Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi UEH tuyên bố về chiến lược phát triển đại học UEH bền vững như: Thế nào là “hành động bền vững” trong đào tạo, nghiên cứu, vận hành, quản trị và kết nối cộng đồng? Có phải xây dựng đại học bền vững là chỉ thực hiện đào tạo và nghiên cứu bền vững và các hoạt động khác chỉ là hỗ trợ hay có thể thực hiện các hoạt động này một cách riêng biệt không? UEH xác định chiến lược phát triển đại học bền vữngnhư thế nào? Các đơn vị, từng cá nhân viên chức và người lao động của UEH sẽ có vai trò gì trong quá trình này….
Trong khuôn khổ bài viết này, Ban đề án Đại học bền vững sẽ tập trung vào làm rõ nội hàm của 1 đại học bền vững và những định hướng lớn mà UEH sẽ triển khai trong giai đoạn tới.
Các nguyên tắc về phát triển bền vững đã được áp dụng và triển khai trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ rất lâu trên toàn thế giới như lĩnh vực kinh tế (UN, 1987), du lịch (UNWTO, 2005), năng lượng (World Energy Council, 2018) cho đến sức khỏe (Yélamos et al., 2019) và giáo dục vì sự phát triển bền vững (UNESCO, 2019). Tuy nhiên chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015 (UN, 2015), đã đưa ra một kế hoạch chung về hòa bình và thịnh vượng cho con người và hành tinh, hiện tại và trong tương lai mà trọng tâm là thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs).
Đây được coi là lời kêu gọi hành động khẩn cấp của tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển trong mối quan hệ đối tác toàn cầu. Trong đó, vai trò của các trường đại học rất quan trọng trong việc thúc đẩy và thực hiện thành công 17 SDGs. Đại học không phải chỉ góp phần vào đào tạo, nghiên cứu vì sự phát triển bền vững mà bản thân mỗi đại học phải chuyển thành 1 đại học bền vững, tức là chủ động tham gia thúc đẩy và giải quyết các vấn đề ở cấp độ khu vực hoặc toàn cầu; nỗ lực giảm thiểu các tác động tiêu cực đến kinh tế, môi trường, xã hội và sức khỏe khi sử dụng các nguồn lực để giảng dạy, nghiên cứu theo những cách giúp xã hội chuyển đổi sang lối sống bền vững.
Như vậy để thực hiện được hai chức năng trọng tâm của đại học bền vững là đào tạo và nghiên cứu, cũng như thúc đẩy chuyển giao kiến thức và xây dựng các công cụ để thực hiện được các SDGs hay phát triển các dự án lồng ghép với nhiều đối tác liên quan (chính phủ, xã hội và khu vực tư nhân) thì đại học bền vững cần phát triển tích hợp thêm ba nhóm hoạt động là cộng đồng, vận hành và quản trị nhà trường (Jora, 2020; Movement, 2019; UN, 2017; UNESCO, 2019). Tổ chức xếp hạng đại học uy tín các tổ chức giáo dục đại học trên toàn thế giới (THE) đã đưa ra bảng xếp hạng The Impact Rankings từ năm 2019 với các tiêu chí xếp hạng tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững SDGs xem như 1 cách tiếp cận mới nhằm thúc đẩy và ghi nhận cam kết của các trường đại học trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của toàn cầu. THE Impact Rankings với các tiêu chí tích hợp mục tiêu bền vững.
THE Impact Rankings với các tiêu chí tích hợp mục tiêu bền vững
Nhờ những bước đi tiên phong và phát triển vững chắc từ khi thành lập (1976) cho đến nay, UEH đã chứng tỏ đang đi đúng định hướng phát triển đại học bền vững thông qua những thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu, kết nối cộng đồng, vận hành & quản trị nhà trường. Năm 2021 đánh dấu một bước ngoặt lớn của UEH với chiến lược tái cấu trúc trở thành Đại học UEH đa ngành và bền vững (giai đoạn 2022 – 2030). Bắt đầu từ nay UEH không chỉ là phát triển bền vững nữa, mà chuyển sang một giai đoạn mới: hành động bền vững trong các trụ cột đào tạo, nghiên cứu, vận hành, quản trị và kết nối cộng đồng.
Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi UEH tuyên bố về chiến lược phát triển đại học UEH bền vững như: Thế nào là “hành động bền vững” trong đào tạo, nghiên cứu, vận hành, quản trị và kết nối cộng đồng? Có phải xây dựng đại học bền vững là chỉ thực hiện đào tạo và nghiên cứu bền vững và các hoạt động khác chỉ là hỗ trợ hay có thể thực hiện các hoạt động này một cách riêng biệt không? UEH xác định chiến lược phát triển đại học bền vững như thế nào? Các đơn vị, từng cá nhân viên chức và người lao động của UEH sẽ có vai trò gì trong quá trình này…. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào làm rõ nội hàm của 1 đại học bền vững và những định hướng lớn mà UEH sẽ triển khai trong giai đoạn tới.
Theo tiếp cận của UN (2017) hoặc UNESCO (2019), Đại học UEH bền vững sẽ có 05 trụ cột:
– Trụ cột “Đào tạo”: Đại học UEH bền vững sẽ “đào tạo ra những công dân toàn cầu hành động vì sự phát triển bền vững”, không chỉ đào tạo người học biết, nhận thức về SDGs mà còn là làm cho công việc của họ tốt hơn và bền vững hơn, hiểu rõ các tác động xã hội, kinh tế và môi trường đối với nghề nghiệp tương lai và công việc chuyên môn của mình. Để thực hiện yêu cầu này thì các chương trình, sản phẩm đào tạo phải lấy “tín hiệu, nhu cầu của xã hội, cộng đồng”, “chất lượng toàn cầu, tiêu chuẩn quốc tế” làm nền tảng, lồng ghép các nguyên tắc phát triển bền vững vào trong tất cả các chương trình đào tạo, các môn học (gắn kết với chuẩn đầu ra), các chương trình ngoại khoá; trao quyền chủ động cho người học được tìm hiểu/ nghiên cứu/ thực hành về tính bền vững bằng cách đào tạo liên ngành – đa ngành, gắn với thực tiễn, lấy người học làm trung tâm, học tập liên tục và suốt đời.
Một điều quan trọng hơn nữa là ngoài các chương trình đào tạo chính khóa, trường đại học bền vững cũng phải cung cấp (một hoặc nhiều phần) các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để cập nhật, bổ sung, lan tỏa kiến thức mới cho cộng đồng thông qua các các khóa học trực tuyến/trực tiếp mở rộng rãi và các hình thức kết hợp khác để góp phần vào các phương thức học tập liên tục và suốt đời.
Sinh viên UEH trải nghiệm, tương tác trên môi trường công nghệ hiện đại
-Trụ cột “Nghiên cứu”: Nghiên cứu trong đại học UEH bền vững bao gồm nghiên cứu hàn lâm, nghiên cứu ứng dụng với mục tiêu “Nghiên cứu vì lợi ích cộng đồng”. Như vậy kết quả nghiên cứu phải ứng dụng hay đề xuất ra các hàm ý, chính sách, giải pháp giải quyết các vấn đề địa phương, toàn cầu, đóng góp vào quá trình phát triển bền vững, giúp cho tất cả mọi người trong xã hội đều có thể tiếp cận và sử dụng được các kết quả nghiên cứu và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội.
Hơn thế nữa, vai trò của các “nhà nghiên cứu bền vững” tại các trường đại học là xem xét các SDGs khác nhau, hiểu cách tiếp cận nào hiệu quả hơn và phân tích quá trình thực hiện chương trình nghị sự 2030 để đề xuất một phương án hợp lý nhất và đạt được nhiều mục tiêu nhất. Do đó cần thực hiện các nghiên cứu, tư vấn theo hướng tích hợp đa ngành, liên kết nghiên cứu trong nước và quốc tế, tăng cường hợp tác giữa các trường đại học để phát huy các lợi thế, giải quyết tình trạng phân bổ không đồng đều (nguồn lực, lĩnh vực) giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu vì các mục tiêu SDGs.
“Đào tạo” và “Nghiên cứu” là 2 trụ cột quan trọng nhất trong phát triển đại học bền vững. Tuy nhiên, việc xây dựng, vận hành không hề đơn giản và thực sự cần có sự phát triển tích hợp, bổ trợ và song hành của tất các hoạt động khác bao gồm của 1 trường đại học như vận hành, quản trị và kết nối cộng đồng.
– Trụ cột “Vận hành”: Đề cập đến việc thúc đẩy hoạt động của các khuôn viên đại học bằng cách tận dụng tối đa các nguồn lực tự nhiên và xã hội để giảm thiểu rác thải, năng lượng tiêu thụ như sử dụng pin mặt trời, năng lượng tái tạo, sử dụng vật liệu cách nhiệt tốt, phân loại chất thải, chính sách mua sắm bền vững để tiến tới zero footprint hay Green Campus. Những khuôn viên này ngoài việc thân thiện với môi trường thì cũng phải là những khuôn viên mở cho cộng đồng có thể tiếp cận được, các phòng lab truyền thống cần được thay bằng hệ thống living lab, eco studiolab, nơi mà tất cả các bên liên quan, nghiên cứu viên – giảng viên – nhân viên và người học của nhà trường cùng học tập, nghiên cứu và giải quyết triệt để các vấn đề của chính nhà trường, của doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý nhà nước hay của cộng đồng.
Đại học Kinh tế TPHCM đào tạo những công dân toàn cầu hành động vì sự phát triển bền vững
– Trụ cột “Quản trị”: UEH và các đơn vị trực thuộc đặt tính bền vững trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển chung, có cách thức hoạt động phù hợp với hiện trạng, đặc trưng sẵn có, có bộ phận chuyên trách kiểm soát và đánh giá quá trình vận hành, hiện thực hóa mô hình quản trị đại học hiệu quả, gắn với thị trường, thực hiện chuyển đổi số và phát triển theo các tiêu chí bền vững.
– Trụ cột “Kết nối Cộng đồng” là việc tạo lập một cộng đồng mở gồm người học, cán bộ viên chức, người lao động và những đối tác là những người sẵn sàng thay đổi để phát triển bền vững thông qua các hoạt động cộng đồng tự tổ chức thực hiện. UEH sẽ xây dựng Cộng đồng UEHer là “cộng đồng của những người truyền cảm hứng nghệ thuật và những người thay đổi vì sự bền vững”. Cộng đồng UEHer được xác định là một cộng đồng mở gồm những người đã và đang học tập, làm việc, giảng dạy, nghiên cứu, cộng tác, hợp tác với UEH thông qua việc trao quyền chủ động cho các nhóm sinh viên, các hoạt động ngoại khóa, sự tham gia tích cực của nhân viên và các đối tác hành động vì sự bền vững và truyền cảm hứng nghệ thuật.
Mô hình 5 trụ cột Đại học UEH đa ngành & bền vững
Thực tế triển khai các Đại học bền vững trên toàn thế giới cho thấy không thể phát triển riêng rẽ từng hoạt động trong năm hoạt động đề cập ở trên, hay chỉ tập trung vào đào tạo và nghiên cứu cho rằng các hoạt động khác chỉ là bổ trợ. Để thực hiện được bất kỳ hoạt động nào cũng cần có sự hỗ trợ, tác động của các hoạt động khác và ngược lại, không có chính và cũng không có phụ. Chính vì vậy UEH cần phải xây dựng một khung phát triển đại học bền vững phù hợp với bối cảnh của nhà trường và Việt Nam nhưng vẫn đạt được 17 SDGs với các thước đo định lượng cụ thể (ví dụ sử dụng tiêu chí đánh giá của THE Impact Rankings) trên các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, vận hành, quản trị, kết nối cộng đồng bền vững.
Một ví dụ thực tế về việc UEH đang triển khai dự án UEH zero waste (UEHZW) gắn với xây dựng UEH Living lab phục vụ đào tạo và nghiên cứu . Việc xây dựng UEHZW Living Lab không phải chỉ là xây dựng một khuôn viên đại học không rác thải (2025) làm nền tảng phát triển, vận hành khuôn viên xanh (2030) theo các tiêu chí kiểm định của các tổ chức quốc tế có uy tín như LEED hoặc BREEAM. UEHZW cũng không chỉ đơn thuần chỉ là kêu gọi hành động của người học, giảng viên, nhân viên và các đối tác thực hành/ chủ động thực hành không rác ngay trong nhà trường hay khi trở về nơi mình sinh sống. UEHZWsẽ là một Living lab gồm các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy được lồng ghép tích hợp đa ngành – liên ngành không chỉ trong mà còn các đối tác bên ngoài trường, tích hợp giữa các yếu tố kinh tế – kỹ thuật – công nghệ – xã hội để giải quyết triệt để vấn đề rác thải (không phải chỉ trong khuôn viên trường học), ươm mầm cho những ý tưởng mới để thu gom, tái chế rác hay phát triển kinh tế tuần hoàn (biến rác thành tài nguyên), nghiên cứu các mô hình giảm nhu cầu sử dụng không cần thiết, các mô hình thay đổi nhu cầu tiêu dùng, các mô hình tài chính đầu tư trong từng phương án thay thế, phát triển các nền tảng giáo dục thông minh, hay thể hiện trong nội dung, chuẩn đầu ra, bài tập thực hành của từng môn học, chương trình học…
Tái cấu trúc trở thành Đại học UEH đa ngành và bền vững là một quyết định có ý nghĩa quan trọng với UEH và đi theo đúng xu hướng phát triển của thời đại, thực hiện trách nhiệm của một đại học trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Với tinh thần tiên phong và nội lực của chính mình, toàn thể UEHer chắc chắn sẽ cùng đồng hành và chủ động đương đầu với những thách thức mới để cùng xây dựng phát triển một đại học bền vững, đóng góp phát triển một xã hội phồn thịnh hơn.
Tài liệu tham khảo
Amrina, E., & Imansuri, F. (2015). Key Performance Indicators for Sustainable Campus Assessment: A Case of Andalas University. 349, 11-18. doi:10.1007/978-3-662-47200-2_2
Bursztyn, M. (2008). Sustainability Science and the University: Towards Interdisciplinarity. https://dash.harvard.edu/handle/1/37366516
Grecu, V., & Ipiña, N. (2014). The Sustainable University – A Model for the Sustainable Organization. https://doi.org/http://dx.doi.org/10.1515/msd-2015-0002
Hopkins, C., & McKeown, R. (2001). Education for sustainable development. 14(4). https://www.proquest.com/docview/235135402?pq-origsite=gscholar&fromopenview=true
Hoque, A., Clarke, A., & Sultana, T. (2017). Environmental sustainability practices in South Asian university campuses: an exploratory study on Bangladeshi universities. Environment, Development and Sustainability, 19. doi:10.1007/s10668-016-9845-0
IUCN. (2002). Education and Sustainability
Jora, O. D. (2020). The sustainable university – Concept & conception. Amfiteatru Economic, 22(54), 307 – 309.
Movement, T. G. O. (2019). What is a sustainable university? Retrieved from https://www.greenofficemovement.org/sustainable-university/
Model, G. O. (2021). What is a sustainable university? Retrieved from https://www.greenofficemovement.org/sustainable-university/
The Student. (2021). Best universities for recycling and sustainability. https://www.timeshighereducation.com/student/best-universities/best-universities-recycling-and-sustainability
UN. (2017). Higher Education Institutions – key drivers of the Sustainable Development Goals.
UNEP. (2013). Greening Universities Toolkit: Transforming universities into green and sustainable campuses Australia
UNESCO. (2019). Framework for the implementation of Education for Sustainable Development (ESD) beyond 2019.
Velazquez, L., Munguia, N., Platt, A., & Taddei, J. (2006). Sustainable university: what can be the matter? Journal of Cleaner Production, 14(9-11), 812. https://doi.org/https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2005.12.008
BAN ĐỀ ÁN ĐẠI HỌC UEH BỀN VỮNG