Nam tiếp viên hàng không tử vong sau khi mổ… đầu gối, lãnh đạo bệnh viện nói gì?

Thứ Sáu, 26/02/2016 08:12  | Nam Anh

|

(CAO) Chiều 25-2, bác sĩ Nguyễn Đức Công, Giám đốc BV Thống Nhất TP.HCM đã có buổi trao đổi với báo chí về trường hợp tử vong của nam tiếp viên hàng không Dương Châu Toàn (28 tuổi, quê Tây Ninh) sau ca phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước và cắt lọc sụn chêm khớp gối trái.

Lên cơn co giật ở phòng hậu phẫu

Vào ngày 18-1, anh Toàn vào Bệnh viện Thống Nhất khám và điều trị với triệu chứng đau, mất vững khớp gối trái, vận động khó khăn.

Trước đó, bệnh nhân bị tai nạn té ngã đập đầu gối trái xuống đất. Kết quả chụp MRI cho thấy Toàn bị đứt dây chằng chéo trước của khớp gối bên trái, gãy mâm chày, phù nề mâm chày ngoài.

Anh Dương Châu Toàn khi còn sống. Ảnh từ facebook

Sau khi hội chẩn, bác sĩ chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối trái, cắt lọc sụn chêm khớp gối trái. Ca phẫu thuật diễn ra lúc 17 giờ 20 cùng ngày, kéo dài gần 2 giờ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển ra phòng hậu phẫu, khoa ngoại theo yêu cầu. Khoảng hơn 21 giờ, bệnh nhân được tiêm thuốc giảm đau Mobic 15 mg (1 lọ tiêm bắp thịt).

Đến 4 giờ 45 sáng 19-1, anh Toàn đột ngột lên cơn gồng cứng, co giật, mạch chậm, huyết áp tụt. Bệnh nhân được hồi sức cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, dùng các thuốc chống co giật, thuốc vận mạch nâng nhịp tim, huyết áp (Atropin, Adrenaline, Dopamine, Noradrenaline). Sau khi có mạch và huyết áp trở lại, bệnh nhân mê sâu nên được chuyển khoa phẫu thuật gây mê hồi sức để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên viện, chẩn đoán anh Toàn hôn mê sâu sau ngưng tim, ngưng thở trên nền tình trạng hậu phẫu tái tạo dây chằng chéo. Nguyên nhân ngưng tim, ngưng thở chưa xác định rõ. Có thể do rối loạn nhịp tim do bệnh lý tim mạch tiềm ẩn không phát hiện được trên điện tim và siêu âm tim trước mổ.

Đến ngày 26-1, bệnh nhân có biểu hiện suy thận, phải chỉ định lọc máu. Sau khi hội chẩn, anh Toàn được chuyển đến khoa hồi sức tích cực chống độc theo dõi điều trị tích cực bằng phương pháp thở máy, kháng sinh và lọc máu liên tục. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh lý nặng, tổn thương não không hồi phục, huyết áp giảm dần…

Sau 25 ngày điều trị, gia đình xin đưa về và bệnh nhân đã tử vong tại nhà vào ngày 13-2. Theo chẩn đoán tại bệnh viện trước khi về nhà, anh Toàn bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương não không hồi phục sau ngưng tuần hoàn trên nền hậu phẫu tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối trái.

Bệnh viện nhận trách nhiệm

Theo bác sĩ Công, ngay sau khi xảy ra sự cố, hội đồng khoa học của bệnh viện (có sự tham gia của 2 chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân) đã khẩn trương họp kiểm tra kíp trực, kiểm tra hồ sơ, sổ thuốc và các cá nhân liên quan.

Kết quả kiểm tra của hội đồng cho thấy không thể xảy ra hiện tượng sốc thuốc trong quá trình theo dõi hậu phẫu được. Bởi các loại thuốc dùng cho bệnh nhân sau mổ theo y lệnh, cũng như thuốc giảm đau Mobic tiêm bắp cho bệnh nhân là những loại thuốc có tỷ lệ sốc, biến chứng cực thấp. Hơn nữa, nếu xảy ra sốc thuốc, bệnh nhân sẽ phải có các biểu hiện tức thời như rét run, nổi mẫn… nhưng thực tế đã không xảy ra.

“Tuy nhiên, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có chỉ đạo bệnh viện phải lập hội đồng chuyên môn xác minh nguyên nhân tử vong của bệnh nhân. Do đó, chúng tôi sẽ sớm lập hội đồng này để báo cáo bộ trước ngày 4-3. Nếu cầu có thể mời thêm nhiều chuyên gia từ các nơi khác tham gia nhằm bảo đảm tính khách quan nhất khi đưa ra kết luận về vụ việc”, bác sĩ Công khẳng định.

Bác sĩ Công cho rằng, rất có thể anh Toàn có bệnh lý nền tiềm ẩn, có thể về tim mạch, mà các chẩn đoán trước mổ không thể phát hiện được, đã gây ra đột tử.

“Việc xác định nguyên nhân thật không đơn giản. Muốn biết chính xác phải mổ tử thi. Nhưng gia đình từ chối, cũng như chủ trương không muốn kiện tụng gì bệnh viện. Chúng tôi đã tổ chức thăm viếng, chia buồn và hỗ trợ toàn bộ viện phí khoảng 60 triệu đồng cho gia đình anh Toàn”, bác sĩ Công nói.

Bệnh viện Thống Nhất nhận trách nhiệm về sự cố rủi ro này. Ngoài kiểm điểm rút kinh nghiệm, xử lý các sai phạm, vụ việc cũng là cơ hội để bệnh viện có một cam kết sẽ tổ chức tốt hơn về mặt chuyên môn cũng như y đức, để tránh tối đa những sự cố sau này.

Bộ Y tế yêu cầu xác minh nguyên nhân tử vong

Ngày 24-2, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM khẩn trương thành lập hội đồng chuyên môn xác minh nguyên nhân dẫn tới tử vong của bệnh nhân Dương Châu Toàn nhập viện ngày 18-1 với chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước gối trái, gãy mâm chày, phù nề tủy xương mâm chày ngoài.

Đồng thời, đề nghị bệnh viện cũng xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân tham gia trong quá trình chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân Toàn.

Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành nếu có xảy ra sai phạm. Công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan báo chí. Và báo cáo về Cục Quản lý khám chữa bệnh trước ngày 4-3 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang