, Trung tâm đã chú trọng đến việc mở các lớp đào tạo nghề cho những người khuyết tật và trẻ mồ côi. Mỗi lớp học được mở ra là cả một sự nỗ lực và cố gắng rất lớn của Trung tâm. Trong đó, lớp học vẽ được đông đảo các học viên ở ở đây yêu thích và cũng là lớp học thành công nhất.

Sở dĩ lớp học này lại mang tên là Ước mơ bởi vì mỗi người đến lớp đều có những câu chuyện riêng, với những ước vọng riêng. Có những người không đi lại được, có người khác phải dùng chân để vẽ tranh. Nhưng đặc biệt hơn, có những người bị thiểu năng trí tuệ, nhưng vẫn say sưa cầm cọ vẽ nên những tác phẩm ngộ nghĩnh, xinh xắn nhưng không hề xấu xí. Được biết, đã có nhiều học trò trưởng thành từ lớp học này và tự mưu sinh bằng chính nghề vẽ tranh.

Kể lại những khó khăn của lớp học, bà Đinh Thị Hỏi (Giám đốc Trung tâm) chia sẻ: “Lớp vẽ có một thời gian bị gián đoạn vì không đủ cơ sở vật chất và thiếu giáo viên, nhưng Trung tâm lại nhận thấy lớp học này rất phù hợp với những người khuyết tật. Nơi đây không chỉ giúp cho mọi người có được một cái nghề mà còn là địa điểm để mọi người thỏa mãn đam mê của mình. Sau những khó khăn đó, nhờ sự giúp đỡ của mạnh thường quân, lớp học đã có thể mở trở lại”.

Tuy nhiên, tình hình được cải thiện nhưng lớp học vẫn gặp không ít khó khăn. Bà Hỏi tiếp tục trăn trở: “Sau này, khi đã ổn định hơn, số tiền được giúp đỡ còn dư và tiền bán tranh của các học viên góp vào thì cũng chỉ đủ để duy trì lớp tới bây giờ, nhưng cũng còn nhiều thiếu thốn lắm”.

Đối với nhiều người, học nghề chỉ đơn giản là có một cần câu cơm. Nhưng đối với những học viên ở Trung tâm, lớp học Ước mơ còn là nơi để gửi gắm niềm đam mê, nơi chắp cánh cho những ước vọng của những mảnh đời kém may mắn, luôn cố gắng vươn lên từng ngày và sống một cách xứng đáng nhất.

Lớp học của sự yêu thương

Để có lớp học như ngày hôm nay, không thể thiếu đi sự tận tâm của người thầy. Dạy vẽ cho người bình thường đã khó, dạy cho các học viên khuyết tật còn khó hơn. Thế nhưng, suốt 5 năm qua, họa sỹ Nguyễn Hoàng chưa nghỉ dạy ngày nào. Đều đặn vào tháng thứ hai và thứ sáu hằng tuần, anh đều không ngại nắng mưa, vượt hàng chục cây số để đến lớp mà không cần thù lao. Lớp học tuy nhỏ, nhưng luôn ấm áp và tràn ngập yêu thương.

Một người thầy không chỉ cần có kiến thức mà phải có cái tâm sáng, và họa sỹ Nguyễn Hoàng hội tủ đủ cả hai yếu tố như thế. Mặc dù công việc rất bận rộn nhưng chưa ngày nào anh không đến lớp. Đối với anh, lớp học này không chỉ là nơi để dạy một cái nghề mà chính tại nơi đây, mọi người cũng đã dạy cho anh nhiều bài học ý nghĩa về cuộc sống.

Chia sẻ về những em học viên nhỏ tuổi, anh Hoàng cho biết: “Nhìn mấy đứa mà thấy thương lắm. Nhiều khi thấy chúng nó đau vẫn cố gắng đến lớp. Có em mình nói hôm trước, hôm sau đã quên nhưng ngày nào cũng chăm chỉ vẽ khiến tôi thấy rất cảm động”.

Và người thầy đầy tận tụy cam kết chắc nịch rằng: “Tôi đã học được ở mọi người nhiều điều, nhất là nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc dạy học này đến khi nào mình không còn sức nữa thì thôi”.

Nhiều người cho rằng, lớp học chỉ là nơi người ta đến để tiếp thu kiến thức. Nhưng riêng ở nơi này, đến lớp còn là để cho đi và nhận lại yêu thương. Chị Huỳnh Thị Xậm (SN 1978, quê Hậu Giang) không may mắn bị khuyết tật bẩm sinh. Không có tay, nhưng chị vẫn kiên trì để sống và vẽ tranh bằng những ngón chân của mình. Chị cho biết: “Trừ những khi chân bị đau quá không vẽ được thì tôi mới không đến lớp. Thầy Hoàng rất hiền và dạy tận tình. Nhớ có thầy mà tôi mới cố gắng vẽ tranh được tới ngày hôm nay”.

Đó không chỉ là suy nghĩ của chị Xậm mà là của tất cả nhửng người theo học tại lớp vẽ khi được hỏi về thầy Hoàng. Mọi người đều chia sẻ thầy rất tận tâm chỉ dạy, và ai cũng rất biết ơn người thầy của mình. Vào các dịp đặc biệt như ngày Nhà Giáo, tuy chỉ đơn giản với một ít trái cây, một vài chai nước, nhưng mọi người đều chuẩn bị tươm tất để chúc mừng thầy. Điều đó chứa đựng sự kính trọng và tấm lòng biết ơn của mọi người, và đây cũng chính là món quà lớn lao nhất mà có lẽ tất cả những ai làm thầy, làm cô đều mong muốn có được, giúp lớp học Ước mơ thêm gắn bó và yêu thương.

“Tôi không mong ước gì, chỉ hy vọng với số tiền ủng hộ của các mạnh thường quân cũng như tiền bán tranh của các bạn sẽ duy trì được lớp học, để các bạn có thể học được cái nghề mình thích, có nơi mà đam mê của mình được thỏa sức thể hiện, và để tự tin hòa nhập với cộng đồng” – họa sỹ Nguyễn Hoàng tâm sự.

Bình luận (0)

Lên đầu trang