Những tòa nhà làm xấu Thành phố

Thứ Sáu, 30/08/2024 08:03

|

(CATP) Với thiết kế sang trọng, hiện đại, lại nằm ở những vị trí đắc địa và có vốn đầu tư lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng, khi hoàn thành, những tòa nhà này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo của TP. Tuy nhiên, trong khi đang xây dựng thì chúng bị "đứt gánh" giữa đường và phải "trùm mền" trong thời gian dài, gây lãng phí về tiền của, tài nguyên đất đai, làm xấu của TP.

Số phận lao đao của tòa nhà 17 năm "đắp chiếu"

Năm 2007, dự án cao ốc phức hợp Saigon M&C Tower (sau đó đổi tên thành Saigon One Tower) tại số 34 Tôn Đức Thắng (Q1) được xây dựng trên lô "đất vàng" 6.672m2 ở góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt. Ban đầu, dự án do Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư với số vốn lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2009.

Saigon One Tower cao 41 tầng, tổng diện tích sàn khoảng 127.126m2. Trong đó, 6 tầng để dành cho khu bán lẻ, khu văn phòng hạng A gồm 34 tầng, khu căn hộ với 133 căn. Khi hoàn thành, Saigon One Tower là tòa nhà cao thứ 3 tại TPHCM chỉ sau Bitexco Financial Tower 68 tầng và The One 55 tầng.

Dự án xây dựng được khoảng 80% khối lượng thì đến năm 2011 đột ngột ngưng thi công và bị "đóng băng" trong thời gian dài. Tháng 3/2015, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân giao các cơ quan chức năng làm việc với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015. Quá thời hạn mà chưa hoàn thành, Sở Xây dựng báo cáo UBND TP để có chế tài xử lý.

Sau 11 năm thi công, Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP hiện là một khối bê tông nặng nề

Tháng 11/2015 chủ đầu tư Saigon One Tower bị Cục Thuế TPHCM thông báo phong tỏa hóa đơn nợ thuế quá hạn hơn 4,6 tỷ đồng. Năm 2017, lãnh đạo TP cho biết dự án này có chủ đầu tư mới và sẽ tái khởi động hoàn thiện 20% hạng mục còn lại trong tháng 10. Tuy nhiên, do một số mâu thuẫn nội bộ, chủ đầu tư không được giải quyết khiến dự án tiếp tục bị "ngâm" và mang ra thế chấp cho khoản vay hơn 7.000 tỷ đồng. Ngày 29/3/2018, Saigon One Tower được Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) thông báo bán đấu giá để xử lý khoản nợ xấu hơn 7.000 tỷ đồng.

Năm 2021, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Viva Land (một thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) xuất hiện với tư cách là đơn vị quản lý, phát triển Saigon One Tower. Dự án được đổi tên thành IFC One Saigon.

Sau khi về tay Viva Land, IFC One Saigon được "lột xác" bằng cách thay lớp kính bên ngoài dạng "vảy rồng" nhìn khá đẹp mắt. Việc IFC One Saigon thay "áo mới" khiến người ta hy vọng dự án sẽ được hồi sinh. Trên thị trường bất động sản bắt đầu xuất hiện thông tin các căn hộ tại IFC One Saigon rục rịch giao dịch với mức giá 1 tỷ đồng/m2.

Tuy nhiên, tòa nhà này chỉ được thay "lớp vỏ” bên ngoài, còn "ruột" bên trong như: nội thất, cơ điện..., chủ đầu tư không được làm. Trong khi IFC One Saigon chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ thì tháng 10/2022, một số lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, trong đó có bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT, khiến dự án IFC One Saigon tiếp tục bị "đứng hình" và chưa biết khi nào được "giải cứu".

Được kỳ vọng mang biểu tượng mới của TPHCM, nhưng sau gần 17 năm xây dựng, IFC One Saigon hiện lên chỉ là một khối bê tông khổng lồ xám xịt, cũ kỹ, nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt" và "góp phần làm xấu TP".

Ghi nhận vào ngày 29/8/2024 cho thấy, 6 tầng dưới của tòa nhà đối diện với Q4 đã tháo lớp kính bên ngoài, từ tầng thứ 7 trở lên lớp kính vẫn giữ nguyên; các mặt tiền còn lại của tòa nhà vẫn chưa được ốp kính. Công trường khóa cửa im ỉm, vật liệu nằm ngổn ngang, máy móc ngừng hoạt động, không có công nhân thi công.

Tọa lạc ở "trung tâm của quận trung tâm", siêu dự án 6 sao One Central HCM tiếp tục nằm "thi gan cùng tuế nguyệt"

Siêu dự án nằm "trơ xương" giữa trung tâm

Liên quan đến Viva Land, không chỉ IFC One Saigon "đắp chiếu" mà một dự án "khủng" khác của công ty này cũng bị "đóng băng" sau khi khởi công chưa được bao lâu.

Tọa lạc tại khu "tứ giác Bến Thành" với 4 mặt giáp 4 tuyến đường: Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính, dự án văn phòng - thương mại - dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn The Spirit of Saigon được xem là công trình nằm giữa "trung tâm của quận trung tâm". Đây là một trong những dự án hiếm hoi có vị trí đắc địa nhưng bị "delay" nhiều lần.

Theo thiết kế, "siêu" dự án 6 sao được xây trên khu đất 8.537m2, tổng diện tích sàn 205.743m2. Dự án có 2 tòa tháp, tòa tháp A cao 55 tầng nằm phía Tây, gồm các tầng văn phòng cho thuê ở nửa dưới và khách sạn ở nửa trên. Tháp B cao 48 tầng nằm phía Đông gồm các cán hộ, dịch vụ, khách sạn.

Năm 2013, UBND TPHCM chấp thuận cho Tập đoàn Bitexco đầu tư dự án The Spirit of Saigon, trị giá khoảng 17.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2017. Tuy nhiên, đến năm 2018, dự án mới xong phần cọc móng và 6 tầng hầm. Đây là công trình đầu tiên tại TPHCM xây 6 tầng hầm và trên thế giới cũng hiếm có dự án làm chừng đó tầng hầm.

Từ năm 2018 - 2019, dự án tạm ngưng thi công và được chuyển từ Bitexco sang Công ty TNHH Saigon Glory (một công ty con của Bitexco). Cuối năm 2019, dự án tái khởi động với việc thi công 10 tầng khối đế, dự kiến bàn giao vào tháng 8/2020. Đối với 2 khối tháp, chủ đầu tư lên kế hoạch xây dựng từ cuối năm 2020, phấn đấu hoàn thành vào đầu năm 2023.

Đầu năm 2021, dự án đổi sang chủ mới là Masterise Homes và có tên gọi mới One Central HCM. Tuy nhiên sau khi sang chủ mới, dự án cũng không có gì sáng sủa. Đầu năm 2022, Masterise Homes biến mất trên biển tên công trình, thay vào đó là Viva Land. Viva Land giới thiệu dự án với tên gọi mới là Pearl. Tuy nhiên tháng 10/2022, các lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt khiến dự án tiếp tục "đắp chiếu" từ đó đến nay. Logo Viva Land bị gỡ bỏ. Công trình được "trả” về chủ cũ là Saigon Glory.

Giống như IFC One Saigon, dự án One Central HCM hiện lên là một khối bê tông đồ sộ màu xám xịt nằm "án binh bất động". Tường rào xung quanh ngã màu bạc phếch, công trường vắng bóng công nhân và máy móc sau 11 năm xây dựng dang dở.

Số phận của Saigon One Tower chưa biết ra sao sau 17 năm xây dựng

Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM: 11 năm "bình chân như vại"

Với lối kiến trúc độc đáo, vị trí đắc địa, khi hoàn thành Trung tâm triển lãm quy hoạch (TLQH) TPHCM được kỳ vọng là công trình công cộng mang biểu tượng của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trung tâm này đã hoàn thành tới 80% khối lượng công trình, nhưng sau 11 năm thi công, công trình chưa hẹn ngày về đích.

Dự án Trung tâm TLQH TPHCM được khởi công vào quý I/2013, quy mô 18.000m2, nằm giữa tuyến đường ven sông Sài Gòn và đại lộ Vòng Cung, vốn đầu tư 800 tỷ đồng do Ban quản lý xây dựng trung tâm triển lãm làm chủ đầu tư. Công trình kết cấu 5 tầng với kiến trúc hai khối đặt nghiêng chụm vào nhau, có chức năng trưng bày, TLQH kiến trúc của TP; tổ chức sự kiện, nơi giao lưu của giới chuyên môn, người dân, du khách... Công trình dự kiến hoàn thành năm 2015, sau đó chủ đầu tư lùi đến năm 2016, tuy nhiên dự án không về đích. Giữa năm 2018, chủ đầu tư xin lùi tiến độ hoàn thành đến hết năm 2019, nhưng tiếp tục lỗi hẹn.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, nguyên nhân khiến công trình liên tục bị trễ hẹn là do chủ đầu tư và nhà thầu chưa thống nhất trong việc lựa chọn vật liệu xây dựng tại gói thầu XL06. Năm 2023, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức giao Ban Dân dụng và công nghiệp TP phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết khó khăn và rà soát chi tiết hồ sơ pháp lý gói thầu XL06, xử lý dứt điểm vướng mắc, hoàn thiện các thủ tục để triển khai thi công trở lại vào tháng 7/2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, do những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và nhà thầu không được giải quyết, sau đó chủ đầu tư đã chấm dứt hợp đồng khiến dự án tiếp tục "trùm mền".

Ghi nhận tại dự án cho thấy, công trường khá yên ắng, máy móc gần như ngưng hoạt động, chỉ vài công nhân làm việc, bên ngoài được quây tôn kín mít, bên trong ngổn ngang bê tông, sắt thép, giàn giáo, nhiều hạng mục xuống cấp, rêu mốc đen sì, nhìn từ xa, công trình chỉ là khối bê tông nặng nề, trơ trọi ven sông.

Để tái khởi động lại dự án, mới đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM vừa mở thầu gói thầu sản xuất và lắp dựng vách kính, mặt dựng, khung đỡ, vách ngăn, lan can, trần và tấm trang trí kim loại tại dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM.

Tại buổi giám sát Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM về việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 vừa qua, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ xót xa: "Công trình này vô cùng lãng phí, thu hồi đất của dân giờ thì "bình chân như vại". Từ năm 2017 đến giờ y chang và xuống cấp".

Trong khi đó, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho rằng phải mạnh dạn đánh giá đây là hạn chế của đầu tư công và phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Theo ông Bình, nếu chưa giải quyết được khó khăn, tồn tại, khả năng tới năm 2025 có hoàn thành hay không vẫn còn là dấu hỏi (?!).

Bình luận (0)

Lên đầu trang