(CAO) Ghi nhận tại TP.HCM ngày 1-3, khi đồng loạt các bệnh viện trên địa bàn thực hiện tăng giá viện phí theo Thông tư 37 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính, phản ứng của người dân khá thờ ơ.
Nguyên nhân do trong đợt điều chỉnh viện phí lần này, chỉ mới áp dụng cho đối tượng có BHYT, nên đa số bệnh nhân ít băn khoăn hoặc thậm chí có người không quan tâm.
Khám bệnh tại BV Chợ Rẫy, ông Phúc (57 tuổi, khám tim) cho biết, ông có BHYT tự nguyện đồng chi trả 20%. Theo ông, giá khám bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ tăng từ 20 nghìn đồng cho 1 lần khám lên 39 nghìn đồng/lần. Mức tăng này không gây ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân.
Bệnh nhân “bình thản” tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM trong ngày đầu tăng viện phí theo Thông tư 37
Mặc dù khá thờ ơ với mức tăng viện phí song bệnh nhân lại mong chất lượng khám chữa bệnh cũng tăng cho đáng “đồng tiền bát gạo”.
Trong sáng 1-3, Sở Y tế TP.HCM cho biết cũng đã giám sát 32 cơ sở trực thuộc về việc công khai bảng giá dịch vụ, thông tin cho người bệnh về thời gian thực hiện, không thu thêm của người bệnh chi phí đã tính trong giá. Tất cả các cơ sở y tế đều tổ chức thông tin và công khai bảng giá.
Một số cơ sở y tế đã chuẩn bị tốt công khai bằng bảng điện tử, mica như Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Quận 1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện Quận Thủ Đức… Cũng theo đánh giá chung của sở, không ghi nhận những phản ứng mạnh của bệnh nhân về giá viện phí mới.
Một phụ huynh từ Đắk Lắk đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết chị cũng lo không biết giá viện phí mới tăng cao hơn thế nào, thế nhưng, lo hơn lại là ngoài viện phí, những chi phí khác như tiền ăn uống, dịch vụ khác cho những bệnh nhân tỉnh xa không biết có tăng lên hay không?
Trao đổi với chúng tôi, đa số lãnh đạo các bệnh viện công tại TP.HCM cho rằng, ngoài mục tiêu BHYT toàn dân, việc tăng giá buộc phải song hành với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ vì nó bắt đầu “cuộc chơi” tự chủ tài chính và cạnh tranh gắt gao của các bệnh viện.