Nơi gắn kết những tấm lòng

Thứ Sáu, 21/06/2019 12:19

|

(CATP) Là một trong những tờ báo đầu tiên khởi xướng hoạt động xã hội - từ thiện (XH-TT), tính đến nay vừa tròn 30 năm Báo CATP trở thành địa chỉ nghĩa tình quen thuộc để đồng bào các giới, nhà hảo tâm đóng góp sức người, sức của để san sẻ khó khăn, giúp nhau vượt qua nghịch cảnh, hướng tới cuộc sống tốt đẹp.

Trên con đường thiện nguyện, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân thành phố, từ những cơ quan, doanh nghiệp đến bác xe ôm, chị bán vé số, bà cụ lượm ve chai…

Đã thành thói quen gần chục năm nay, cứ tầm 8 giờ sáng, anh Tôn Thất Chương lại có mặt tại tòa soạn gửi 100.000 đồng giúp bất kỳ người bệnh nào vừa được đăng trên chuyên mục “Mảnh đời bất hạnh”. Chẳng kể ngày nắng hay mưa, sau khi đưa con gái từ nhà ở Q11 đến trường học bên Q7, anh lại chạy ngay đến Ban Công tác bạn đọc của báo làm từ thiện xong mới trở về quán cà phê lo việc mưu sinh.

Không chỉ có vậy, mỗi năm vài lần vào các dịp Trung thu, đầu năm học mới hoặc Tết cổ truyền, anh Chương còn quyên góp sách vở, quần áo, mùng mền... cùng phóng viên Báo CATP lặn lội đường xa đem quà đến trao tận tay các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hoặc các hộ nghèo.

Chung tâm nguyện giúp người nghèo, hàng tuần anh Trần Minh Tài ở P.Tân Phú, Q7 đều đặn trích 2 triệu đồng tiền lời bán cá gửi vào quỹ TT-XH giúp người bệnh thêm chi phí thuốc thang. Để có số tiền ấy, vợ chồng anh cùng con trai, con dâu chạy xe 18 cây số ra chợ đầu mối Bình Điền từ 11 giờ khuya, tự làm tất cả công việc nặng nhọc như lựa cá, cân bán cho thương lái hoặc tiểu thương nhỏ lẻ, quần quật đến 7-8 giờ sáng hôm sau mới xong buổi chợ.

Anh Trần Minh Tài nhiều năm gắn bó với hoạt động XH-TT của Báo CATP

Hơn 10 năm trước, khi nhà ở Bến Chương Dương bị giải tỏa, chợ Cầu Ông Lãnh dời sang Chấn Hưng, Bình Điền buôn bán chật vật, anh Tài vẫn tranh thủ dành thời gian đến tòa soạn “giúp chút đỉnh công sức đỡ đần người đau bệnh khó khăn”. Sở dĩ anh làm vậy vì thấy ông cụ ở nhà ngoài 80 tuổi vẫn thường nhắc con cháu phát gạo, tặng quà cho người nghèo quanh xóm.

“Nhường cơm xẻ áo, lá lành đùm lá rách” là phương châm, mục đích của rất nhiều bạn đọc đến Báo CATP tham gia công việc thiện nguyện. Người có điều kiện gửi tặng hàng trăm triệu, có khi cả tỷ đồng xây trường cho trẻ em nghèo, làm cầu, đường giúp đồng bào vùng sâu vùng xa đi lại thuận tiện.

Cũng có chị bán rau thỉnh thoảng gửi 20.000 đồng, có bác đạp xe ba gác gò lưng chở hàng thuê kiếm mỗi ngày trăm ngàn xoay xở cho vợ con, nhưng đọc báo thấy mấy đứa trẻ mồ côi, xót quá cũng tìm đến giúp năm ba chục, thậm chí có anh xe ôm ròng rã mười mấy năm nhận việc chạy từ Đồng Nai lên thành phố làm từ thiện giùm người khác. Giúp người nghèo, chẳng ai tính toán thiệt hơn, chỉ thấy mình thấm lây hạnh phúc.

Trong số nhiều bạn đọc đến quyên góp từ thiện, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ với ánh mắt đượm buồn, mái tóc bạc xơ xác. Bà tên Phạm Thị Hồng Thúy cùng các con đến Báo CATP ủng hộ 120 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn tại Bình Định. Đó là số tiền phúng viếng trong đám tang của người chồng vừa qua đời vì bệnh ung thư phổi. Theo nguyện vọng cuối cùng của ông Võ Duy Hồng, gia đình dùng toàn bộ khoản tiền giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, trong đó đóng góp một phần xây dựng quê hương Bồng Sơn.

Bà Thúy kể lúc còn mạnh khỏe, hai ông bà thường hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các trại trẻ mồ côi, mái ấm tình thương, bếp ăn từ thiện, giúp nhiều trường hợp khó khăn cơ nhỡ.

Bà Phạm Thị Hồng Thúy (phải) trao 120 triệu đồng làm đường nông thôn

Vượt qua nỗi đau để mang hạnh phúc đến cho những số phận kém may mắn, cụ Nguyễn Thị Đức dù đã 89 tuổi, phải ngồi xe lăn vẫn luôn day dứt không thể cùng con cháu và Báo CATP đi làm từ thiện. Xem tivi thấy lũ lụt tàn phá các tỉnh miền Trung, cụ bàn với gia đình dùng 500 triệu đồng tích góp dành lo chuyện hậu sự cuối đời giúp đồng bào vùng thiên tai.

Thông qua Báo CATP, toàn bộ số tiền trên được chuyển cho xã miền núi An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định xây dãy phòng học khang trang, sạch đẹp, giúp hơn 150 học sinh người Hrê, Ba Na thoát cảnh băng rừng vượt suối đến lớp. Không lâu sau ngày khánh thành ngôi trường, cụ Đức thanh thản ra đi với lời căn dặn con cháu tiếp tục làm việc thiện giúp đời.

Bạn đọc đến tòa soạn gửi tiền giúp mảnh đời bất hạnh

Hạnh phúc là cho đi, nhiều người đến Báo CATP làm từ thiện không muốn ghi tên tuổi, chỉ lấy cái tên chung “bạn đọc”. Cũng không cần phải có đợt vận động, ai nấy vẫn nhiệt tình trao gửi tình cảm và những đồng tiền chắt chiu từ mồ hôi, nước mắt mong trao đến tận tay người cần hỗ trợ.

Ba mươi năm qua, bạn đọc Báo CATP không những mang niềm tin và nghị lực cho người nghèo gặp nạn, ngăn được nhiều tình cảnh bi thảm mà còn vực dậy hàng ngàn mảnh đời khốn khó, tạo dựng được cuộc sống ổn định.

Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, những người làm báo chúng tôi hiểu rằng bạn đọc là người khơi dậy và duy trì ngọn lửa nhân ái ấm áp tình người; báo chí là nơi kết nối và đảm bảo sự hỗ trợ đến đúng người nhận, đúng mục đích, góp phần giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tòa soạn Báo CATP sẽ luôn là nơi gửi trọn niềm tin, là nhịp cầu gắn kết những tấm lòng để xoa dịu nỗi đau và nhân lên tình yêu thương đồng loại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang