(CAO) Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm được công ty thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho công nhân của công ty, bên cạnh đó, phải đảm bảo hạn chế lây lan dịch bệnh ra ngoài.
Đầu tháng 6-2021, dưới cái nắng nóng như lửa đốt, cùng với các chiến sĩ công an, y tá… trên tuyến đầu chống dịch, đâu đó những công nhân thầm lặng vào các khu cách ly để thu gom rác thải, mặc những hiểm nguy có thể xảy ra.
Buổi sáng tinh mơ, 3 công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM đeo khẩu trang, trùm mắt kính, mặc đồ bảo hộ ngồi trong cabin xe tải do tài xế Phong, di chuyển vào khu chứa rác thải trong bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Sau khi đến bệnh viện, 3 nhân viên công ty, hai nhân viên xuống xe tải lấy bình phun dung dịch sát khuẩn toàn bộ xe, người ghi chép nhật ký giao nhận rác.
Loại rác này chủ yếu là dụng cụ vệ sinh cá nhân, khăn, giấy, khẩu trang…. đều có nguy cơ lây nhiễm Covid -19 của các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm được công ty thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho công nhân của công ty, bên cạnh đó, phải đảm bảo hạn chế lây lan dịch bệnh ra ngoài.
Công nhân môi trường đô thị với đồ bảo hộ, thu gom rác thải trong các khu cách ly đưa đi xử lý
14 năm gắn bó với nghề, tài xế Phong cho biết, hàng ngày anh phải dậy từ sớm, chạy xe hơn 200km khắp TP.HCM trong khu cách ly để thu gom, nhận rác thải.
Mọi sinh hoạt, ăn uống.. hầu hết đều diễn ra trong một cabin xe tải nhỏ, không muốn tiếp xúc với nhiều người vì “chẳng biết mình nhiễm Covid – 19 hay không”.
Mỗi thùng rác 240 lít, dùng băng kéo dính chặt miệng, lượng rác trong thùng không được quá 3/4 dung tích thùng. Nhân viên môi trường đeo găng tay cao su kéo thùng rác vào vị trí tập kết ở đuôi xe để cẩu lên thùng.
Chỉ hơn 10 phút, xe tải của tài xế Phong đã chứa hơn 20 thùng rác. Chiếc xe tải sau đó được nhóm nhân viên phun khử khuẩn, rồi nhóm thay đồ bảo hộ trước khi rời khỏi bãi tập kết rác, vận chuyển về nơi xử lý tại bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
Tại khu vực xử lý rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, trong căn phòng nhỏ rộng chừng 25m2 là nơi ở, nơi sinh hoạt của anh Phong và 5 công nhân khác trong tổ.
Cũng tại căn phòng này, nhiều lần tài xế Phong phải ngồi thoa dầu gió cho đồng nghiệp bị ngất xỉu do cả ngày làm làm việc với đồ bảo hộ kín mít trong khu xử lý đốt rác y tế. Nhiệt độ trong khu vực lò đốt rác lúc nào cũng trên 50 độ C, máy móc chạy ầm ầm suốt ngày đêm.
Rác sau khi được tập kết được cho vào bệ nâng đỡ. Mỗi lần đưa vào lò đốt gồm 2 thùng, công nhân mở nắp cho bột clo vào khử trùng và phun sát khuẩn xung quanh thùng rác.
Sức nóng bên trong lò đốt 1.000 độ C tỏa ra trong khi công nhân chỉ đứng cách lò vài mét, cùng với việc họ phải thường xuyên tiếp xúc môi trường toàn mùi dung dịch sát khuẩn khiến nhiều người bị choáng.
Một số hình ảnh ghi nhận trong quá trình thu gom, xử lý rác thải trong các khu cách ly:
Nguyễn Yên - Nguyễn Huỳnh