Nơi hội tụ của những tâm hồn cao cả:

Bài 1: Tấm lòng người phụ nữ trên quê hương Mẹ Tơm

Chủ Nhật, 03/12/2023 17:12

|

(CATP) LTS: Dân tộc nào cũng yêu nước thương nòi. Và chúng ta - một đất nước trải qua bao cuộc chiến chống ngoại xâm, bao trận bão giông của thiên tại địch họa, thì cả dân tộc vẫn vững vàng trước mũi đạn làn tên, trước những cuồng phong, bão táp. Đó là nhờ sự đoàn kết.

Bác Hồ đã dạy "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Bài học ấy là chân lý vĩnh hằng, đưa dân tộc từ tối tăm mù mịt ra ánh sáng, làm cho dân tộc rạng rỡ, đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước trên con đường xây dựng và phát triển, chắc chắn còn nhiều gian lao, thử thách, nhưng cả nước cùng chung tay đoàn kết, tiếp sức, truyền cho nhau niềm tin và sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn.

Khắp các địa phương, từ phố phường đến miền quê, đâu đâu cũng có những mô hình mang đầy ý nghĩa nhân văn. Sự sẻ chia, yêu thương, đùm bọc trở thành ngọn lửa nồng ấm, thắp sáng lên niềm tin mãnh liệt về một dân tộc cháy bỏng niềm khát khao vươn lên. Để yêu thương, đoàn kết, nghĩa nhân góp phần làm nền tảng cho dân tộc trường tồn.

Với ý nghĩa đầy nhân văn đó, vào mỗi số báo phát hành thứ 7 hàng tuần, Chuyên đề Công an TPHCM xin gửi đến độc giả những mô hình tiêu biểu trong công tác xây dựng xóm làng, phố phường ngày càng ấm no, bình yên, hạnh phúc.

Thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc, H.Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa là địa danh Tố Hữu đã viết bài thơ "Mẹ Tơm" đầy xúc động: "Con đã về đây, ơi mẹ Tơm/Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm...". Hình tượng "người Mẹ” đã ăn sâu trong lòng cô giáo dạy văn Vũ Thị Sy và chị em phụ nữ. Cách đây 8 năm, cô Sy đã lập ra nhóm phụ nữ tương thân tương ái. Đến tháng 11 vừa qua, nhóm đã được địa phương ra quyết định công nhận với tên gọi mới.

Các thành viên Câu lạc bộ khuyên nhau, cố gắng sống xứng đáng với quê hương Mẹ Tơm

Thành viên 58 nữ - 5 nam

Chiều 30/11/2023, nhóm phụ nữ thuộc "Câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ trợ giúp nhau thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc" gặp nhau để tổng kết hoạt động hỗ trợ nhau trong cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Cô Vũ Thị Sy - Chủ nhiệm CLB và cô Bùi Thị Nhu - Phó Chủ nhiệm CLB, lướt nhanh qua kết quả chị em phụ nữ mượn tiền để sản xuất kinh doanh và đạt được kết quả đáng khích lệ. Trong đó, bà Vũ Thị Tiêu nuôi 2 con lợn nái kết hợp với nấu rượu gạo. Sự hỗ trợ trên đã góp phần giúp gia đình bà Tiêu nâng cao đời sống kinh tế. Hộ gia đình bà Đoàn Thị Liễu đầu tư vào nuôi lợn, gà; gia đình bà Đồng Thị Minh đầu tư vào buôn bán; gia đình bà Nguyễn Thị Ưng đầu tư vào kinh doanh sản xuất...

Từ "xóa đói, giảm nghèo" luôn được chị em nhắc đến với nụ cười. Huyện Hậu Lộc thời chống Pháp từng là nơi cho ra đời 2 tờ báo: Đuổi Giặc Nước, Gái Ra Trận. Tròn 82 năm sau, những người phụ nữ sát cánh với nhau để đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương "đuổi giặc đói nghèo".

Thành viên 58-5 là cách gọi vui của CLB liên thế hệ trợ giúp nhau thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc, vì tổng số thành viên CLB có tới 58 người là chị em phụ nữ và chỉ có 5 thành viên là nam giới. Mỗi khi chị em tập trung lại để thực hiện chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tổ chức đi thăm hỏi hội viên và người thân đau ốm, tiếng của các chị văng vẳng trên đường thôn. Người vui thì tiếng nói thánh thót và âm thanh đó như nguồn năng lượng lan tỏa, làm ấm thêm ngôi làng ven biển.

Mô hình "Hội thân thiện" do cô Sy tổ chức, trải qua 8 năm hoạt động, ban đầu có 22 hội viên. Trong báo cáo chính trị của địa phương, năm nào cũng nhắc đến hoạt động của chị em phụ nữ tại địa phương, tuy nhiên vẫn chưa có cái tên cụ thể. Đến ngày 09/11/2023, UBND xã Đa Lộc đã kiện toàn, công bố quyết định thành lập CLB liên thế hệ trợ giúp nhau thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc.

Lễ ra mắt Câu lạc bộ liên thế hệ trợ giúp nhau thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc

Ngày đó, có rất nhiều con cháu của chị em đến dự và vỗ tay thật giòn giã. Có cháu xúc động chia sẻ rằng "suốt 8 năm qua, ba, mẹ có sân chơi, có nơi để chia sẻ tâm sự, luôn có người đến thăm hỏi mỗi khi đau ốm...". Cảm động vì vòng tay nghĩa tình ấm áp, các cháu đã tự nguyện đóng góp quỹ. Riêng con cháu của cô giáo Sy đóng góp 30 triệu đồng, cháu Văn Thọ góp 5 triệu đồng...

"Ngôi nhà” 63 chị em!

Những người phụ nữ tại địa phương này sống trong tình yêu thương, đùm bọc, dìu nhau vượt qua khó khăn... Những tố chất đó đều có ảnh hưởng từ hình tượng "Mẹ Tơm". Cô giáo Sy từ lúc còn học phổ thông cho đến khi giữ chức hiệu phó đã in trong tim mình những câu thơ của Tố Hữu mà học sinh cấp 2 đều thuộc lòng: "Sống trong cát, chết vùi trong cát/Những trái tim như ngọc sáng ngời"...

Cô Sy tâm sự: "Chương trình hoạt động này với mong muốn chị em phụ nữ gắn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, đồng hành cùng địa phương trong các hoạt động. Bên cạnh đó là hoạt động tập thể dục dưỡng sinh, hoạt động văn hóa, văn nghệ để bồi đắp tinh thần, phải sống xứng đáng với tên gọi quê hương mẹ Tơm".

Cô Bùi Thị Nhu, Phó Chủ nhiệm CLB tâm sự: "Ông bà mình nói, một nụ cười hơn mười thang thuốc bổ, vì vậy chị em vào hội thì phải giúp họ có tiếng cười, tinh thần lạc quan, nhờ đó mà vượt qua được tuổi già, bệnh tật".

Tiêu chí nụ cười nhiều năm qua đã thực sự mang lại hiệu quả. Buổi sáng và chiều, hoặc ngày cuối tuần, chương trình tập thể dục dưỡng sinh đã biến xóm làng như một góc công viên trên phố thị. Chương trình này đã kéo được nhiều chị em phụ nữ với khuôn mặt đầy nếp hằn của năm tháng bước tới tham gia và bà Vũ Thị Vận là một ví dụ điển hình. Ở tuổi ngoài 70, bà luôn chật vật với căn bệnh nhức mỏi xương khớp. Thời còn trẻ, bà tham gia dân công, rồi quãng đời cơ cực mấy chục năm đã khiến bà già hơn tuổi của mình.

Khi bà Vận tham gia vào nhóm tập dưỡng sinh, dáng của bà vẫn bước đi chậm chạp. Nhưng chỉ sau gần 1 năm, bà đã bắt đầu nở nụ cười, dáng đi nhanh nhẹn hơn, những nếp nhăn trên khuôn mặt của bà giãn ra. Ông Đào Xuân Thảo, Bí thư chi bộ thôn Ninh Phú, là chồng của bà Vận, khi thấy vợ của mình thay đổi rõ rệt, bệnh tình giảm hẳn, thì mừng lắm. Ông Thảo không ngớt ca ngợi chị em phụ nữ với tiếng cười nói ồn ào, đã kéo vợ của ông ra khỏi những tháng năm chỉ nghĩ tới thuốc.

Bà Bùi Thị Thúy cũng là một chị em điển hình đã khỏe mạnh vì sống trong một tập thể yêu thương nhau và tràn ngập tiếng cười. Bà Thúy sống chật vật ở tuổi 65 vì căn bệnh xương khớp. Cánh tay của bà mỗi khi giơ lên thì chỉ tới ngang vai. Bà kể, thời đi thanh niên xung phong, gồng gánh nặng nên khi về già thường đau ê ẩm. Sau một thời gian tập thể dục, đôi tay của bà đã giơ cao qua đầu.

"Ngôi nhà của 63 chị em" còn thể hiện qua các hoạt động kết nối tài trợ. Quy chế của CLB chi tiền đi thăm hỏi chị em bị ốm, việc tang, cưới hỏi, mức chi cao nhất chỉ tới 200.000 đồng/lượt. Cô giáo Sy và bà Nhu thường chép miệng nhắc tới những trường hợp chị em quá khó khăn, nhưng muốn giúp thì phải kết nối các nhà hảo tâm. Gia đình bà N là người luôn được chị em lưu tâm. Bà N sống trong ngôi nhà trống trước, hụt sau, ngồi trong phòng có thể nhìn thấy mặt trời.

Vừa qua, chị em trong CLB đã kết nối doanh nghiệp hỗ trợ 20 triệu đồng, trong đó đã trích một phần nhỏ cho 2 chị em phụ nữ khó khăn, trong đó có bà N. Nhận quà, bà N mừng lắm. Ngôi nhà nhìn thấy mặt trời của bà thỉnh thoảng lại vang lên tiếng cười, lời nói động viên của chị em phụ nữ.

Nơi vun đắp tinh thần

Làng Đa Lộc nằm trên địa bàn bãi ngang ven biển, 1/3 cư dân sống bằng nghề nông nghiệp, còn lại là nghề biển và kinh doanh buôn bán. Mọi việc có thể vẫn bình lặng như những con sóng bồi, nếu xóm làng không bất chợt xuất hiện những nhóm chị em với bộ đồng phục, tiếng loa thể dục, các tiết mục văn nghệ, chương trình thơ gây cười. "Vào cái hội cô Sy, cô Nhu vui quá, cứ vào là có áo đồng phục, có mũ, được may bộ bà ba...". Chương trình nổi bật của chị em phụ nữ là biểu diễn các tiết mục văn nghệ, sau đó ráp vào những chương trình của các hội, đoàn thể, chính quyền, mặt trận địa phương.

Chị em phụ nữ cười, hồn nhiên, đôn hậu khi kể chuyện hội khuyến khích chị em phụ nữ sáng tác thơ ca, hò, vè bằng chế độ nhuận bút động viên là 30 ngàn đồng/bài, hiện nay đã có 4 bài được tính nhuận bút. Đúng vào Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 vừa qua, bài thơ "Lắng đọng trong tâm" được 2 chị phụ nữ hợp tác cho ra thơ. Trong bài thơ có mô tả về việc bình minh là thấy các cụ già tập dưỡng sinh.

Trong các hội diễn văn nghệ cấp xã, huyện, chị em CLB đã biểu diễn các tiết mục khá xuất sắc và luôn giành giải nhất, giải ba. Cả hội trường cười vang khi thơ của chị em được xướng tên chung là "thơ vui". Mục đích hoạt động của CLB được quy tụ trong bài thơ lục bát khá dài, trong đó có câu: "Để cho nước mạnh, dân giàu/Giảm tải bệnh viện, cộng đồng khỏe, vui...".

Hoạt động của CLB liên thế hệ trợ giúp nhau thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc cũng chính là một trong những hoạt động hòa vào chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam cùng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động từ năm 2018.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang