(CATP) Khi virus SARS-CoV-2 bùng phát, nơi chịu đựng nhiều nỗi đau chồng chất nhất là TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (TQ). Ở tâm dịch ấy, ngoài những con phố sâu hút vắng lặng giữa vòng vây phong tỏa là sự kiên cường của người dân vùng dịch, tinh thần nỗ lực của các y bác sĩ, chuyên gia tâm lý cùng lực lượng tình nguyện viên vẫn lan tỏa mạnh hơn cả con virus chết người.
Câu khẩu hiệu "Vũ Hán cố lên" không chỉ xuất hiện ở Trung Quốc (TQ) mà còn hiện diện ở nhiều quốc gia khác, trong những tiệm cà phê, nơi tòa nhà cao chọc trời và cả những lời thì thầm cầu nguyện. Báo CATP xin trích đăng bài dịch của Nguyễn Thị Bích Hậu trên báo TQ về nỗi đau và tình người ở tâm dịch này.
KHI NỖI LO NGỰ TRỊ
Ngày 9-2, các nhân viên y tế (YT) vô cùng bận rộn ở Vũ Hán. Giai đoạn này, các vấn đề tâm lý chưa xuất hiện, mà tình trạng họ phải đối phó là quá tải bệnh nhân (BN). Chỉ trong 1 tháng qua, có thể thấy những giọng nói của người Vũ Hán đã hòa lẫn với tiếng thở dài, chán nản, lo lắng, hoảng loạn. Cuộc gọi của họ hướng về mọi nơi, có ít nhất hàng chục đường dây nóng và hàng ngàn nhân viên tư vấn cung cấp hỗ trợ tâm lý cho họ.
Mỗi ngày, Wang Jing trả lời 37 cuộc gọi. Một nhà tâm lý trị liệu nhiều kinh nghiệm như cô có thể đánh giá tình trạng của ai đó qua giọng nói.
Trong vòng hơn 1 tháng sau khi thành phố bị đóng cửa, 9 triệu người Vũ Hán đã phải cố gắng kiềm chế hết mức. Nhà tâm lý học Lu Lin (quê Vũ Hán), nói rằng văn hóa của Vũ Hán rất linh hoạt, lạc quan và khoan dung, nên dù mọi người đều tức giận và buồn bã nhưng tuyệt nhiên không xảy ra hỗn loạn.
Một nghiên cứu năm 2006 ghi nhận rằng, 29% số người bị cô lập trong dịch SARS cho thấy sự rối loạn căng thẳng sau chấn thương và 31% có triệu chứng trầm cảm. Khảo sát tại Đài Loan cũng chỉ ra rằng, sau SARS khoảng 9,2% người dân có cái nhìn bi quan hơn về cuộc sống và tỷ lệ mắc bệnh tâm thần là 11,7%. Trong cuộc phỏng vấn với China News Agency, nhà văn Phương Phương nói rằng hầu hết người dân ở Vũ Hán lần này đều bị sang chấn và cô cũng tự mình tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tâm lý.
Khi Vũ Hán hết phong tỏa trong tương lai, chắc chắn sẽ có nhiều người vui và buồn, nhưng những người đã trải qua đau thương mất mát sẽ rất buồn. Lý Văn Lượng - vị bác sĩ (BS) đầu tiên báo cáo về dịch bệnh - đã khóc vô số lần, khi BN chết, nguồn lực của anh cạn kiệt trong khi sức khỏe cũng lụi dần và cuối cùng anh cũng không qua khỏi.
Xu Quin - tình nguyện viên tâm lý ở quận Hồng Sơn - đã nhận ra ý nghĩa của điều này, khi chứng kiến cái chết của những người xung quanh. Theo cô, người TQ đã quen với việc thoát khỏi sự sống lẫn cái chết và hầu hết trong số họ chưa được chuẩn bị tinh thần. Cô nói: "Những người thực sự hiểu nỗi đau này không thể chịu được khi chạm vào. Cứ như thể con dao vừa được cắm vào đó và bạn chắc chắn không thể rút nó ra ngay lập tức".
Các y bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân ở Vũ Hán trong khu vực cách ly - Ảnh: Reuters
NỖ LỰC ỨNG PHÓ
Khi tin tức về việc đóng cửa thành phố được công bố, hầu hết người dân Vũ Hán vẫn đang ngủ. 4 giờ sáng 23-1, đạo diễn Wang Qiming thức sớm và anh đã ghi lại cảm xúc của mình "Cơ thể trở nên nặng nề hơn, hơi thở nhanh hơn, nơi phòng thủ cuối cùng trong trái tim tôi hoàn toàn tan vỡ". Bệnh viện Trung Nam của Xiao Nansong thuộc Đại học Vũ Hán đã lây lan dịch 3 tuần trước đó và 1 bệnh truyền nhiễm tương tự SARS đã xuất hiện, thậm chí còn kinh khủng hơn. Xiao là nhà thần kinh học. Cuộc gọi đầu tiên anh nhận được là từ 1 đồng nghiệp trong BV sau khi người ấy bị nhiễm bệnh, anh cảm thấy mình bất lực.
Ngày 23-1, Hiệp hội tư vấn tâm lý Hồ Bắc đã lắp đường dây nóng miễn phí sớm nhất. Chủ tịch Xiao Jinsong nói rằng trong 3 ngày đầu tiên có hơn 100 cuộc gọi mỗi ngày và gần 60% là những người bình thường bị áp lực. "Mọi người đều cảm thấy khủng khiếp, như thể thảm họa sắp xảy ra và khoảnh khắc của sự sống - cái chết đã đến", Wang Jing chia sẻ.
Một số người cảm thấy bị bỏ rơi, số khác dự định ly hôn, một số bị bệnh nặng trở nên bi quan khi không có thuốc. Các BN tâm lý của Xiao Jinsong cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc. Ông đề nghị một BN trầm cảm giảm nửa liều uống và kéo lượng thuốc dùng trong 7 ngày dài ra 14 ngày. Nếu không đủ, nên giảm thêm lần nữa. Hãy cố gắng vượt qua".
Những ngày đầu, Vũ Hán mưa liên tục. Do lệnh phong tỏa, Li Xiang và người mẹ đang sốt của mình đã lên xe đạp dong ruổi từ BV này sang BV khác, xếp hàng chờ đợi, khóc và tức tưởi hét lên: "Tôi không muốn chết". Một phụ nữ trung niên không thể nhập viện và gia đình thậm chí còn mang giường đến đặt cạnh quầy thanh toán để bà có thể ngả lưng trong lúc chờ đợi. Đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với người dân Vũ Hán, khi sự bất lực đè nặng vì ca bệnh quá nhiều mà không có giường nằm. Mỗi chiếc giường là một cuộc sống tại thời điểm ấy, vì không có cách nào tìm ra lối thoát, đó là một ngõ cụt và không ai có thể giúp bạn.
Trong tâm dịch, những người nhiễm và không nhiễm bệnh dường như ở 2 thế giới cách biệt. Khi người mẹ sốt cao và ho ra máu, Zhang Zihuan đã gọi cho cố vấn trường đại học ở Vũ Hán, nhưng không thể tìm ra BV nào còn chỗ trống.
Sau thời gian khẩn trương ứng phó với dịch bệnh, các nhân viên YT dần bình tĩnh trở lại. Ban đầu, Xiao Jinsong nhận được 4 - 5 lời kêu gọi giúp đỡ của BS mỗi ngày, nhưng khi dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn, số cuộc gọi đã giảm. Theo ông, tất cả mọi người đều ở trong "thời kỳ kháng stress" và không có thời gian để "gạn lọc cảm xúc" hoặc họ chọn cách chịu đựng trong im lặng. Lúc này, theo Wang Jing, vấn đề lớn nhất đối với nhân viên YT là sự mệt mỏi. Họ bị bó trong bộ quần áo bảo hộ suốt ngày; sau khi xử lý hàng loạt ca bệnh, tất cả nằm dài trên sàn và ngủ thiếp đi.
Một tình huống phổ biến đối với nhân viên cứu hộ nơi tuyến đầu chống dịch là sự xuất hiện của "chấn thương tâm lý thay thế" - chứng kiến sự đau khổ của người khác, đồng cảm và coi đó là của chính mình, duy trì "giai đoạn kháng cự" của phản ứng căng thẳng chấn thương - ở giai đoạn này, các dây thần kinh giao cảm ở trạng thái phấn khích và họ vẫn có thể cống hiến hết mình để làm việc. Nếu bước vào giai đoạn tiếp theo - "giai đoạn kiệt sức", trải nghiệm đau thương sẽ xuất hiện.
(Còn tiếp...)