"Quyền trượng" của đào tạo đại học chính là chất lượng

Thứ Tư, 03/08/2022 10:34

|

(CATP) Việc ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên với lễ phục lạ lẫm, cùng cây quyền trượng, đã gây "bão mạng". Thậm chí có kẻ xấu đã phê phán cả nền giáo dục. Nhưng việc làm của ĐH Kinh tế không sai vì luật không cấm. Vấn đề chất lượng đào tạo chứ không phải là hình thức. Ở đây cũng đặt ra vấn đề nên thiết kế những bộ lễ phục đậm đà bản sắc văn hóa của một dân tộc có bề dày khoa bảng hơn 1.000 năm...

Sao lại bắt "quyền trượng" giải trình?

Ngày 29-7, Đại học (ĐH) Kinh tế (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp ĐH chính quy năm 2022 cho gần 1.000 tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.

Tại buổi lễ này, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng nhà trường đội mũ màu đỏ, tay cầm quyền trượng, khoác áo thụng, đeo vòng cổ, dẫn đầu các thầy cô giáo của nhà trường tiến vào hội trường. Các thành viên trong ban nghi lễ cũng mặc áo nhung đỏ pha đen, đội mũ màu đen, găng tay màu trắng. Những hình ảnh này lập tức gây "bão mạng".

Liên quan đến sự việc này, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có công văn đề nghị Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế báo cáo bằng văn bản về công tác tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Công văn cũng yêu cầu hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế phải chỉ đạo rà soát và điều chỉnh trang phục, lễ phục trao bằng tốt nghiệp để tránh lặp lại tình trạng tương tự.

Dư luận trên mạng xã hội lại cho rằng, "sao lại bắt quyền trượng giải trình"? Tất cả đều có lý do của nó, nhưng phải khẳng định rằng ĐH Kinh tế không sai phạm gì, vấn đề là bộ lễ phục, cách thức tổ chức lễ tốt nghiệp như vậy đã phù hợp với văn hóa Việt Nam, văn hóa khoa bảng nước ta hay không.

Thầy Hiệu trưởng cầm quyền trượng, khoác áo thụng, đeo tràng hạt... để dẫn đầu các sinh viên tốt nghiệp (ảnh từ trang web của ĐH Kinh tế)

Theo ông Lê Trung Thành - Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Kinh tế, lễ tốt nghiệp trao bằng cho các tân cử nhân năm nay cũng theo truyền thống thực hiện từ nhiều năm trước đó với hình ảnh hiệu trưởng cầm quyền trượng.

Trước đó Trường Đại học Kinh tế ban hành quy định quản lý và sử dụng bộ lễ phục, nghi lễ và trình tự thực hiện lễ trao bằng tại trường. Lễ phục của trường bao gồm các bộ lễ phục dành cho hiệu trưởng, ban nghi lễ, sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ và dành cho đội nghi lễ (đội cờ gồm sinh viên nam và nữ). Bộ lễ phục, nghi lễ này do nhà trường trang bị và cấp phát cho người học sử dụng trong lễ trao bằng tốt nghiệp.

Với đội nghi lễ, sinh viên nam mặc áo thiết kế kiểu vest, quần âu đồng bộ màu đỏ bordeaux, mũ beret có lưỡi trai màu đen, găng tay màu trắng. Sinh viên nữ trong đội mặc áo giả vest, mini juýp màu đỏ bordeaux, mũ beret có lưỡi trai màu đen, găng tay màu trắng. Thành viên đội nghi lễ đeo dải ruy băng lụa hai màu xanh đỏ đeo chéo, in logo của trường.

Theo thông báo của trường này, bộ lễ phục, bộ nghi lễ này nhằm khẳng định vị thế, thể hiện sự chuyên nghiệp, đẳng cấp của nhà trường trong mắt người học và đối tác, tăng tính đoàn kết nội bộ và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giảng viên và người học.

"Đây không phải là hoạt động mới mẻ của nhà trường, nhưng năm nay đã thu hút sự quan tâm của mọi người" - ông Lê Trung Thành cho biết. Có lẽ nguyên nhân từ bộ trang phục tốt nghiệp mà nhà trường vừa cho ra mắt, gây nhiều tranh cãi.

Trao bằng tốt nghiệp cho các cử nhân kinh tế (ảnh từ trang web của ĐH Kinh tế)

Những hình ảnh tại buổi lễ tốt nghiệp này được chia sẻ trên mạng xã hội gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Thậm chí có nhiều ý kiến cực đoan, cho rằng những hình ảnh này rất diêm dúa, học đòi, lai căng, bắt chước không chọn lọc. Có người bình luận: "Tôi lại tưởng đây là buổi tốt nghiệp của trường tôn giáo"; hoặc một giảng viên ĐH ở Úc cho rằng: "Nếu không chấn chỉnh ngay từ đầu thì văn hóa lai căng nghiễm nhiên trở thành bình thường. Hình như không chịu tìm hiểu nên không biết đã có nhiều nhóm trẻ đã phục dựng thành công các trang phục Việt từ thời Lý, Trần, Lê... Như Đại Việt cổ phong chứ không phải là chưa có... Tôi là một giảng viên của một trường ĐH, cũng từng là nhân vật chính trong những buổi lễ tốt nghiệp ở Úc như cái cách trường này thực hiện, nhưng trong hoàn cảnh này tôi thực sự thấy không hay chút nào".

Nhiều ý kiến cho rằng đây là ĐH tôn giáo chớ không phải ĐH kinh tế; bộ trang phục vừa mang tính tôn giáo vừa có tính sân khấu! Thậm chí nhiều ý kiến rất sốc, thiếu xây dựng, phê phán cả nền ĐH hiện đại của Việt Nam được xây dựng hơn 100 năm qua, với nhiều lời lẽ dung tục, bôi nhọ...

Do sức ép trên mạng xã hội, hiện tại bài đăng về lễ tốt nghiệp diễn ra ngày 29-7 trên trang web của Trường ĐH Kinh tế đã tạm ẩn.

Pháp luật không cấm

Điều đáng nói, trong buổi lễ trao bằng nêu trên, hiệu trưởng nhà trường dùng thêm cờ và cây quyền trượng, gây tranh cãi nhiều nhất trên mạng xã hội. Tuy nhiên nghiên cứu các văn bản pháp luật và Bộ GD-ĐT không có quy định cụ thể đối với hiệu trưởng, giáo viên về lễ phục trao bằng tốt nghiệp, chỉ có quy định về lễ phục đối với học sinh, sinh viên tại Thông tư 26/2009 của Bộ GD-ĐT. Điều này khẳng định trường ĐH Kinh tế không vi phạm quy định nào cả, do vậy Bộ GD-ĐT yêu cầu trường này "giải trình" cũng không hợp lý. Từ căn cứ đó, các trường ĐH đều có quy định lễ phục riêng, miễn là bộ lễ phục đó tôn vinh được thành tích học tập của thầy trò của nhà trường.

Từ đó, tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng nhà trường gửi tới những sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh những hy vọng: "... Các em hãy sống có lý tưởng, có ý nghĩa, hãy gắn mình vào sứ mệnh đất nước trong thời đại này, hãy sống cống hiến, thể hiện chính mình. Hãy đi đừng ngại tâm bão, hãy để các em lớn lên và thay đổi cuộc đời mình. Và điều cuối cùng, thầy mong rằng tất cả các em phải trở thành những người có khát vọng. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước, các em đang sống những năm tháng đẹp đẽ rực rỡ nhất của cuộc đời, tuổi thanh xuân sẽ một đi không trở lại, vậy để không bao giờ hối tiếc, hãy sống có khát vọng và lý tưởng...".

Mục đích lễ tốt nghiệp, những lời nhắn nhủ của "người cầm quyền trượng" rất rõ ràng và trách nhiệm.

Thực tế, hiện nay ở nước ta không chỉ ở các trường ĐH mới tổ chức lễ tốt nghiệp với áo mão cân đai hoành tráng mà ngay cả các trường mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3, thậm chí một khóa học tiếng Anh, ra tường cũng có lễ "tốt nghiệp" với đầy đủ áo mão như vậy và mỗi trường, mỗi cơ sở giáo dục đều tự thiết kế cho mình! Tất nhiên pháp luật cũng không cấm, miễn là phụ huynh, học sinh vui và đồng ý là được, khi xem đây là những hình ảnh đánh dấu một cái mốc trưởng thành của con em mình, một kỷ niệm trưởng thành.

Vì vậy, vấn đề ở đây không phải là cấm, mà mỗi trường nên chọn trang phục phù hợp. Điều này cần đến các nhà thiết kế, với những ý tưởng riêng cho mỗi trường, mỗi ngành học, đừng quá hình thức, câu nệ. Những bộ lễ phục như vậy bán đầy trên Amazon, rẻ cũng chỉ có 25 USD, bằng chất liệu tốt có thể lên đến 400 USD nhưng đó là những bộ lễ phục của phương Tây.

Với bộ lễ phục và cây quyền trượng mà vị hiệu trưởng ĐH Kinh tế cầm trên tay gây "bão mạng" vì có vẻ nó lai căng. Tham khảo tài liệu về lễ phục hàn lâm thì thấy các quy định này xuất phát ở Anh - từ hai đại học Oxford và Cambridge từ xưa và lan qua Mỹ hay Úc và nhiều nước khác. Các bộ lễ phục này ban đầu có áo thụng (gown) đen hoặc xanh đậm và các phụ kiện như nón và các giải băng choàng (hat, hood) nhiều màu khác nhau tùy theo trường và chuyên ngành. Quyền trượng (mace) là biểu hiện uy quyền của người đứng đầu (hiệu trưởng) và người cấp phát văn bằng từ thế kỷ 14 - 15 ở các buổi lễ tốt nghiệp ở nước Anh, khi hành lễ nó phải được đặt trên giá nằm ngang, ý nói là chỉ sử dụng quyền lực một cách công minh.

Mỗi cái áo, nón, trượng... mà các ĐH phương Tây sử dụng đều có ý nghĩa và có luật quy định. Chẳng hạn như cái áo choàng (gown) là biểu tượng của dân chủ trong học thuật, nhưng độ dài và màu sắc lại khác biệt giữa các ngành học. Cái nón (mortarboard), có nguồn gốc từ thế kỷ 15 bên Anh. Thời đó khi nô lệ được trả tự do họ đội cái nón mortarboard, tượng trưng cho tự do. Trong khoa bảng, nó thường có hình vuông, tượng trưng cho sách vở, cho thành quả trong sự học. Cái vòng xích choàng qua cổ đó gọi là collar, xưa (thế kỷ 15) thường làm bằng vàng khối, biểu tượng cho chức vụ cao nhất...

Vấn đề quan trọng ở đây là việc chọn lễ phục tốt nghiệp ĐH hay sau ĐH ở nước ta. Đây là vấn đề văn hóa, do vậy các trường ĐH nên tham khảo ý tưởng các nhà thiết kế, để sáng tạo nên những bộ trang phục lễ tốt nghiệp đậm đà bản sắc dân tộc và hiện đại. Một quốc gia có nền khoa cử cả ngàn năm, chắc chắn có nhiều ý tưởng để các nhà thiết kế sáng tạo nên những bộ lễ phục đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp nối với hiện đại.

Và cuối cùng, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng đào tạo của các trường ĐH, chớ không phải những bộ lễ phục hàn lâm lạ lẫm, lai căng. Chất lượng đào tạo sẽ tạo nên thương hiệu của ngôi trường đó chớ không phải những cây quyền trượng bằng vàng hay bằng bạc...

Bình luận (0)

Lên đầu trang