Sáng 7/6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.
Tham dự tại điểm cầu Văn phòng Thành ủy TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.
Tại điểm cầu UBND TPHCM tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thành Phong.
Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đơn vị, các quận/huyện, TP Thủ Đức và các thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC
Số chỗ trong các cơ sở cách ly sắp hết, cần nhanh chóng bổ sung
Tại buổi họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá cao công tác triển khai phòng chống dịch trên địa bàn TP trong 6 ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả. Công tác chỉ đạo, phối hợp sâu sát, chặt chẽ và thường xuyên, từng địa phương, đơn vị đều có phương án chủ động và quyết liệt.
Về cơ bản TP đã kiểm soát được các nguồn lây lan ra cộng đồng. Điều đó khẳng định quyết định giãn cách của TP là kịp thời và đúng đắn. Đặc biệt, cùng với sự chung tay của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn TP, công tác hỗ trợ xã hội đối với những người bị ảnh hưởng do dịch bệnh đã được toàn xã hội chung tay, chia sẻ bằng nhiều hình thức rất đa dạng, nhẹ nhàng nhưng ấm cúng.
Từ ngày 26-5 đến nay có 362 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được công bố liên quan đến ổ dịch tại Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 7 người bệnh đầu tiên trong ổ dịch này đều thuộc biến chủng Ấn Độ, B.1.617.2.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng biểu dương công tác thông tin, tuyên truyền trong những ngày qua đã đóng góp lớn vào công cuộc chống dịch của TP. Bên cạnh việc đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời tới người dân, Sở Thông tin và Truyền thông TP đã lên kế hoạch và tạo điều kiện để công tác lãnh đạo điều hành đạt hiệu quả tốt.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh kênh thông tin tiếp nhận từ người dân, ngăn chặn tin giả, tin xuyên tạc; chú ý truyền thông trên mạng, xử lý nhanh, kịp thời nhưng cần có sự sáng tạo, linh hoạt để tránh hình thức truyền thông phản cảm, gây phiền hà và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý những vấn đề TP cần lưu ý trong thời gian tới. Qua thống kê cho thấy, chỉ tính trong 10 ngày trở lại đây, có 5 ngày trước phát hiện bình quân 37 ca bệnh/ngày, 5 ngày trở lại đây 31 ca/ngày, như vậy số lượng ca nhiễm mới có giảm nhưng chưa nhiều và vẫn trong khả năng kiểm soát.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, hiện nay số lượng người cách ly cao, số chỗ trong các cơ sở cách ly tại địa phương cũng sắp hết, một số ca dương tính chưa tìm được nguồn lây và nguy cơ còn tiềm ần ngoài cộng đồng. Do vậy, các ngành các cấp không được chủ quan lơ là, TP cùng lúc phải làm nhiều việc, tập trung nhiều lực lượng nhưng cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt từng nhiệm vụ.
Cụ thể, đối với việc cách ly, cần xây dựng các phương án dự phòng, tăng cường thêm 30-40% để không bị động; có hình thức cách ly phù hợp cho các đối tượng “F” khác nhau, bảo đảm an toàn và chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Thận trọng trong mỗi quyết định, chỉ thị để tránh làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và việc sản xuất kinh doanh của DN.
Hiện tại, dịch đã lây lan đến nhiều bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất.., là những nơi có nguy cơ lây nhiễm nhanh, cần nhanh chóng tìm giải pháp phòng ngừa lây nhiễm; siết chặt công tác điều tra truy vết giám sát sàng lọc đối với từng trường hợp cụ thể, đảm bảo tính chính xác, ngăn ngừa việc nhận định sai hướng, dẫn đến mất thời gian trong việc xác định nguồn lây bệnh.
Bên cạnh đó, cần lưu ý đảm bảo việc thực hiện “Mục tiêu kép”, sản xuất kinh doanh cần an toàn nhưng không cứng nhắc, có thể nới rộng sản xuất khi đã kiểm soát được dịch bệnh. Các quận huyện và TP Thủ Đức cần tổ chức kiểm tra ngay các phương án sản xuất an toàn tại một số khu sản xuất, công nghiệp để kịp thời chia sẻ và phối hợp, tạo điều kiện cho DN vừa sản xuất vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Cán bộ, công chức, người lao động không tiếp khách tại công sở
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, thay mặt Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy.
Từ ngày 3-6-2021, TPHCM đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 3 (tổng cộng 73.900 liều do Bộ Y tế cấp cho TP).
Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, và ngày 7/6 là ngày thứ 25 liên tiếp Việt Nam có số ca nhiễm 3 con số. Lũy kế từ ngày 27/4 đến nay, cả nước ghi nhận 5.562 ca nhiễm, ảnh hưởng đến 39 tỉnh, thành. Trong đó, TPHCM là địa phương có số ca nhiễm đứng thứ tư cả nước và dự báo vẫn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm rải rác, các chùm ca bệnh trong khu vực cách ly và cộng đồng.
Về tổng thể, dịch bệnh tại TP vẫn đang trong tầm kiểm soát và đang có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên do xuất hiện cả biến chủng Ấn Độ và Anh đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên công tác kiểm soát dịch phải thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.
Trên tinh thần tổng tiến công toàn lực, tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội toàn TP để chặn đứng, đẩy lùi dịch bệnh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị:
1. Các sở ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức: Duy trì nghiêm khắc các biện pháp phòng chống dịch tại Chỉ thị số 15, số 16 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của TP.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương phòng, chống dịch tại công sở; mỗi cơ quan, đơn vị phân công một Bộ phận chuyên trách để tiếp nhận hồ sơ của người dân, doanh nghiệp – cố định cho đến khi hết dịch; Cán bộ, công chức, người lao động không tiếp khách tại công sở (trừ trường hợp khách có thư mời). Mỗi cơ quan, đơn vị khi đi họp chỉ cử duy nhất một người, nhất là khi dự họp tại trụ sở UBND TP.
Thực hiện việc giãn cách triệt để tại các chợ truyền thống và chợ đầu mối. Các địa phương có trách nhiệm bố trí các chốt tại chợ truyền thống, chợ đầu mối để kiểm soát y tế và giãn cách mật độ mua sắm. Nhân rộng các mô hình phòng chống dịch hiệu quả tại công sở, bệnh viện, doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất để đảm bảo đồng bộ cao nhất trong việc phòng chống dịch trên địa bàn.
Chủ tịch UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; huy động và điều phối nguồn lực tại phường, xã, thị trấn để hỗ trợ các chốt, các khu vực cách ly. Tập trung tuyên truyền đợt vận động ủng hộ công tác phòng, chống dịch và kịp thời thông tin biểu dương những tập thể, cá nhân tích cực ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 ngoài các giải pháp nêu trên cần yêu cầu tất cả người dân ở tại nhà toàn thời gian, ngoại trừ các trường hợp được ra khỏi nhà theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của TP.
2. Giao Sở Y tế: Huy động tổng lực ngành y tế (kể cả y tế tư nhân) tham gia xét nghiệm. Tập trung lấy mẫu và xét nghiệm cho toàn bộ công nhân, người lao động các Khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao trên địa bàn.
Hướng dẫn các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát cơ sở vật chất trên từng địa bàn để bố trí làm nơi cách ly tập trung với nguyên tắc phải có kế hoạch cụ thể cho từng tình huống, chủ động và không để thiếu chỗ cách ly theo tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Đánh giá tổng thể các tồn tại, hạn chế đối với công tác phòng chống dịch tại các cơ sở y tế, nhất là một số đơn vị đã từng bị phong tỏa như: Trung tâm Hòa Hảo, Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Nam Sài Gòn,…. để khắc phục, không để xảy ra trường hợp tương tự. Khuyến khích các bệnh viện triển khai chương trình chăm sóc toàn diện cho người bệnh (không cần người nuôi bệnh).
Giám sát các phòng mạch, nhà thuốc tư nhân, khi phát hiện người dân có dấu hiệu ho, sốt, khó thở,… đến khám, mua thuốc tại phòng mạch, nhà thuốc phải phối hợp chặt chẽ với Trạm y tế để hướng dẫn người dân tầm soát dịch bệnh.
Đánh giá hiệu quả các giải pháp cách ly xã hội đã triển khai trên địa bàn TP, cần thiết có thể áp dụng các giải pháp nghiêm ngặt hơn nữa để phấn đấu khống chế dịch bệnh sớm nhất, báo cáo lại Ban Chỉ đạo trong phiên họp thứ sáu tuần này.
3. Giao BQL các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao khẩn trương tham mưu UBND TP kế hoạch tổ chức cho một số doanh nghiệp vừa cách ly, vừa sản xuất nhằm đảm bảo an toàn cho chuỗi sản xuất và bảo vệ sức khỏe người lao động. Siết chặt việc giãn cách tại các nhà máy, cơ sở sản xuất và các biện pháp phòng dịch theo Bộ tiêu chí an toàn tại doanh nghiệp do TP ban hành và 100% nhà máy, cơ sở sản xuất phải được hậu kiểm để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Khuyến khích các doanh nghiệp điều chỉnh giờ làm việc để hạn chế tập trung đông người. Khi đưa đón người lao động và bố trí ăn trưa phải cố định vị trí để sẵn sàng truy vết khi có yêu cầu.
4. Giao Ban Tôn giáo TP tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, nhất là các điểm nhóm tôn giáo do UBND cấp xã cấp phép hoạt động. Khuyến khích các cơ sở tôn giáo giảng lễ, thuyết pháp trực tuyến qua internet. Quan tâm nhắc nhở, chức sắc, chức việc, tín độ kịp thời phát hiện, thông báo đến chính quyền, cơ quan y tế về các nguy cơ lây bệnh, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cách ly địa bàn có dịch.
5. Giao Sở Công Thương chuẩn bị đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân trong 6 tháng (trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.
6. Đề nghị các đoàn thể TP phát động phong trào tình nguyện tham gia phòng chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng tình nguyện và hỗ trợ cho các quận, huyện, TP. Thủ Đức, phường, xã, thị trấn, nhất là các đơn vị có nhiều chốt, nhiều điểm cách ly.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị người dân TP khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở,… phải chủ động liên hệ cơ sở y tế để được xét nghiệm tầm soát dịch bệnh, tuyệt đối không chần chừ, do dự.
Đồng thời, người dân có bệnh nền như: ung thư, thận mãn tính, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, hệ miễn dịch suy yếu do ghép tạng, tủy sống hoặc sử dụng các loại thuốc khiến hệ miễn dịch yếu đi… cần ở nhà toàn thời gian và chỉ ra ngoài khi phải đến cơ sở y tế.
14 bệnh viện và 6 phòng khám đa khoa tại TPHCM có ca dương tính từng đến
TPHCM ghi nhận 14 bệnh viện và 6 phòng khám đa khoa có ca dương tính từng đến bệnh viện để kiểm tra, khám sàng lọc gồm:
Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Tâm thần – cơ sở 2, Bệnh viện quận Gò Vấp, Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện quận Bình Thạnh, Bệnh viện Quận 7, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Cetral Park, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bệnh viện FV, Bệnh viện Đức Khang, Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Quốc tế City.
PKĐK Hòa Hảo – Quận 10, PKĐK Trần Diệp Khanh - Quận Gò Vấp, PKĐK Xóm Mới - Quận Gò Vấp, PKĐK Quốc tế Nhân Hậu - Quận 10, PKĐK Hoàn Mỹ Hữu Nghị Sài Gòn - Quận Gò Vấp, PKĐK Đại học Y dược 1 - Quận 10.
Các cơ sở này đều được tạm ngưng tiếp nhận người bệnh để điều tra, xác minh người tiếp xúc, vệ sinh khử khuẩn đầy đủ trước khi hoạt động bình thường trở lại.
Riêng Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn có 01 trường hợp nhân viên y tế mắc bệnh, Bệnh viện quận Tân Phú có 04 trường hợp nhân viên y tế mắc bệnh, đã được phong tỏa để kiểm soát nguồn lây nhiễm.
Sở Y tế đã chỉ đạo tất cả bệnh viện, phòng khám tiếp tục siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến thăm khám và điều trị, đặc biệt lưu ý kiểm tra yếu tố dịch tễ, sàng lọc kỹ người đến từ những nơi có ghi nhận ca nhiễm COVID-19, người có triệu chứng nghi ngờ...
(CAO) Sáng 7/6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.