(CAO) Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thời điểm này các nhà vườn ở Làng nghề truyền thống, hoa kiểng, cây giống, du lịch sinh thái Phước Định hay người dân hay gọi bằng cái tên thân quen là Làng mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) đang tất bật “thay áo” cho cây mai để đón Tết.
Đến với gia đình ông Trần Văn Hòa (60 tuổi, ngụ ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước), một nghệ nhân đang sở hữu hơn 70 cây mai “khủng” thuộc hạng nhất, nhì trong làng mai vàng Phước Định.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hòa cho biết: “Mai ở đây trồng không nhất thiết phải đợi đến Tết mới bán, có thể bán quanh năm, chỉ cần được giá là bán thôi. Năm nay tôi mới vừa bán được 4 cây, hai cây lớn, hai cây nhỏ được hơn 2 tỉ cho thương lái”.
Nhiều cây mai to của ông Hòa phải bắt giàn giáo để lặt lá
Rời nhà ông Hòa, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Văn Sững (70 tuổi, ngụ ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước) người đang sở hữu nhiều gốc mai “cụ” nhất làng mai Phước Định, được ông cho biết, hiện ông cùng các người con sở hữu trên 200 gốc mai. Đa phần các gốc mai của ông đều có tuổi đời bằng đến hơn tuổi ông, nên các cây mai của nhà ông đều có bộ đế rất hoành tráng.
Vườn mai “cụ” của nhà ông Sững
Làng mai vàng Phước Định được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống vào tháng 7/2009. Mai vàng tượng trưng cho sự may mắn, là loại hoa không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền, đặc biệt đối với người dân phương Nam.
Một số hình ảnh các gốc mai vàng cổ thụ:
Vườn mai “khủng” của ông Hòa
Một gốc mai có bộ đế hoành tráng
Một gốc mai có hình con cá sấu của ông Sững
Những bông mai “vượt rào” trổ sớm báo hiệu mùa xuân sắp về.