(CAO) Hàng ngàn chiếc lốp xe cũ được người dân địa phương thả xuống dưới đầm Ô Loan, huyện Tuy An (Phú Yên) mỗi năm để nuôi vẹm cháy, tạo ra nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân. Tuy nhiên, thành phần chính của lốp xe là cao su sản sinh ra các chất độc tố như Captax, Altax, Thiuram… khiến danh thắng quốc gia này bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
(CAO) Tối 11-6, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) khẳng định, không có chuyện cá nuôi ở Lý Sơn chết hàng loạt do “đầu độc” như thông tin trên mạng lan truyền.
Trong chuyến công tác tại Tuy An (Phú Yên), chúng tôi phát hiện nhiều đống lốp xe nằm dọc đầm Ô Loan – một trong những danh thắng của quốc gia. Trên bờ thoảng mùi hôi khó chịu bởi hàng nghìn lốp xe cũ chất đống như những bãi phế liệu sau khi thu hoạch vẹm cháy, còn giữa mặt nước rộng mênh mông của đầm được trải tràn lan, dày đặc những bãi cọc gỗ, bên dưới những lốp xe cũ được người dân thả xuống nước nuôi vẹm cháy.
Những chiếc lốp cũ chất chồng ở đầm Ô Loan
Một số người dân địa phương cho biết, lốp cao su cũ này là nơi “cư ngụ” của hàng tấn vẹm cháy để cung cấp cho thương lái làm thức ăn cho tôm hùm.
Thấy chúng tôi còn mơ hồ, người dân giải thích, Trước đây, họ nuôi vẹm cháy theo kiểu đóng cọc truyền thống thôi. Cọc được làm bằng cây tre hoặc gỗ sau đó phải mua lưới đem về quấn xung quanh cây tre, gỗ tạo độ nhám để vẹm cháy dễ bám vào, vài tháng sau vẹm cháy lớn thì nhổ các cọc lên thu hoạch vẹm cháy nên chi phí rất tốn kém.
Người dân thả lốp xe xuống nước để nuôi vẹm cháy
Thời gian gần đây, người dân phát hiện vẹm cháy thích bám vào lốp cao su và hiệu quả, năng suất nuôi loài thủy sản cũng tăng lên rõ rệt, đồng thời lốp xe cũ có khả năng chịu nước tốt, có thể tái sử dụng nhiều lần nên hầu hết người nuôi vẹm cháy ở đây đổ xô nuôi theo kiểu mới này.
“Mặc dù chúng tôi biết nuôi bằng lốp xe cũ, ngâm lâu ngày dưới nước sẽ tạo ra lưu huỳnh có nguy cơ gây ung thư cực cao. Nhưng nếu không làm kiểu này mà nuôi vẹm cháy theo khiều truyền thống thì chỉ có lỗ, chứ không lời hoặc có lời thì cũng không lãi được bao nhiêu. Do đó, giờ đây, khắp đầm Ô Loan này đâu đâu cũng có lốp xe cũ phục vụ cho việc nuôi vẹm cháy”, người dân cho biết thêm.
Trong thành phần chính của lốp xe là cao su chứa nhiều độc tố như Captax, Altax, Thiuram, carbon và các chất độn công nghiệp… Nếu ngâm trong nước lâu ngày, lốp sẽ phân hủy tạo ra các độc tố gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến các loại thủy sinh. Vẹm cháy nuôi trong lốp xe có nguy cơ nhiễm các chất độc hại gây ngộ độc, phá hủy hệ tiêu hóa, hệ thần kinh và nếu nhiễm độc cấp tính các chất như lưu huỳnh ban đầu chỉ đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi... |
Thời điểm này, từng nhóm 4-5 người vừa kéo hàng trăm lốp xe phủ kín vẹm tươi lên bè để bán cho thương lái diễn ra trong không gian rộn ràng. Ông Huỳnh Tấn Bé vừa vác mấy chiếc lốp xe cũ có nhiều vẹm cháy bám xung quanh từ dưới đầm lên, ông Bé cho biết, trước đây, gia đình ông chủ yếu làm nghề chài lưới, đánh bắt cá. Khi nguồn tài nguyên này đã cạn kiệt, người dân chuyển sang nuôi vẹm cháy. Nhưng nuôi theo cách truyền thống thì thu hoạch chẳng được bao nhiêu nên người dân ít ai mặn mà.
Hơn 1 năm nay, người dân nơi đây thấy lốp cao su hữu hiệu hơn trong việc nuôi vẹm cháy nên ông và nhiều hộ dân khác trong vùng không ngần ngại mà thay đổi cách thức nuôi vẹm cháy truyền thống vì chi phí đầu tư thấp, không mất tiền con giống, không phải cho ăn và cũng không mất công chăm sóc, lại thu lợi gấp nhiều lần, làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó...
Việc nuôi vẹm cháy bằng lốp xe gây ra nhiều tác hại nguy hiểm
Rời Đầm Ô Loan, trong cái nắng gắt của miền Trung, tôi chợt nhớ lại lời của một lão ông sống gần khu vực đầm Ô Loan, nói: “Chẳng những làm ô nhiễm nặng nề nguồn nước vốn nổi tiếng trong sạch tại đầm Ô Loan, phá vỡ cảnh quan của một danh thắng quốc gia mà còn gây ảnh hưởng đến việc đi lại, mưu sinh của bà con sống ven đầm. Nhờ anh viết sao cho người ta quan tâm, dẹp bớt nạn thả lốp xe xuống đầm nuôi vẹm cháy. Nếu không, chỉ vài năm nữa, môi trường nơi đây sẽ tệ hại hơn”…