1.Tuần trước, tôi có việc rất vội từ Tây Ninh về thành phố. Giờ cao điểm, đường kẹt nên xin phép bạn bè tách nhóm đi xe ôm cho kịp. Hỏi giá, tài xế bảo: “Anh trả người ta sao thì trả em vậy.70.000 nha!”.
Tới nhà, định lấy xe đi mà sợ trễ hẹn nên nói tài xế đợi chuẩn bị rồi chở xuống Phú Mỹ Hưng. Chờ tôi làm Talk Show xong chở về cơ quan ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu. Cả đi lẫn chờ gần 3 tiếng. Tôi trả 200.000 nhưng tài xế bảo “Em lấy 120.00 thôi”. “Em cứ cầm đi, coi như anh biếu thêm”. “Em chỉ lấy đủ”. “Thì lấy 150.000 vậy”. Tôi đưa tiền nhưng em dứt khoát chỉ lấy đúng 120.000 đồng.
Trên đường đi, hỏi chuyện, biết em (nhỏ hơn tôi đúng 1 giáp) tên Nguyễn Văn Thắng, người Hà Tĩnh, vào Sài Gòn kiếm sống đã 3 năm nay. Đi xe ôm mấy chục năm nay, chưa thấy tài xế nào chân chất, dễ thương như vậy. Thắng chạy xe ôm ở Tân Bình.
2.Tôi cũng vừa đi thăm người bạn bị té xe, gãy chân ở bệnh viện Thủ Đức. Bạn bảo “Tự té gần cầu vượt Tân Vạn. Đường tối, va phải dải phân cách. May nhờ người xe ôm tốt bụng”.
Mẹ bạn kể lại, lúc đó bạn bị ngất. Một người chạy xe ôm tới đã dìu bạn vô lề (nếu không, có thể bị xe tải cán qua), lấy điện thoại của bạn gọi về nhà bạn báo tin. Khi gia đình và công an tới, người chạy xe ôm giao điện thoại, để người nhà chở bạn vào viện.
Bạn nói, tiền lương mới lãnh hồi chiều vẫn nguyên trong bóp, không thiếu một xu. Cả nhà lúc đó hoảng quá, chưa kịp hỏi tên và cám ơn người chạy xe ôm tốt bụng đã cứu con mình.
Thùng trà đá miễn phí đặt bên lề phố Sài Gòn - Ảnh minh hoạ
3.Lại nhớ chuyện đầu năm đi xe đò Trung Nga về Phan Thiết buổi tối. Tới nhà, gần nửa đêm. Sáng dậy, phát hiện mất bóp. Hoảng hồn. Mất tiền thì không sao, chứ mất giấy tờ thì rất phiền phức.
Định thần lại, chỉ có thể rớt trên xe chứ đâu có bị ai móc hay giật. Điện thoại lên phòng bán vé, hi vọng mong manh có thể tìm lại được giấy tờ. Mừng như trúng số, khi em nhân viên nhỏ nhẹ “Khuya qua, xe về bến, bạn phụ xế dọn xe thấy bóp của khách rơi bên dưới ghế ngồi nên giao lại văn phòng . Tụi em đã niêm phong chờ khách nhận”.
Tôi lên văn phòng (cách nhà tôi gần chục km), nhận lại bóp, tính gởi các em chút tiền bồi dưỡng mà các em không nhận vì “Có gì đâu, tụi em ở đây lượm bóp và đồ khách để quên hoài”.
4.Tính tôi vốn đểnh đoảng, chạy xe cứ nghĩ lung tung nên nhiều lúc lạc đường, kể cả nhà mình. Nhớ lần xe hết xăng, phải đẩy bộ vì gần khuya, các cây xăng đều đóng cửa. Đang hì hục, mồ hôi nhễ nhại thì một bạn trẻ chạy xe qua, giảm ga rồi bảo “Anh ngồi lên xe đi, em đẩy”. Tôi làm theo như phản xạ. Em dùng chân đẩy xe cho tôi gần 2 km.
Tới nhà (KDC Phú Mỹ Thuận) em thả chân, vọt xe chạy về hướng Bình Khánh. Tôi chưa kịp hỏi tên, chỉ biết hét thật to “Cám ơn người Nhà Bè”.
Lần khác, vừa ra khỏi nhà là bị công an Nhà Bè thổi còi vì lỗi “Sử dụng kính chiếu hậu xe gắn máy sai qui định”. Tôi thật thà khai là kính trái bị gãy nên tháo tạm kính phải thay vào vì chưa có thì giờ thay mới. Biết tôi làm giáo viên (nghề tay trái) và dù không mang theo giấy tờ xe cũng như bằng lái (vì sợ mất, làm lại rắc rối) nhưng các anh vẫn thông cảm dặn dò “Thầy giáo là phải gương mẫu nha”.
5.Những người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mở cửa đón khách du lịch lang thang vào nhà qua đêm dịp lễ 30.4 vừa rồi là nghĩa cử quá đẹp. Tôi vừa đi Quảng Ngãi. Các resort Chu Lai, khu du lịch Thiên Đàng…đều mở cửa cho dân Quảng Nam và Quảng Ngãi vào tắm thoải mái, miễn phí tắm lại nước ngọt. Lại còn cho mượn cả phao tắm. Khách ghé ăn trưa còn được khuyến mãi vé tham quan bảo tàng Chăm và bảo tàng Sa Huỳnh (giá vé cả trăm ngàn).
Vào khu du lịch Thiên Đàng, gặp trại hè 2015 của Hội thánh Tin Lành. Hơn 500 đại biểu khắp đất nước mà ai cũng chân tình, cởi mở; gặp ai cũng chào cười như thể thân quen. Ngoài giờ sinh hoạt, trại tổ chức dọn vệ sinh khu vực vì họ muốn “Mình đi tới đâu, chỗ đó phải đẹp hơn, cả môi trường và văn hóa hành xử”.
Chỉ cần 30% người Việt suy nghĩ và hành động như vậy, đất nước Việt Nam chắc chắn không phải như hiện nay…
Ngồi ngẫm lại, thấy hình như mình may mắn vì gặp được rất nhiều người tốt. Những chuyện như vậy, tôi có thể kể cả ngày chưa hết.
Nhiều người bảo, xã hội giờ nhiễu nhương quá, mở báo đài là gặp toàn tệ nạn. Người xấu đâu mà lắm thế? Tôi nghĩ khác. Đúng là xã hội nhiễu nhương, người xấu nhiều thật nhưng người tốt vẫn đông hơn nhiều lần. Chỉ có điều họ chưa có dịp hoặc chưa có điều kiện thể hiện. Chính vì ta chưa thấy nhiều người tốt nên thiên lệch cách nhìn?.
Nếu chú ý, ta có thể gặp nhiều người tốt quanh mình. Đó là chủ nhân của những thùng trà đá nghĩa tình, miễn phí cho dân nghèo từ phố đến quê. Là những nhà bảo trợ và cả nhân viên tình nguyện các bếp ăn từ thiện, các quán cơm “Nụ Cười”. Là những bạn trẻ miệt mài say mê các đợt tình nguyện, từ “Tiếp sức mùa thi” đến “Mùa hè xanh”. Là những đoàn công tác xã hội, có khi lặng lẽ từng nhóm hay rôm rả đông vui. Là những người tận tình chỉ đường, giúp đỡ người già yếu tàn tật, nhường ghế cho người già trên xe buýt…
Tôi bỗng nhớ chuyện cố bí thư Thành Ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lúc đương chức. Ông tổ chức gặp gỡ thân mật, chúc tết và tặng mỗi người mấy trăm ngàn cho anh em chạy xe ôm ở Đà Nẵng.
Tôi nghe họ kể nhiều chuyện về ông, chuyện ông dặn dò thế nào và họ thực hiện ra sao. Mà không chỉ có cánh xe ôm. Nhiều đối tượng liên quan đến du lịch, đến xã hội; nhất là những đối tượng có nhiều người chưa tốt đều được ông quan tậm, gặp gỡ, tâm sự, dăn dò. Biết tính ông, chẳng ai dám làm trái. Chẳng ai muốn làm người xấu. Càng không nỡ phụ lòng tin cậy của người đứng đầu thành phố. Chuyện nhỏ nhưng có tác dụng lớn. Phải chăng nhờ vậy mà Đà Nẵng luôn tiên phong giải quyết được các tệ nạn xã hội trầm kha?
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện sống tại TP.HCM.