Nước là tài nguyên quý nhưng làm thế nào để truyền tải thông điệp đó một cách dễ hiểu, dễ nhớ và sinh động không phải dễ. Hội thảo Tham vấn ý kiến về phương pháp giáo dục tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên nước trong khuôn khổ dự án Mizuiku - Em yêu nước sạch 2016 đã chia sẻ những câu chuyện thú vị xung quanh việc dạy trẻ yêu nguồn nước.
Bắt đầu từ một hành vi đẹp
Trong những ngày cuối cùng của tháng 7, 120 khách mời đến từ các tổ chức khác nhau đã quy tụ trong không gian chia sẻ cởi mở của buổi Hội thảo đánh giá giữa kỳ dự án Mizuiku - Em yêu nước sạch 2016. Tất cả đều lấy làm thú vị trước câu chuyện cội nguồn của Mizuiku là một dự án tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên nước được Tập đoàn Suntory mang từ đất nước mặt trời mọc đến với các em nhỏ Việt Nam.
Năm 2015, nhận thấy nước sạch là vấn đề thời sự với mỗi quốc gia, Suntory đã tiến hành thí điểm ngay dự án Mizuiku cho các em học sinh 6 trường tiểu học thuộc hai huyện ngoại thành Hà Nội: Thanh Oai, Mỹ Đức. Kết quả tích cực của dự án trong giai đoạn thí điểm đã khiến Tập đoàn Suntory đưa ra quyết định mở rộng quy mô dự án đến với các trường tiểu học phía Nam với số lượng học sinh dự kiến tham gia trong năm thứ hai là gần 2.400 em ở cả hai miền Bắc, Nam.
Đáng ngạc nhiên là, chỉ sau 3 tháng triển khai, số lượng học sinh tham gia dự án nhiều hơn dự kiến ban đầu gần 1.000 em với hơn 270 lớp học được tổ chức. Trước kết quả này, ông Takenobu Shiina - Trưởng Phòng kế hoạch truyền thông doanh nghiệp của Tập đoàn Suntory vui mừng chia sẻ: Số lượng lớp học của dự án tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2015, đặc biệt là quy mô lớp học được chia nhỏ hơn, giúp các em học sinh có nhiều cơ hội được trải nghiệm thực tế các nội dung đã học trên lớp và tương tác với tập huấn viên nhiều hơn.
Kết quả ngoài mong đợi
Đây không chỉ là niềm vui của Suntory - đơn vị tài trợ kinh phí cho dự án hay Suntory PepsiCo Việt Nam - đơn vị phối hợp triển khai mà còn là niềm vui của các giáo viên khi được trực tiếp tham gia vào dự án, được tiếp xúc với các tài liệu sinh động, đa dạng và được đào tạo phương pháp “học thông qua trải nghiệm” với nội dung truyền tải không nặng về lý thuyết, dễ hiểu và dễ nhớ. Tại Hội thảo, các thầy cô đã hồ hởi chia sẻ tham luận của mình với hi vọng sẽ nhân rộng các sáng kiến, kinh nghiệm hay trong việc tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên nước cho các trường cùng khu vực.
Cô Phạm Thị Hoa, giáo viên Trường tiểu học Hồng Đức (Quận 8, TP.HCM) nhận xét: “Học sinh là trung tâm của hoạt động dạy và học trong dự án này, giáo viên chỉ giữ vai trò người trợ giúp và hướng dẫn còn học sinh chủ động lấy kiến thức bằng cách tham gia các hoạt động thực hành. Trong dự án này, giáo viên luôn đặt các em vào nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống và các em giải quyết tình huống theo nhóm thông qua quá trình thảo luận, trò chơi, sắm vai, vẽ tranh...”
Nhưng có lẽ thú vị nhất vẫn là câu chuyện về sự thay đổi nhanh chóng trong nhận thức và hành vi của các em học sinh một thời gian ngắn sau khi tham gia dự án. Không ít em đã quyết tâm “sử dụng nước rửa rau còn thừa để tưới cây”, “trồng nhiều cây xanh” hay “không vứt rác xuống sông”. Những tấm gương điển hình về hành vi bảo vệ và tiết kiệm nước của các em cũng được Suntory tuyên dương, khen ngợi tại hội thảo đánh giá giữa kỳ lần này. Được biết, trong 6 tháng tiếp theo, dự án sẽ triển khai các hoạt động thiết thực như xây dựng hệ thống lọc nước và nâng cấp nhà vệ sinh tại các trường tiểu học tham gia dự án, tổ chức cho các em học sinh tham quan nhà máy của Suntory PepsiCo Việt Nam, gây quỹ “Mizuiku - Em yêu nước sạch” để kêu gọi các sáng kiến nhằm giải quyết vấn đề nhiễm mặn, phèn, hạn hán, thiếu nước sạch, tổ chức Hội thi sáng kiến tiết kiệm nước tại trường học và nhà… Với tiền đề là những kết quả khả quan trong 3 tháng đầu triển khai, tin rằng dự án Mizuiku sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong 6 tháng tới. |