(CAO) Ngọn núi Bà Đen với ngôi cổ tự Linh Sơn Tiên Thạch và huyền thoại Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát là miền đất linh thiêng, nơi có rất nhiều trải nghiệm thiêng liêng và xúc động mà không nơi đâu có được.
Hàng triệu du khách mỗi năm đến với Chùa Bà để tìm điểm tựa tâm linh, gửi những lời cầu nguyện dâng lên Linh Sơn Thánh Mẫu – biểu tượng trong đời sống tâm linh của người Nam bộ. Nhiều người tin rằng, mọi nỗi buồn khổ, bệnh tật, thiếu thốn… đều được Linh Sơn Thánh Mẫu nghe thấu, và phổ độ với lòng Bồ Tát từ bi.
Người trẻ cầu tài lộc, người già cầu bình an, người bệnh cầu khoẻ mạnh… Rất nhiều người chọn đến ngọn núi thiêng là việc phải làm mỗi năm để viếng Bà tại hệ thống 6 ngôi chùa cùng rất nhiều miếu, động gắn liền với các truyền thuyết linh thiêng.
Trên đỉnh núi, thắp đèn hoa đăng là một trong những nghi thức truyền thống lâu đời của Phật giáo thường xuyên diễn ra vào các dịp lễ. Đây là một hoạt động ý nghĩa được đông đảo Phật tử, du khách yêu thích, sẵn sàng nán lại vào buổi tối để thực hành dâng đăng. Hàng ngàn ngọn đèn đăng lung linh thắp sáng khắp đỉnh núi ảo trong mây tạo nên một không gian vô cùng huyền diệu và thiêng liêng dành cho du khách.
Trong văn hoá Phật giáo, ngọn đèn trong đóa hoa tượng trưng cho sinh mệnh vô thường, nên thắp đèn hoa đăng chính là ước nguyện nhận được phước lành, bình an. Ngọn đèn hoa đăng cũng tượng trưng cho ngọn đèn trí tuệ, soi đường dẫn lối cho người con Phật trong đêm trường vô minh.
Tại núi Bà Đen, mỗi ngọn đèn đăng đều do chính tay Phật tử và du khách ráp thành và viết lời nguyện ước, được thả trên đĩa nước huyền diệu chảy quanh trụ kinh Bát Nhã dưới chân đại tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Sau mỗi đêm dâng đăng, các ngọn đèn đăng với lời nguyện ước sẽ được ban tổ chức làm lễ hóa nguyện, ngưỡng mong những nguyện ước sẽ thành hiện thực.
Nghi thức dâng hoa đăng đầy xúc động thường trên núi Bà Đen thường được tổ chức trang trọng và thiêng liêng để mừng các ngày lễ lớn như Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, Lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát, Lễ Vía Phật Di Lặc…
Tới đây, trong hai tối Thứ 7, Chủ Nhật ngày 4 &5/11 (tức 21&22/9 âm lịch), du khách lên núi Bà Đen sẽ được tham gia vào nghi thức dâng đăng để mừng ngày Lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia. Trải nghiệm thiêng liêng này sẽ là giây phút để Phật tử và du khách tỏ lòng ngưỡng vọng đến công đức vĩ đại của Quán Thế Âm Bồ Tát và gửi lời nguyện ước cho bản thân cùng gia đình.
Đảnh lễ trước xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là một trải nghiệm vô cùng quý báu dành cho du khách khi hành hương tới núi Bà Đen. Ngọc xá lợi Phật được tôn quý như một báu vật và được xem là sự nhiệm màu của Phật pháp, là kết quả của quá trình tu dưỡng đạo đức và tấm lòng đại từ đại bi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Núi Bà Đen là nơi hiếm hoi tại Việt Nam được lưu giữ ngọc xá lợi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tại khu vực đỉnh núi, ngọc xá lợi của Đức Phật được an tọa trang trọng trong bảo tháp lưu ly hai tầng, giữa không gian xá lợi tôn nghiêm tại trung tâm triển lãm Phật giáo dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn.
Với các Phật tử, được chiêm bái ngọc xá lợi của đức Phật Thích Ca là một phép nhiệm màu, cũng giống như là được thấy đức Phật vẫn đang hiện diện giữa thế giới này, với lòng từ bi hỉ xả, phổ độ chúng sinh.
Với rất nhiều du khách tìm đến núi Bà Đen, chiêm bái Đại tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi cao nhất là một trải nghiệm phải thử nhiều lần trong đời. Khi ẩn hiện giữa biển mây bồng bềnh, lúc bừng sáng giữa cảnh sắc tươi đẹp trên đỉnh núi, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn uy nghiêm ngự tọa trên đài sen bằng đồng, tượng trưng cho trí tuệ, đức hạnh và lòng từ bi phổ độ chúng sinh.
Từ những cánh sen dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, những thác nước đổ xuống thanh khiết. Với nhiều người, dòng nước như hiện thân cho sự lan tỏa của từ bi của Bồ Tát phổ độ cho chúng sanh.
Nhiều lễ hội lớn của Phật giáo thường xuyên được tổ chức tại núi Bà Đen như Lễ Vía Đức Phật Di Lặc vào đầu tháng Giêng, Lễ Phật Đản vào tháng 4 Âm lịch, hay Lễ Vu Lan vào tháng 7 Âm lịch, lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát xuất gia và tháng 9 Âm lịch. Những ngày lễ lớn này chính là dịp để Phật tử và du khách tìm đến với núi Bà Đen như tìm đến với một thánh địa của Phật giáo, để tìm kiếm một điểm tựa tâm linh vững chắc.