Thật lạ, một thành phố du lịch nổi tiếng đẹp xinh, xanh sạch, lâu nay vẫn chưa có nhà máy xử lý rác thải hiệu quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến "tiếng thơm" của thành phố này.
Ngày 28-8, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức họp giao ban báo chí định kỳ, thông tin về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội địa phương trong tháng 8-2019. Lãnh đạo Sở Thông tin Truyền thông, Sở KH&ĐT và Chánh Văn phòng, kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh chủ trì.
Vấn đề "nóng" được báo chí, dư luận quan tâm những ngày qua tại địa phương là tình hình xử lý rác thải ở Đà Lạt, đặc biệt khi "núi" rác ở bãi rác Cam Ly đổ tràn, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường du lịch địa phương.
Quang cảnh buổi họp báo
Giám đốc Sở TN&MT, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, Giám đốc Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt cũng tham dự buổi họp báo.
Thông tin từ các ngành chức năng, được biết: Toàn TP. Đà Lạt hiện có khoảng 200 - 220 tấn rác/ngày. Trong khi đó, Đà Lạt hiện có duy nhất 1 nhà máy (NM) xử lý rác thải của Công ty TNHH Môi trường - Năng lượng xanh (gọi tắt Công ty Năng lượng xanh) tại xã Xuân Trường, cách TP. Đà Lạt khoảng 20km, hoạt động từ năm 2015, đến nay, công suất 80 tấn/ngày, chiếm khoảng dưới 40% lượng rác thải toàn thành phố. Còn lại, rác được tập kết về bãi rác Cam Ly chờ xử lý.
Bãi rác Cam Ly có từ năm 1976, đến năm 2013, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa bãi rác. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có chỉ đạo cấm đổ rác tại đây. Tuy nhiên, trong thời gian Công ty Năng lượng xanh xây dựng bãi rác (từ 2010 đến 2015), rác toàn thành phố lại được đưa về bãi rác Cam Ly tập kết.
Sau 2015, do Công ty Năng lượng xanh hoạt động xử lý rác không đảm bảo, không hết công suất nên bãi rác Cam Ly bị "quên" mất lệnh cấm. Đến nay, có tới cả ngàn tấn rác tích trữ tại đây tạo thành núi rác khổng lồ.
Từ ngày 7-8 vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, bãi rác này "thất thủ" đổ tràn, tạo thành những "dòng chảy rác" xuống vùng xung quanh, làm ngập cả vườn đất của dân với cao độ 4 đến 5m rác (tính từ mặt đất), gây ô nhiễm khu vực khủng khiếp.
Câu hỏi các nhà báo, dư luận quan tâm là thực tế hiện trạng hoạt động xử lý rác của NM xử lý rác Đà Lạt (Công ty Năng lượng xanh) đến nay ra sao? Lãnh đạo chính quyền địa phương và các ngành chức năng có phương án trước mắt và về lâu dài như thế nào để giải quyết triệt để tình trạng rác ứ đọng ở bãi rác Cam Ly, gây mất vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt và ông Phạm Văn Tuyên - Giám đốc Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt, NM xử lý rác thải của Công ty Năng lượng xanh chưa hoạt động hết công suất. Lý do, vì đây là doanh nghiệp tư nhân, công nghệ của họ chưa cao, lợi nhuận từ việc xử lý rác không đạt nên họ làm cầm chừng.
"Giá cả xử lý còn phụ thuộc vào công nghệ nên thực sự nhà đầu tư này đang gặp không ít khó khăn. NM này hiện xử lý rác thải bằng 2 phương pháp: đốt và chôn lấp. Tôi cho rằng công nghệ đốt phải để lấy được nhiệt, gas mới sinh lời", ông Tuyên nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm, đã có rất nhiều cuộc họp của lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố và các cơ quan hữu trách về chủ đầu tư NM xử lý rác thải của Công ty Năng lượng xanh. Đúng là chúng ta chưa có phương án giải quyết dứt điểm...
Ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Các nhà đầu tư tiến hành khảo sát xử lý rác thải thấy có nhiều vấn đề, như: quy mô công suất phải lớn mới có hiệu quả. Không thể xử lý cùng lúc cả rác hữu cơ và vô cơ.
Hiện, các nhà máy xử lý rác thải rắn trên toàn tỉnh đều sử dụng công nghệ cũ. Do đó, phải tính đến phương án phân loại từ đầu nguồn. Phải có phương thức cụ thể, kết hợp tuyên truyền đến người dân. Khi đó, việc xử lý rác mới mang lại hiệu quả.
Bãi rác Cam Ly đổ tràn gây ô nhiễm nghiêm trọng
Ông Phùng Khắc Đồng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho rằng, xử lý rác thải ở các địa phương trong toàn tỉnh, nhất là Đà Lạt cần sự căn cơ. Tỉnh mong muốn xử lý triệt để vấn nạn rác hiện nay, muốn tìm được nhà đầu tư thực sự mang lại hiệu quả vấn đề này, nhưng chưa được.
Do đó, giải pháp trước mắt là tỉnh chủ trương ngồi lại, tháo gỡ những vướng mắc với nhà đầu tư để tìm giải pháp tốt nhất; cùng đó, đang tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư khác; giao các công ty dịch vụ đô thị chú trọng việc thu gom rác, bảo đảm môi trường, không gian trong sạch, đặc biệt là TP. Đà Lạt để đảm bảo môi trường khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng.
Về câu hỏi của phóng viên Báo Công an TP.HCM, những năm qua, TP. Đà Lạt có những con số rất lạc quan về lượng khách du lịch đến thành phố, liệu lãnh đạo địa phương có thể dùng nguồn tiền thu từ du lịch để đầu tư xây dựng NM xử lý rác thải hiệu quả và tái đầu tư các phương án chống ùn tắc giao thông cho Đà Lạt?
Ông Phùng Khắc Đồng cho biết, lượng khách du lịch đến Đà Lạt đông, đối tượng hưởng lợi chủ yếu là người dân, các hộ kinh doanh dịch vụ. Nguồn thuế thu được từ du lịch không hề lớn. Không thể dùng nguồn tiền này để đầu tư công.
Các cơ quan chức năng cho biết, NM xử lý rác thải - Công ty Năng lượng xanh có tổng vốn đầu tư 381 tỷ đồng, đến nay nhà đầu tư mới tiến hành được giai đoạn 1, mức đầu tư 155,3 tỷ đồng, trong đó, 114 tỷ là nguồn tiền vay ưu đãi và được hỗ trợ. Còn để đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng bãi đỗ xe, góp phần giảm ùn tắc giao thông Đà Lạt, con số phải hàng ngàn tỷ đồng. Tỉnh chủ trương xã hội hoá, đang kêu gọi nhà đầu tư.
Ông Bùi Văn Lâm - Phó giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng: Về ý kiến phải có biện pháp chế tài với nhà đầu tư khi họ làm không hoặc chưa tốt, gây ảnh hưởng..., chủ trương vẫn là tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Phương án cuối cùng, bất đắc dĩ mới thu hồi dự án.
Với ý kiến của Giám đốc Sở TN&MT về phương án cần phân loại rác từ đầu nguồn, để mang lại hiệu quả về môi trường, lợi nhuận với nhà đầu tư, cần công tác tuyên truyền... Phóng viên Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Chúng tôi phải tuyên truyền ra sao, khi chúng tôi có thể viết báo, nói với mọi người và chính bản thân mình, gia đình mình hãy phân loại rác từ nhà, thành 3-4 loại bao khác nhau. Nhưng khi đi đổ, chỉ có 1 thùng rác và các nhân viên đổ rác hàng ngày không hề phân loại, hướng dẫn phân loại vì họ cũng chỉ có 1 thùng đựng rác duy nhất? Không có câu trả lời.
Giám đốc Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt cho biết, trước mắt, từ nay đến dịp Lễ 2-9 sẽ cho lắp đặt thêm 15 thùng đựng giác thân thiện môi trường xung quanh hồ Xuân Hương và Quảng trường Đà Lạt.
Vậy là vẫn phải chờ đợi, chưa có bất kỳ sáng kiến, đột phá nào cho việc tìm ra một giải pháp hữu hiệu để xử lý rác thải Đà Lạt. Bãi rác Cam Ly đã quá tải, oằn mình, gây ô nhiễm nặng, mất mỹ quan, nhưng chưa có phương án giải phóng mà vẫn phải tiếp tục làm nơi chứa rác. Đây quả thật là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người. Hi vọng tỉnh Lâm Đồng sẽ đón được nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, chung tay với thành phố này.
Khoảng 4 năm trở lại đây, TP. Đà Lạt có hiện tượng "bùng nổ" về lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi dịp lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần. Do đó, cùng người dân địa phương, du khách cũng khiến lượng rác thải tăng lên chóng mặt.
Trước đó, ngày 27-8, tại buổi họp với các ban, ngành địa phương, ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các ngành xem xét lại tính hiệu quả của Nhà máy rác Đà Lạt, do Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư (tại xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt). Ông Việt chỉ đạo các sở, ngành liên quan phải nghiên cứu quy hoạch, tham mưu xử lý rác có hiệu quả về lâu dài. Phương án chủ yếu là thu gom, chôn lấp rác như hiện nay, rác rỉ ra, thấm vào đất, phát tán mùi hôi làm ảnh hưởng đến môi trường là không thể chấp nhận được.
Lò đốt rác của nhà máy rác Đà Lạt quá khiêm tốn về quy mô, không đảm bảo xử lý trữ lượng rác tồn đọng hàng trăm tấn mỗi ngày
Nhà máy xử lý rác của Công ty Năng lượng xanh hoạt động cầm chừng, rác ở đây cũng luôn đầy ứ