(CAO) Giữa thành phố đông đúc, khi ai cũng tất bật với công việc của mình, thì những người phụ nữ ấy lại gom lại thành một nhóm ở đầu đường để chờ người khác thuê làm việc.
Họ là những người phụ nữ đến từ nhiều địa phương khác nhau, nhưng có chung hoàn cảnh khó khăn, nên chọn nghề cửu vạn vì miếng cơm manh áo.
Những người cửu vạn nằm nghỉ vội trên vỉa hè chờ công việc
Gánh cả "cuộc đời" trên vai
Dạo quanh các ngã đường chính ở TP. Vinh không khó để nhìn thấy bóng dáng của đội ngũ cửu vạn tập trung ở các ngã đường như công viên Tam Giác Quỷ, Ngã 6, Ngã 3 Quán Bánh, cầu Kênh Bắc, Ngã 4 Đại học Vinh… để chờ người thuê mình. Những vật dụng mang theo bên mình họ là chiếc chiếc xe đạp cọc cạch với lỉnh kỉnh nào quang gánh, nào vên, nào sọt rổ,… có người còn đùm cả cơm ở nhà đi để chuẩn bị giờ ăn trưa cho đỡ tốn kém.
Những người làm nghề cửu vạn đều đi theo từng tốp, ít thì 4,5 người, nhiều thì khoảng chừng 10 người, đều ở tuổi từ 35-50 và chủ yếu là phụ nữ.
Chiếc xe đạp cọc cạch với xẻng và các đồ vật cần thiết để đi làm
Chị Lê Thị Hạnh (xóm 12, Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc) tâm sự: “Gia đình có ba người con đều đang ở tuổi ăn học, tuy nhiên con gái út không may khi sinh ra đã mang lắm bệnh tật, người chồng thì sức khỏe yếu. Bởi vậy, chị là chiếc đòn gánh mang nặng cả gia đình"
Theo chị Hạnh, hầu hết những chị em phụ nữ đi làm ở đây người thì không biết chữ, người có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được ăn học đàng hoàng, lúc nhỏ theo mẹ vào Vinh làm thuê, nay lấy chồng cũng chỉ có nghề này để mà kiếm sống.
Một ngày của các chị không kể mưa nắng, đều bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc tầm 11 giờ khuya. Lúc cất bước ra đi làm, con của các chị đang ngon giấc, lúc mẹ về chúng cũng đã bắt đầu một giấc ngủ mới. Ấy vậy nên thời gian gần gũi con cái của các chị dường như không có. Dù buồn tủi, hay thương con lắm nhưng vì gánh nặng mưu sinh mà những người phụ nữ phải lăn lộn như vậy.
Từng nhóm người la động tập trung ở đầu đường để chờ người thuê mình
Công việc nào các chị cũng không nề hà gì, miễn sao có tiền. Chỉ cần đâu đó có tiếng người thuê mướn là các chị đều nhảy vào nhận việc ngay. Đó có thể là gánh gạch thuê, bốc vác hàng hoá, dọn dẹp nhà cửa, hay dọn bồn cầu…
Vất vả hơn, nhiều khi các chị còn gánh cát cho các công trình xây dựng tận tầng 7, tầng 8 mà do diện tịch nhỏ, không thể sử dụng máy cẩu. Cũng không ít lần, do trượt chân hay do quá nặng mà các chị vấp phải tai nạn.
Ngày mưa, các chị về đâu?
Tuy khổ cựu, vất vả là vậy nhưng hôm nào có người thuê làm việc thì còn mừng, có những hôm các chị ra về tay không, cả một ngày dài không tìm cho mình được một mảnh việc.
Có những việc được người khác thuê làm, nhưng rồi các chị lại không được nhận một đồng tiền nào từ mồ hôi công sức của mình bỏ ra. Nhớ lại lần đó, chị Phạm Thị Liễu, một người phụ nữ cùng nhóm buồn tủi kể lại: “Cách đây gần một năm, các chị có gánh gạch thuê cho một chủ thầu nhận công trình Trường Tiểu học Hà Huy Tập (Thành phố Vinh) với tiền công 1,7 triệu đồng. Nhưng từ đó đến nay, chủ thầu biến mất mà không chịu gửi tiền. Các chị đành cam chịu”.
Tủi hờn hơn, có những gia đình đối xử rất tốt đối với người làm thuê, nhưng cũng lắm lần các chị đi làm bị chủ nhà khinh rẻ, chửi bới thậm tệ vì chưa hài lòng… Nhưng dù có thế nào các chị vẫn cam chịu giống như số phận hiện tại của mình vậy.
Dù vất vả, nặng nhọc là thế, nhiều buồn tủi là thế nhưng khi được hỏi về mong muốn lớn nhất của mình là gì, các chị chỉ mong ngày nào cũng có người mướn việc, để có thể kiếm tiền cho con ăn học hay nuôi gia đình mình.
Chia tay tôi, các chị lại vội úp nón và chìm vào giấc ngủ vừa đứt quãng ngay trên vỉa hè nắng nóng. Nhìn những giấc ngủ qua loa dưới bóng cây xà cừ cổ thụ, tôi tự hỏi, ngày mưa, các chị về đâu?.