Đà Nẵng:

Vụ thanh niên tử vong dưới hồ Thạc Gián: Công an địa phương nói gì?

Thứ Năm, 25/02/2016 14:40  | Xuân Hoài

|

(CAO) Về việc những ngày qua, trên mạng xã hội “tung” clip một thanh niên vùng vẫy dưới nước mà không ai cứu. Cộng đồng mạng còn cho rằng có mặt lực lượng công an nhưng “vô cảm” dẫn đến thanh niên tử vong. Phía Công an Q.Thanh Khê (Đà Nẵng) đã nói về sự việc trên như thế nào?

Kết quả ban đầu cho biết, khoảng 8 giờ 15 ngày 21-2, sau khi nhận tin báo của quần chúng tại khu vực bờ hồ Thạc Gián (Q.Vĩnh Trung, P.Thanh Khê) có một thanh niên nhảy xuống hồ tự tử, CAP. Vĩnh Trung đã cử tổ công tác gồm 4 CBCS đến hiện trường để xử lý.

Tại hiện trường, phát hiện một thanh niên đã lội đến gần giữa hồ, CBCS tiến hành vận động thuyết phục, đồng thời cử cán bộ đến UBND phường huy động phương tiện, áo phao cứu hộ, một cán bộ tìm những người biết bơi để nhờ ứng cứu.

Hồ Thạc Gián và điểm thanh niên tử vong - Ảnh cắt từ clip

Tuy nhiên, người thanh niên không hợp tác và tiếp tục di chuyển ra giữa hồ nên tổ công tác vận động, kêu gọi 2 người dân có khả năng bơi lội nhảy xuống ứng cứu, nhưng người thanh niên lui dần ra giữa hồ rồi chìm xuống. Người dân và cơ quan chức năng nhanh chóng tiếp cận, vớt lên và sơ cứu nhưng người thanh niên đã tử vong.

Qua xác minh, thanh niên tên Nguyễn Trường Giang (SN 1992, trú P.Hải Châu 2, Q.Hải Châu, Đà Nẵng), là đối tượng nghiện ma túy nên UBND P.Hải Châu 2 đã hai lần lập hồ sơ đưa đi cai nghiện tại Trung tâm 05-06. Qua khám nghiệm hiện trường, tử thi, xác định nguyên nhân sơ bộ, Giang sử dụng chất ma túy, bị ảo giác, gia đình xin không khám nghiệm tử thi.

Nói về việc công an “vô cảm”, thượng tá Kiều Văn Vương - Phó trưởng Công an quận Thanh Khê cho rằng, phản ứng của lực lượng công an như thế là hợp lí, kịp thời, hoàn toàn không có chuyện thiếu trách nhiệm, vô cảm như nhiều ý kiến trên mạng xã hội áp đặt.

Thượng tá Kiều Văn Vương

Theo thượng tá Vương, nghĩa vụ tất cả mọi người khi thấy người khác gặp nạn đều phải ra tay cứu giúp trong điều kiện, khả năng có thể. Trong trường hợp này, nhận tin báo, Công an phường Vĩnh Trung đã kịp thời có mặt, triển khai các phương án như tìm người có khả năng bơi, tìm phương tiện cứu hộ, vận động thuyết phục thanh niên không di chuyển ra giữa hồ…

Còn việc cho rằng, tại sao công an chậm trễ, không trực tiếp nhảy xuống hồ cứu người dân, thượng tá Vương nhìn nhận: Việc cứu hộ, cứu nạn đòi hỏi phải có phương tiện, kỹ năng chứ nếu không biết bơi mà nhảy xuống hồ không những không cứu được người bị nạn mà bản thân người đi cứu cũng gặp nạn.

“Khi Công an phường Vĩnh Trung tới thì người thanh niên vẫn còn bơi qua bơi lại được, nhiều người dân đứng trên bờ chủ quan cho rằng nạn nhân có thể bơi được vào bờ. Hơn nữa, khi nạn nhân nhảy xuống hồ, nhiều người dân cho rằng anh ta có thần kinh không bình thường, cứ nghĩ là bơi vùng vẫy dưới hồ để đùa nên tỏ ra chủ quan trong việc cấp bách cứu giúp. Tuy vậy, sự việc diễn tiến theo chiều hướng xấu, nạn nhân không chịu hợp tác, cố tình bơi ra xa giữa hồ, khi tìm được người biết bơi nhảy xuống cứu thì nạn nhân đã chìm giữa hồ, hồ nước lại sâu, đục nên mất khoảng thời gian nhất định mới vớt được thi thể nạn nhân”, thượng tá Vương nêu.

“Chính hành vi quay clip rồi tung lên mạng xã hội cũng cần phải xem lại. Trong lúc người bị nạn, đúng ra nếu anh có khả năng cứu thì anh phải ra tay, hoặc không có khả năng thì phải tìm các phương án khác để cứu người bị nạn, đằng này lại đi quay clip, một hành động thiếu thiện ý lại “tung” lên mạng để cộng đồng bàn tán này kia, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội”, thượng tá Vương nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang