(CAO) Theo thông tin từ Cảnh sát PCCC TP.HCM, tính từ ngày 1-1-2015 đến 30-7-2017, trên địa bàn TP.HCM có 22 vụ cháy do hàn cắt kim loại. Trong đó, đáng chú ý, từ đầu năm đến ngày 30-7-2017 đã có đến 14 vụ cháy do nguyên nhân này.
Sáng 1-8, thông tin với Phóng viên Báo Công an TP.HCM, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tham mưu Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM cho biết, tính từ ngày 1-1-2015 đến 30-7-2017, trên địa bàn TP.HCM có 22 vụ cháy do hàn cắt kim loại.
Cụ thể, năm 2015 (2 vụ), năm 2016 (6 vụ) và từ đầu năm đến ngày 30-7-2017 có 14 vụ cháy do hàn cắt kim loại. 22 vụ cháy nói trên không gây thương vong về nhân mạng, trong khi đó, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 40 triệu đồng.
“Riêng vụ cháy ngày 27-5-2016 tại Công ty TNHH Nệm Vạn Thành tại huyện Củ Chi TP.HCM. Đây là vụ cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng lên đến 85 tỷ đồng. Về nguyên nhân vụ cháy hiện nay cơ quan công an thành phố đang tiếp tục điều tra. Nhưng có khả năng là do hoạt động hàn cắt kim loại thiếu an toàn gây ra” - Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin thêm.
Cửa hàng điện lạnh trên đường Lê Văn Lương, phường Tân Quy, Quận 7 TP.HCM bị cháy vào ngày 27-7. Theo thông tin ban đầu của vụ cháy được xác định là do một người đàn ông bất cẩn trong lúc hàn xì ở trước cửa hàng điện lạnh khiến lửa bắt vào vật dụng dễ cháy, gây cháy lan - Ảnh: Cảnh sát PCCC TP.HCM.
Vẫn theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, hiện nay trên toàn quốc có nhiều vụ cháy lớn thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Riêng ở TP.HCM, UBND TP đã rất quan tâm chỉ đạo cho Cảnh sát PCCC TP.HCM đã có Kế hoạch để kiểm tra toàn bộ điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hàn cắt kim loại trên địa bàn thành phố. Đó là Kế hoạch số 250KH-PCCC-Phòng 2 ngày 13-7-2016 về tăng cường các biện pháp bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC trong quá trình hàn cắt kim loại trên địa bàn TP.HCM.
Đối tượng kiểm tra của Kế hoạch này tập trung vào các cơ sở, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hàn cắt kim loại; các công trình thi công trong xây dựng; cơ quan tổ chức hộ gia đình đang diễn ra hoạt động hàn cắt.
Theo đó, Đoàn liên ngành gồm nhiều lực lượng giữa Cảnh sát PCCC với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) TP phối hợp với các Sở liên quan như Sở Thông tin & Truyền thông TP và đặc biệt với UBND các quận huyện cùng Tổng Công ty Điện lực TP đã kiểm tra 5 cơ sở hoạt động hàn cắt kim loại (trong đó có 4 đơn vị đang hoạt động thi công xây dựng; 1 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu).
Qua kiểm tra, 5 cơ sở này vẫn tồn tại sơ hở thiếu sót như, công nhân hàn cắt kim loại chưa qua lớp tập huấn về PCCC; dây dẫn điện phục vụ hệ thống chiếu sáng và thiết bị tiêu thụ điện khác không đảm bảo an toàn; không phân công người có trách nhiệm giám sát an toàn khi hàn cắt.
Về kết quả kiểm tra chuyên đề, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết đã kiểm tra 800 lượt cơ sở hàn cắt kim loại. Trong đó, qua quá trình đã phát hiện vi phạm hành chính 127 lỗi với tổng số tiền phạt là 86,5 triệu đồng.
Cụ thể, các lỗi thường gặp là: vi phạm trong công tác huấn luyện về nghiệp vụ PCCC cho công nhân hàn là 20/127 lỗi (chiếm 15,75% số vụ vi phạm); vi phạm về khoảng cánh PCCC về giải pháp ngăn cháy cũng có 20/127 lỗi (chiếm 17,25% số vụ vi phạm); vi phạm trong sử dụng điện có 17/127 lỗi (chiếm 13,38% lỗi vi phạm); vi phạm về phương tiện PCCC cũng có 17/127 lỗi (cũng chiếm 13,38% lỗi vi phạm).
Song song với hoạt động kiểm tra xử lý, lực lượng Cảnh sát PCCC cũng đã hướng dẫn 3.396 lượt cơ sở thực hiện các biện pháp về an toàn PCCC.
Cảnh sát PCCC quận 7 di dời bình chứa khí dễ cháy trong vụ cháy cửa hàng điện lạnh trên đường Lê Văn Lương - Ảnh: Cảnh sát PCCC TP.HCM.
Để thực hiện tốt PCCC trong thời gian tới cũng như không để cho tình hình cháy do hoạt động hàn cắt kim loại xảy ra, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, Cảnh sát PCCC TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức công tác triển khai thực hiện kế hoạch về biện pháp xử lý các cơ sở nguy cơ cháy nổ xen cài trong khu dân cư. Đặc biệt chú trọng loại hình hàn cắt trong khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Nếu vi phạm các qui định về phòng chống cháy nổ và dễ gây cháy thì phải di dời ra khỏi khu dân cư. Cảnh sát PCCC sẽ thường xuyên duy trì công tác điều tra cơ bản các cơ sở hàn cắt có nguy cơ cháy nổ để phân loại quản lý hồ sơ.
“Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC TP.HCM sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan báo đài tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCCC và các quy định về các cơ sở hàn cắt kim loại. Vận động người dân phản ánh vi phạm của các cơ sở hàn cắt kim loại không đảm bảo PCCC qua đường dây nóng của Cảnh sát PCCC TP.HCM (028.39200996). Tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra đối với các cơ sở hàn cắt kim loại, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm PCCC và kiên quyết xử lý đình chỉ các cơ sở không đảm bảo an toàn về PCCC” – Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, những vụ hoả hoạn do hoạt động hàn xì thiếu an toàn trong thời gian qua đã gây thiệt hại không nhỏ về nhân mạng và kinh tế. Vụ hoả hoạn làm 8 người chết do thợ hàn làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép ở xưởng bánh kẹo trên địa bàn TP.Hà Nội vào sáng 29-7 đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng này.
Người dân có thể phản ánh vi phạm không đảm bảo an toàn PCCC của các cơ sở hàn cắt kim loại thông qua đường dây nóng: 028.39200996 của Cảnh sát PCCC TP.HCM. |