Quyết liệt xử lý tệ nạn mại dâm trá hình

Chủ Nhật, 03/12/2023 17:18  | Trung Hiếu

|

(CATP) Theo nhận định của cơ quan chức năng TPHCM, tình hình tệ nạn mại dâm (MD) trong thời gian qua vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm phát triển với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Đặc biệt còn có các dịch vụ núp bóng để lợi dụng hoạt động MD, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn...

Những "chiêu trò núp bóng"

Theo báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thi hành pháp luật phòng, chống MD trên địa bàn TPHCM vào ngày 29/11 của UBND TPHCM, hiện phương thức hoạt động MD ngày càng đa dạng và biến tướng thành nhiều hình thức khác nhau như: tập trung ở các tụ điểm công cộng; trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ; trong khu biệt thự, nhà ở, căn hộ cao cấp; MD theo tour du lịch; theo hình thức "gái gọi" không thông qua môi giới; hoặc theo sự điều hành của chủ đường dây, chủ nhà hàng khách sạn... có chiều hướng gia tăng.

Đặc biệt, có sự xuất hiện của một số đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam góp vốn thành lập các nhà hàng, khách sạn, karaoke, vũ trường... chuyên phục vụ cho người nước ngoài nhưng thực chất là hoạt động MD trá hình. Đáng chú ý, hoạt động MD còn có xu hướng dịch chuyển sang nhiều hình thức tinh vi như "sugar baby - sugar daddy"... với cách thức tự giao dịch, tự thỏa thuận địa điểm, thậm chí ra nước ngoài để hoạt động. Thực tế cho thấy, các đối tượng, đường dây này mang tính chuyên nghiệp với nhiều phương thức, thủ đoạn kín kẽ.

Điển hình là những ngày đầu tháng 10/2023, Công an TPHCM đã bắt khẩn cấp Son Teaheum (SN 1976, quốc tịch Hàn Quốc) về hành vi "Chứa MD". Liên quan đến vụ án này, 8 đối tượng khác cũng bị bắt giữ về hành vi "Môi giới MD" tại nhà hàng Luxury Business Club (446-448 Phạm Thái Bường, P.Tân Phong, Q7). Qua điều tra, nhà hàng nói trên mở cửa hoạt động từ năm 2020 do Son Teaheum làm chủ và trực tiếp điều hành. Nhà hàng có 28 phòng với khoảng 226 nhân viên; trong đó có đến 180 nhân viên nữ phục vụ; được trang bị hệ thống báo động và bảo vệ nghiêm ngặt. Với vỏ bọc này, đây là nơi cung cấp gái bán dâm trá hình đặc biệt dành riêng cho khách Hàn Quốc với giá vài triệu đồng/lượt. Sau khi thỏa thuận việc mua bán dâm, các nữ tiếp viên sẽ được ôtô chở đến khách sạn, các căn hộ, chung cư cao cấp, những khu biệt thự, nhà riêng có bảo vệ cảnh giới... để dễ bề hoạt động.

Các đối tượng bị bắt trong vụ mại dâm ở Quận 7

Cách đó không lâu, Công an TPHCM đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ Kim Tea Hyung (48 tuổi), Cha Jin Young (46 tuổi), Lee Hyun Jun (25 tuổi, đều quốc tịch Hàn Quốc), Nguyễn Thị Ngọc Loan (34 tuổi), Lê Tấn Thanh (48 tuổi) về hành vi môi giới MD và Bùi Thị Phương Dung (34 tuổi), Bùi Duy Hà (39 tuổi) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhà hàng Gallery trên đường Bùi Thị Xuân (P.Phạm Ngũ Lão, Q1) với 30 phòng karaoke không phép do Kim Tea Hyung và Cha Jin Young làm chủ cũng là nơi chuyên môi giới MD cho người nước ngoài. Tại đây, tiếp viên nữ sẵn sàng bán dâm khi khách có nhu cầu với giá dao động từ 2,3 - 3,8 triệu đồng/lượt. Theo đó, doanh thu hàng tháng của nhà hàng lên đến hơn 4 tỷ đồng. Đặc biệt, để nhà hàng được "yên ổn", chủ nhà hàng còn trích số tiền 120 triệu đồng để Dung và Hà lo việc "ngoại giao".

Trước đó, một đường dây môi giới MD cao cấp do Lê Hoàng Long (31 tuổi, quê Hải Phòng - quản lý một số ca sĩ tại Việt Nam) tổ chức, điều hành cũng bị triệt phá. Điều đáng nói, đối tượng bán dâm là các người đẹp trong nước và quốc tế; diễn viên điện ảnh, người mẫu, ca sĩ, người nổi tiếng trên mạng xã hội (hot girl, tiktoker,...) với giá giao dịch lên tới 360 triệu đồng/lượt.

"Mại dâm" trên mạng

Thêm một vấn đề đáng lưu tâm đó là các loại hình MD lợi dụng không gian mạng để hoạt động có xu hướng ngày càng gia tăng, trong đó hiện nổi lên tình trạng các đối tượng sử dụng nhóm kín, diễn đàn kín để hoạt động. Quản trị viên của nhóm là những đối tượng môi giới MD chuyên nghiệp hoặc vừa làm môi giới, vừa bán dâm. Một quản trị viên có thể lập và điều hành nhiều nhóm kín khác nhau. Người môi giới, người bán dâm và người mua dâm có thể tham gia nhiều nhóm kín khác nhau để câu móc, trao đổi, đăng hình ảnh tiếp thị, thỏa thuận đến các địa điểm thực hiện các hành vi mua bán dâm; gây nhiều khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát, đấu tranh của các cơ quan chức năng.

Vào tháng 5/2023, Công an Q1 đã tạm giữ đối với Lâm Thị Thu Em (51 tuổi), Trần Thị Ý Quỳnh (33 tuổi), Tô Hải Sang (22 tuổi), Đinh Hoàng Việt (43 tuổi), Nguyễn Thành Phong (43 tuổi), Trần Huỳnh Thái Lâm (33 tuổi) để điều tra về hành vi môi giới MD. Qua điều tra, Thu Em "nuôi" khoảng 10 nữ nhân viên làm gái bán dâm và trả công từ 30 - 40 triệu đồng/tháng. Để tìm kiếm "đối tác", Thu Em thuê người chụp ảnh khỏa thân, đăng ở các nhóm kín trên mạng xã hội mời chào. Ngoài ra, Thu Em còn thuê Quỳnh, Lâm với tiền công 300.000 - 500.000 đồng/ngày, để trực điện thoại, thỏa thuận giá bán dâm với khách hoặc môi giới. Để đường dây hoạt động trơn tru, Thu Em còn thuê Việt, Phong lái xe chở các "đào" đến nơi "giao dịch". Trần Thị Ý Quỳnh cũng được trả công để liên hệ với các lễ tân hàng loạt khách sạn trên địa bàn TP nhằm tạo thành đường dây khép kín. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng trinh sát Công an Q1 đã bắt quả tang nhiều cặp mua dâm dưới sự điều hành của Thu Em.

Bên trong nhà hàng có hoạt động mại dâm tại quận 7

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, tính đến tháng 6/2023 trên địa bàn TPHCM có 4.553 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh TNMD (gồm: 2.812 cơ sở lưu trú; 1.009 nhà hàng karaoke và cơ sở massage; 117 vũ trường, bar, beer Club, công ty giải trí biến tướng thành bar; 615 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác); trong đó 277 cơ sở có nghi vấn hoạt động MD và 611 cơ sở có nghi vấn hoạt động khiêu dâm, kích dục.

Tại các khu vực công cộng trên địa bàn, hiện còn 17 điểm, tụ điểm, tuyến đường thuộc 18 phường, xã và có khoảng 71 đối tượng nghi vấn hoạt động MD đứng đường hoặc dùng xe máy chạy theo chèo kéo khách mua dâm và tổng số người bán dâm ước tính có khoảng 313 người (trong đó có 61 người thống kê được qua hồ sơ xử phạt hành chính của cơ quan có thẩm quyền).

Nỗ lực kiểm soát tình hình

Để tập trung giải quyết tình hình phức tạp về tệ nạn MD, thời gian qua, UBND TPHCM đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống MD từ TP đến quận, huyện... nhằm thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn phát sinh tội phạm, tệ nạn MD trên địa bàn. Nhìn chung, tình hình tệ nạn MD từng bước được giải quyết cơ bản, kéo giảm số tụ điểm MD, chấn chỉnh lại hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm".

TPHCM luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về phòng, chống tệ nạn MD. Với phương châm "phòng ngừa là chính", trong 20 năm qua (từ năm 2003 - 2023), UBND TPHCM đã giao các sở, ban ngành có liên quan xây dựng chương trình, nội dung để tổ chức tuyên truyền các hoạt động phòng chống tệ nạn MD bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và sâu rộng.

Bên ngoài nhà hàng Gallery được bảo vệ canh nghiêm ngặt

Ngoài ra, UBND TP còn tổ chức tuyên truyền, vận động chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với người lao động đang làm việc tại cơ sở và thực hiện việc ký bản cam kết với UBND phường, xã, thị trấn không để tệ nạn MD xảy ra tại cơ sở kinh doanh. Tính đến tháng 6/2023, UBND các phường, xã, thị trấn trên địa bàn TPHCM đã vận động 4.195/4.553 cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện ký bản cam kết (chiếm tỷ lệ 92,13%).

Bên cạnh đó, những thông tin trên các phương tiện truyền thông giúp người dân hiểu và tích cực chung tay phòng, chống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đáng nói, lực lượng Công an các cấp đã phối hợp tốt với các ban, ngành có liên quan trong việc truy quét, khám phá các vụ vi phạm, phạm tội về MD, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án MD.

Trong thời gian tới, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn TP, theo UBND TPHCM cần nâng cao hiệu quả và trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác phòng, chống tệ nạn MD; xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để phát sinh tệ nạn MD trên địa bàn quản lý; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tệ nạn MD bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng và của người vi phạm; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình giúp đỡ người MD hoàn lương hòa nhập cộng đồng gắn với chương trình an sinh xã hội tại địa phương; đẩy mạnh quy hoạch các ngành nghề kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra cấp phép kinh doanh nhằm kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động MD biến tướng, trá hình.

Trong giai đoạn 2003 - 2023, các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp với Công an quận, huyện, TP.Thủ Đức, tổ chức truy quét 22.168 lượt; tiến hành điều tra, triệt phá 3.787 vụ vi phạm MD tại cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 10.985 người vi phạm (trong đó có: 2.108 đối tượng chủ chứa, môi giới; 4.539 đối tượng bán dâm; 4.338 đối tượng mua dâm); xử lý vi phạm hành chính 4.178 người và lập hồ sơ xử lý hình sự 1.485 đối tượng về các hành vi có liên quan.

Bình luận (0)

Lên đầu trang