Màu áo công an tại những điểm trường ngập lụt
Sáng 1/11, ngay sau khi nước lũ bắt đầu rút dần tại H.Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), Tư lệnh Cảnh sát cơ động – Bộ Công an đã điều động hơn 200 cán bộ, chiến sỹ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Bắc Trung Bộ vào giúp dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả.
Cùng với đó, hơn 200 đoàn viên thanh niên thuộc Công an H.Hương Khê, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Bộ Công an và Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng có mặt phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương khắc phục hậu quả tại địa bàn các xã Gia Phố, Hương Đô, Hương Thuỷ (H.Hương Khê). Đây là những địa phương bị ngập nặng, thiệt hại rất lớn do lũ gây ra.
Vượt lũ vào địa bàn giúp dân khắc phục
mưa lũTheo đó, các cán bộ, chiến sỹ đã tham gia nạo vét, dọn dẹp bùn đất, vệ sinh bàn ghế, phòng học của các trường, trụ sở chính quyền ở các xã.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UBND xã Hương Đô cho biết, mưa lũ khiến bùn đất tràn vào dày đặc trụ sở làm việc và các trường học. Đặc biệt là các vật dụng trong đó nên khối lượng công việc rất lớn. Được sự giúp đỡ của lực lượng công an các cấp, chúng tôi hy vọng mọi việc sẽ nhanh chóng ổn định để sớm trở lại với công việc thường nhật. Chính quyền và người dân xã Hương Đô chân thành cảm ơn lực lượng công an và các ngành, các cấp đã quan tâm hỗ trợ.
Lực lượng Cảnh sát cơ động tích cực lau dọn bùn đất tại một điểm trường
Đang cùng với các đồng đội tất tả với mọi bừa bộn sau lũ, Thượng uý Phan Văn Lực – Bí thư Đoàn Công an H.Hương Khê cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều địa bàn ở H.Hương Khê bị ngập lụt nặng nề, đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ và tài sản của người dân. Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, Đoàn thanh niên Công an H.Hương Khê và các lực lượng khác đã bám sát địa bàn giúp đỡ chính quyền và nhân dân địa phương để vượt qua khó khăn.
Màu áo công an xuất hiện tại nhiều điểm trường sau mưa lũ ở H.Hương Khê
“Sau khi lũ rút, chúng tôi tiếp tục chia ra thành nhiều tổ, phối hợp với Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động – Bộ Công an và Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh tiếp tục đến các địa bàn khác giúp dân dọn dẹp nhà cửa, trường học, trụ sở làm việc để sớm ổn định cuộc sống” – Thượng uý Lực chia sẻ.
Vùng “rốn lũ” thiệt hại hơn 150 tỷ đồng
Trong đợt mưa lũ vừa qua, H.Hương Khê được xem như vùng “rốn lũ”, là nơi thiệt hại nặng nề nhất. Theo thống kê ban đầu, lũ đã khiến cho 2 người chết gồm: em N.V.D. (SN 2010, trú thôn 6, xã Hương Thuỷ, Hương Khê; học sinh Trường THCS Phúc Đồng), chị T.T.T. (SN 1990, trú thôn 12, xã Hà Linh, H.Hương Khê) và một người mất tích là N.T.H. (SN 1995, em dâu của chị T.T.T.).
Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh tìm kiếm nạn nhân bị mất tích
Sáng 1/11, đoàn công tác Cục Cảnh sát giao thông do Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng - Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh, Công an H.Hương Khê đã huy động lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm nạn nhân N.T.H. bị lũ cuốn trôi. Tuy nhiên, hiện nay nước lũ đã rút nhưng lòng suối Bánh Rán nơi chị H. bị lũ cuốn trôi rất sâu, quanh co nên rất khó khăn cho công tác cứu hộ.
Theo thống kê ban đầu, toàn H.Hương Khê có khoảng gần 1.000 nhà dân bị ngập, gần 5.000 nhà dân nước vào vườn. Ngoài ra, một số công trình khác cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại do lũ gồm: 8 trường học, 16 hội quán thôn, 1 bưu điện.
Nhiều tuyến đường giao thông, công trình hồ đập, bờ kè sông bị hư hỏng, sạt lở. Đặc biệt, đập Tắt ở xã Hoà Hải có dung tích 0,4 triệu m3 bị vỡ thân đập, gây xói lở và thiệt hại nhiều hoa màu và tài sản của người dân.
Toàn huyện có hơn 42 ha cây trồng vụ đông bị hư hại và hơn 250ha cây ăn quả bị ngập. Ước tính thiệt hại ban đầu do lũ gây ra ở H.Hương Khê lên đến hơn 150 tỷ đồng.
Tính đến sáng 1/11, hơn 11 ngàn học sinh ở 2 huyện xảy ra mưa lũ là Hương Khê và Vũ Quang vẫn đang phải nghỉ học. Nguyên nhân bởi nhiều tuyến đường ở những huyện này vẫn đang bị nước lũ chia cắt hoặc trường học ngổn ngang, sình bùn sau mưa lũ. Cụ thể, tại H.Hương Khê có 8.614 em ở 22 trường và H.Vũ Quang có 2.651 em ở 13 trường.
Một điểm trường bị ngập lụt do mưa lũ
Trước mắt, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện này tiếp tục chỉ đạo hiệu trưởng các trường căn cứ vào tình hình thời tiết để có kế hoạch dạy học phù hợp, đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên; chủ động báo cáo với chính quyền địa phương, phối hợp với các lực lượng hỗ trợ khắc phục sau mưa lũ nhằm sớm ổn định tổ chức dạy học; có phương án hỗ trợ học sinh học tập, củng cố kiến thức sau khi mưa lũ kết thúc.
Ngoài ra, các trường cũng phải thường xuyên cập nhật thông tin hoạt động của nhà trường lên trang thông tin của đơn vị, sổ liên lạc điện tử, zalo... để phụ huynh, học sinh được biết. Trong trường hợp cho học sinh nghỉ học phải làm văn bản báo cáo đến các tổ chức, cá nhân liên quan.
Các trường tiếp tục rà soát, báo cáo thiệt hai do mưa lũ, cơ sở vật chất xuống cấp, sạt lở đất để các địa phương, cơ quan, phòng, ngành biết nhằm sớm khắc phục đảm bảo an toàn trường học.