Tràn lan "thần y" dỏm trên mạng xã hội

Thứ Bảy, 20/01/2024 13:00  | Nam Anh

|

(CATP) Lợi dụng suy nghĩ của không ít người dân khi "có bệnh thì vái tứ phương", nhiều cá nhân nắm bắt tâm lý này đã dùng mạng internet lập các giao diện mạo danh những trang thông tin điện tử của các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành để thực hiện hành vi lừa đảo. Một số trang mạng xã hội (MXH) còn giả danh cả các bệnh viện lớn để bán thực phẩm chức năng với cam kết... khỏi bệnh.

Không dừng lại ở đó, có người còn tự nhận mình là giáo sư, bác sĩ (BS) đã hoặc đang công tác tại các bệnh viện lớn ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng... để chiếu các video quảng cáo về thực phẩm hoặc tư vấn cách sử dụng thực phẩm, ăn uống để chữa bệnh.

Giáo sư, bác sĩ... dỏm

Mới đây Sở Y tế TPHCM phát hiện giáo sư - BS dỏm Hà Duy Thọ nổi đình, nổi đám trên cộng đồng mạng là một diễn giả tư vấn sức khỏe cho người bệnh. Trên trang YouTube có tên là BS Hà Duy Thọ có gần 4.000 lượt đăng ký theo dõi. Các clip được ông Thọ quảng bá cho rằng, ông là BS, chuyên gia dinh dưỡng ẩm thực hàng đầu Việt Nam. Ông "nổ" là người tốt nghiệp Đại học y Hà Nội năm 1996 và từng công tác tại một số bệnh viện lớn tại Hà Nội như Việt Đức, Bạch Mai.

Các thông tin chia sẻ trên kênh YouTube của ông Thọ đa số là về vấn đề dinh dưỡng và các phương pháp phòng ngừa, điều trị bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Ông Thọ cũng là người vừa bị Sở Y tế TPHCM xử phạt về hành vi khám chữa bệnh (KCB) không có giấy phép. Mặc dù tự nhận là tốt nghiệp Đại học y Hà Nội năm 1996 nhưng ông Thọ chỉ học 3 năm y dược học dân tộc, với bằng cấp y sĩ.

Một đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả bị phát hiện, xử lý

Trước khi bị xử phạt, Thanh tra Sở Y tế TPHCM phối hợp với Công an kiểm tra đột xuất nhà riêng của người này ở Q.Phú Nhuận và lập biên bản vi phạm. Các hành vi được xác lập như: cung cấp dịch vụ KCB mà không có giấy phép hoạt động liên quan; KCB khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Ngoài xử phạt, nơi này còn bị đình chỉ hoạt động KCB, buộc tháo dỡ, xóa các quảng cáo sai phạm và tịch thu tang vật vi phạm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ có giáo sư Thọ "nổ", trên MXH còn xuất hiện nhiều "thần y" quảng cáo những bài thuốc hay, những cách trị bách bệnh, từ đái tháo đường, dạ dày, xương khớp, cao huyết áp cho đến đột quỵ, ung thư... Không chỉ nhằm "câu view", những "thần y" mạo danh còn là kênh phân phối các sản phẩm thực phẩm chức năng, bài thuốc đông y trôi nổi... khiến không ít người phải chịu cảnh "tiền mất, tật mang".

Với những gia đình có người thân đang mắc bệnh nan y, khi thấy các quảng cáo thực phẩm chức năng trên MXH gắn với hình ảnh các BS nổi tiếng hoặc các bệnh viện lớn thường tin tưởng đặt mua với hy vọng sẽ chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì phát hiện đây đều là các BS, dược sĩ mạo danh, ngang nhiên "diễn thuyết" để lôi kéo người dân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi.

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, với hình thức ngày càng mới mẻ và tinh vi. Việc lợi dụng danh nghĩa BS, bệnh viện lớn của các tỉnh, thành như: TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... để quảng cáo trên MXH, tạo niềm tin cho người bệnh dẫn đến tư vấn sai về chuyên môn, bán thuốc trá hình, nhiều khi còn làm cho người bệnh bỏ lỡ thời điểm vàng chữa bệnh, khiến nạn nhân bị bệnh ngày càng nặng hơn.

Cơ quan chức năng khám xét một cơ sở khám chữa bệnh có sai phạm

Việc sử dụng hình ảnh BS, dược sĩ, lương y và bệnh viện để quảng cáo bán thực phẩm chức năng có công dụng bảo vệ sức khỏe là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó còn có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo quá mức, thổi phồng như thần dược, thậm chí là phản khoa học. Những hình thức quảng cáo như thế này đang ngày càng phổ biến trên các trang MXH Facebook, YouTube, Zalo khiến nhiều người vẫn bị lừa.

TPHCM cảnh báo hành vi mạo danh bác sĩ

Trước thực trạng mạo danh cơ sở y tế, BS uy tín để trục lợi, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở vừa tổ chức cuộc họp với các sở, ngành về tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân trên địa bàn TPHCM. Theo Sở Y tế, hiện nay trên địa bàn TPHCM lại tiếp tục rộ lên tình trạng mạo danh BS, bệnh viện tung tin giả nhằm lừa đảo người bệnh để thu lợi bất chính.

Theo BS Thượng, thời gian gần đây công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế trên địa bàn gặp một số khó khăn, thách thức. Các đối tượng lợi dụng không gian mạng thực hiện hành vi quảng cáo trong lĩnh vực y tế và lập ra các website, tài khoản, hội, nhóm trên các nền tảng MXH để thực hiện hành vi quảng cáo, giới thiệu việc cung cấp các dịch vụ KCB, mua bán các sản phẩm thuốc, thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, một số cá nhân đăng tải các clip dưới hình thức chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong KCB. Tuy nhiên, thông qua nội dung chia sẻ lại thực hiện việc quảng cáo cho hoạt động KCB tại cơ sở; mạo danh y, BS để thực hiện quảng cáo các dịch vụ KCB; đăng tải nội dung, hình ảnh có tính thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước; sử dụng hình ảnh, đánh giá của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng, nghệ sĩ nổi tiếng để thu hút và tạo niềm tin cho người dân.

Giáo sư - bác sĩ dỏm Hà Duy Thọ
Thuốc trị bệnh giả khiến bệnh tình của bệnh nhân ngày càng nặng thêm

Trắng trợn hơn, các đối tượng còn thiết lập các website mạo danh bệnh viện để lôi kéo người dân, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong khi đó, việc KCB là lĩnh vực liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, hành vi lợi dụng hình ảnh BS để lừa đảo, trục lợi trên sức khỏe, tính mạng của người bệnh đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, cần phải xử lý nghiêm để răn đe.

Tại TPHCM, có rất nhiều BS, bệnh viện bị mạo danh. Cụ thể, Bệnh viện Chợ Rẫy có uy tín hàng đầu Việt Nam bị mạo danh nhiều nhất trên MXH, đặc biệt là trong lĩnh vực thẩm mỹ với các tên gọi như: thẩm mỹ Chợ Rẫy, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Chợ Rẫy... nhưng thực chất những cơ sở này là hàng giả để dẫn dụ người bệnh. Mới đây nhất là trang Facebook quảng cáo điều trị hiếm muộn - Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, Bệnh viện Chợ Rẫy lại không làm sản khoa, hiếm muộn. Do bị mạo danh quá nhiều, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy phải làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng để can thiệp.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thời gian qua, Sở Y tế TPHCM đề nghị tất cả các bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn chủ động kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện các trang mạng mạo danh, giả mạo, quảng cáo trái phép... chủ động báo cáo về Thanh tra Sở Y tế để phối hợp điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên MXH, không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế TPHCM.

Để ngăn chặn và chấn chỉnh tình trạng trên, Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ phối hợp với Công an TPHCM xử lý nghiêm các vi phạm trọng điểm, điển hình trong hoạt động quảng cáo y tế trên không gian mạng. Ngoài ra, Công an TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức nhận diện và cách thức thu thập, củng cố các tài liệu vi phạm của các cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Dịp này, Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân khi lựa chọn thực hiện các dịch vụ KCB có thể tra cứu vào đường link: https://thongtin.medinet.org.vn/ để biết thông tin về các cơ sở KCB đã được Sở Y tế TPHCM cấp giấy phép hoạt động. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở KCB hoạt động trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, người dân gọi ngay đến đường dây nóng qua số 0989.401.155, hoặc tải app "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở Y tế có thông tin kịp thời xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang