(CAO) Đó là trường hợp của người đàn ông 60 tuổi, ở quận 4, TP.HCM, nhập viện vì hôn mê sau ngộ độc thuốc Phenobarbital.
Khai thác bệnh sử từ người nhà, các bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân đang điều trị rối loạn tâm thần sau di chứng chấn thương sọ não năm 3 tuổi, với nhiều loại thuốc trong đó có Phenobarbital. Bệnh nhân được người nhà cho uống thuốc theo toa bảo hiểm y tế, mỗi ngày 1 viên.
Đợt này người nhà lãnh 45 viên Phenobarbital 0,1g, bệnh nhân đã uống được 5 viên trước ngày nhập viện. Khoảng 15 giờ ngày nhập viện, người nhà phát hiện bệnh nhân lơ mơ nằm trên giường, kế bên là lọ thuốc Phenobarbital đã hết, không có thuốc rơi vãi xung quanh.
Lọ thuốc Phenobarbital 0,1g nghi ngờ bệnh nhân đã uống
Nghi ngờ bệnh nhân đã uống khoảng 40 viên Phenobarbital nên người nhà lập tức đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Nhân dân 115. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, chuyển vào khoa Hồi sức tích cực – chống độc tiếp tục điều trị.
BS. Trần Huy Nhật, Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, bệnh nhân được hồi sức tích cực, điều trị theo phác đồ điều trị ngộ độc Phenobarbital, nhanh chóng tư vấn đối với người nhà và tiến hành lọc máu hấp phụ cho bệnh nhân.
Quá trình lọc máu hấp phụ kết thúc sau hơn 8 giờ. Bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo và được tập cai máy thở và rút ống nội khí quản. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội Tiêu hóa theo dõi tiếp, tình trạng bệnh nhân ổn định và được xuất viện.
BS. Trần Huy Nhật, bác sĩ điều trị, đang tiến hành lọc máu hấp phụ cho bệnh nhân
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, Phenobarbital nói riêng và nhóm thuốc hướng thần nói chung được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh về rối loạn tâm thần và nhận thức. Tuy nhiên, chính nhóm bệnh nhân sử dụng thuốc này lại có nguy cơ cao nhất bị ngộ độc/quá liều thuốc dù vô tình hay tự ý do họ không tự kiểm soát được hành vi bản thân.
Vì thế ai có người thân đang sử dụng những loại thuốc trên thì cần bảo quản thuốc kỹ lưỡng, cho bệnh nhân uống thuốc theo toa của bác sĩ và đưa bệnh nhân đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường.
Trong trường hợp ngộ độc/quá liều, người thân cần phải xác định rõ bệnh nhân đã uống thuốc gì, số lượng, hàm lượng bao nhiêu, có uống thêm thuốc nào khác hay không... Có đủ những thông tin trên sẽ giúp cho nhân viên y tế có hướng xử trí và điều trị nhanh chóng, kịp thời.
(CAO) Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM vừa cứu kịp thời bé 22 tháng tuổi (ngụ Củ Chi) bị ngộ độc do gia đình cho uống bột mài ra từ sừng theo người nhà là sừng tê giác để chữa sốt co giật.