(CAO) Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh, TPHCM cũng như cả nước đã thành lập các địa điểm cách ly y tế tập trung, thực hiện tiếp nhận người cách ly trong vòng 14 ngày để theo dõi sức khỏe.
Mục đích thành lập và hoạt động của các khu cách ly y tế tập trung
Thành phố đã thành lập những khu cách ly y tế tập trung với mục đích cách ly kiểm dịch. Với các khu cách ly này chúng ta sẽ kiểm soát nguồn lây nhiễm bệnh từ những nơi khác vào xâm nhập trong cộng đồng, từ đó hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng dân cư của thành phố.
Thành phố đã thành lập những khu cách ly y tế tập trung với mục đích cách ly kiểm dịch
Những ai phải thực hiện cách ly tập trung và họ có thể từ chối được không?
Đối tượng được đưa vào các khu cách ly kiểm dịch này sẽ gồm những người có khả năng bị mắc bệnh, cụ thể trong thời điểm hiện nay theo qui định của Bộ Y tế là những người đã trở về hoặc từng đi ngang qua vùng dịch ở một số quốc gia hoặc sắp tới có thể tất cả những người nhập cảnh.
Ngoài ra, có một số người phải cách ly do có yếu tố tiếp xúc, có nguy cơ mắc bệnh. Những trường hợp này được chỉ định cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đây là việc cách ly y tế nhằm để kiểm soát sự lây nhiễm bệnh trong cộng đồng đã được qui định bởi Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm ban hành năm 2003 và cũng đã được làm rõ chi tiết trong Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.
Do đó tất cả những người đã được chỉ định cách ly tại các khu cách ly y tế tập trung thì phải thực hiện quyết định cách ly. Nếu không chấp hành chỉ định cách ly thì bị xử phạt theo quy định.
Khu cách ly y tế tập trung có gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh không?
Những khu cách ly y tế tập trung là cách ly kiểm dịch, tức là những đối tượng mà đưa vào để cách ly là những người chưa có bị bệnh. Họ chỉ có nguy cơ bị bệnh và họ được đưa họ vào khu cách ly để được giám sát sức khỏe. Từ đó phát hiện sớm nếu họ bị bệnh. Khi mắc bênh sẽ được đưa sang cách ly điều trị để kiểm soát nguồn lây.
Mặt khác, việc xây dựng các khu cách ly y tế tập trung luôn luôn có những qui định chung về vị trí, có những tường rào, cổng để bảo vệ nghiêm ngặt để không có sự ra vào của những người không có phận sự cũng như người cách ly không được phép ra ngoài.
Để vận hành khu cách ly tập trung thì luôn luôn có những qui định chung của Bộ Y tế, ví dụ như là chỉ có những nhân viên y tế được giao nhiệm vụ thì mới được vào làm việc và tiếp xúc với những người cách ly. Trong quá trình tiếp xúc với người cách ly thì nhân viên Y tế phải mang trang phục phòng hộ để đảm bảo đúng qui định của Bộ Y tế.
Người được cách ly cần thực hiện gì để đảm bảo an toàn?
Trong khu cách ly tập trung luôn có những qui định dành cho nhân viên y tế cũng như những đối tượng được cách ly. Đối với những người đang được cách ly họ sẽ phải tuân thủ những nội quy của khu cách ly ví dụ: mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tuyệt đối không được đi ra khỏi khu vực cách ly, tuân thủ qui định về vệ sinh cá nhân...
Việc tuân thủ những qui định sẽ giúp bảo vệ bản thân người cách ly và người khác không bị lây bệnh. Trong suốt quá trình cách ly, nếu như người cách ly có triệu chứng nghi ngờ bệnh, họ cần phải báo ngay cho nhân viên y tế phụ trách để có những xử trí y tế kịp thời.
Còn đối với những người xung quanh, đây là một khu vực cách ly kiểm dịch, những người không có phận sự tuyệt đối không được đi vào khu cách ly. Với việc tuân thủ đầy đủ những qui định dành cho khu cách ly thì sẽ góp phần giúp kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng.
Ths Bs Lê Hồng Nga, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM