(CATP) Phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 là một trong những phường trung tâm TPHCM, tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán tiếp tục tái diễn. Nhiều người dân mỗi khi có việc đi qua nơi này đều ngán ngẩm về tình trạng "biết rồi… khổ lắm, nói mãi!".
Tràn lan chiếm dụng vỉa hè
Theo ghi nhận của phóng viên Báo CATP, hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn phường Nguyễn Cư Trinh như: Phạm Viết Chánh, Nguyễn Trãi, Cao Bá Nhạ, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh... ngay sau khi thành phố ban bố tình trạng mở cửa, hoạt động trở lại bình thường thì tình trạng lấn chiếm lòng lề đường lại tái diễn để phục vụ việc kinh doanh. Cụ thể, cả tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn 235) bị lấn chiếm cả vỉa hè lẫn lòng đường làm chợ tự phát khiến khu vực này thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm.
Có mặt tại quán cà phê Vy (43 Nguyễn Cư Trinh), chúng tôi ghi nhận vỉa hè của tuyến đường rộng 4m dành cho người đi bộ và không gian thoáng đãng phục vụ người dân sống trong khu vực sinh hoạt, nghỉ ngơi, nhưng từ sáng sớm đến trưa, quán cà phê này thường xuyên để thực khách ngồi ngay trên vỉa hè, gây cản trở lối đi chung của người dân. Một người dân địa phương cho biết: "Có những hôm không còn vỉa hè để đi, tôi đành bước xuống lòng đường thì bị xe máy đụng phải, đã bị đau mà còn phải nghe chửi".
Khu vực đường Phạm Viết Chánh bị hàng quán bày biện nhếch nhác tràn từ vỉa hè
Thêm những "điểm nóng" về tình trạng lấn chiếm vỉa hè là các tuyến Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu, Bùi Viện, Đề Thám... vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, tình trạng mua bán, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè khá phức tạp, nhiều đoạn gần như bị "xóa sổ", không còn chỗ nào trên lề đường để khách bộ hành qua lại, bởi những hộ kinh doanh, kể cả người bán hàng rong, đã tận dụng kê bàn ghế, bày hàng hóa, để xe máy. Các tiệm cà phê, quán ăn chiếm dụng gần hết vỉa hè để bày bàn ghế trông rất lộn xộn. Nhiều du khách nước ngoài và người dân không còn cách nào khác, phải bước xuống lòng đường khi đi qua khu vực này.
Bức xúc trước tình trạng trên, anh Trần Quốc Hoàn (ngụ khu dân cư Mã Lạng) cho biết: "Ngày nào đi làm tôi cũng chạy xe ngang đường Nguyễn Trãi ra Nguyễn Tri Phương. Đoạn này sáng nào cũng kẹt xe vì người dân buôn bán chiếm hết vỉa hè. Có hôm đang điều khiển xe máy trên đường thì khách bộ hành từ vỉa hè bước xuống, suýt chút nữa đâm phải xe tôi, nếu chẳng may bị xe đụng thì ai sẽ chịu trách nhiệm?".
Cùng tâm trạng, chị Nguyễn Thị Hải (ngụ đường Nguyễn Cư Trinh) bức xúc: "Phần vỉa hè đoạn đường trước nhà tôi được lát gạch khang trang, nhưng buổi sáng các xe đẩy bán thức ăn chiếm hết vỉa hè, buổi chiều thì quán nhậu bày bàn ghế, đậu xe bít kín lối đi; thêm cửa hàng đặt bảng hiệu tràn lan, không còn chỗ cho khách bộ hành".
Những chiếc xe đẩy lấn chiếm hành lang vỉa hè khá phổ biến trên địa bàn thành phố
Hẻm nhỏ cũng bị chiếm dụng
Ngay như con hẻm nhỏ ở số 69 Nguyễn Cư Trinh cũng bị hai hộ dân sống trong khu dân cư lấn chiếm. Buổi sáng, họ tận dụng hẻm chung bày bàn ghế ra đường, bán cà phê. Chiếc xe đẩy nhỏ cùng gần 10 bộ bàn ghế... đặt dọc theo hẻm đã chiếm gần 1/3 lối đi chung, làm ảnh hưởng đến đời sống và việc lưu thông của người dân trong hẻm. Quán phở Hương Bắc trên đường Nguyễn Thái Bình bày bàn ghế lấn chiếm vỉa hè, chưa kể nhân viên quán tận dụng làm chỗ để xe gần như bịt kín lối đi bộ. Cho đến khi lực lượng Trật tự đô thị của UBND phường xuất hiện thì chủ quán, nhân viên mới chịu "trả lại" lề thông hè thoáng.
Quán cà phê Vy, tại 43 Nguyễn Cư Trinh lấn chiếm vỉa hè phục vụ khách uống
Có mặt tại khu vực số 1 Phạm Viết Chánh, chúng tôi nhận thấy các quầy giải khát, cà phê bán tràn từ vỉa hè xuống lòng đường, nhiều cửa hàng bày bảng hiệu, bàn ghế chiếm hết vỉa hè, không còn lối cho người đi bộ. Trao đổi với chúng tôi về tình trạng này, ông Phan Tuấn Năm - cán bộ hưu trí ở phường Nguyễn Cư Trinh - cho biết, tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn còn xảy ra ở một số nơi trên địa bàn quận 1, nguyên nhân là do vấn đề quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè hiện còn nhiều bất cập. Khi người dân sửa, xây nhà thì tình trạng đổ xà bần, đất cát, vật liệu xây dựng tràn lan cũng làm ảnh hưởng đến lối đi chung.
Ngoài ra, tình trạng xe đẩy, xe ba bánh tụm 5 túm 3 thành chợ tự phát..., nhưng chính quyền địa phương không kiểm tra, giám sát, xử lý. Theo ông Năm, vỉa hè là dành cho người đi bộ, nếu có kinh doanh, mua bán cũng phải chừa lối cho khách bộ hành, đâu được phép chiếm hết. Trên thực tế, đối tượng vi phạm thường là người bán hàng rong, không có chỗ buôn bán ổn định nên phường khó xử phạt; nếu có phạt thì mức rất thấp, 200.000 đồng/cá nhân nên không đủ sức răn đe.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để giữ xe, kinh doanh diễn ra phức tạp nhiều năm qua không chỉ ở quận 1 mà trên nhiều tuyến đường thành phố, trong khi thực tế chính quyền địa phương chưa quyết liệt chấn chỉnh.
Để lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè dành lại cho người đi bộ, bà Vũ Thị Thu Thủy - cán bộ hưu trí ngụ phường Nguyễn Cư Trinh - cho rằng, thành phố cần có chế tài mạnh mẽ hơn để ngăn chặn, xử lý tình trạng này. Thực tế cho thấy các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tôi thấy trước đây ở quận 1 có một đợt làm rất mạnh tay, tạo thành làn sóng lan đến các quận, huyện khác về việc xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cả thành phố nên tiến hành thường xuyên để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, lâu dần tạo thành thói quen mới giúp ngăn được việc lấn chiếm, trả lại lối cho người đi bộ.