“Người được, kẻ không” dù cùng hoàn cảnh
Thực hiện Quyết định (QĐ) số 772/QĐ-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân ven biển miền Trung do sự cố cá chết, ngày 12-5-2016, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành QĐ số: 973/QĐ-UBND về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các huyện ven biển bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.
Theo đó, hỗ trợ khẩn cấp cho người dân 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90CV và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp; hỗ trợ một lần các tàu không lắp máy hoặc lắp máy đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra biển khai thác hải sản: 3,5 triệu đồng/chiếc đối với ghe, thuyền không lắp máy, 5 triệu đồng/chiếc với ghe, thuyền lắp máy có công suất dưới 90CV. Tỉnh tiếp nhận 800 tấn gạo từ Trung ương và 15,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân.
Đại diện các trường hợp có ghe, thuyền ở thôn Đồng Dương không được hỗ trợ tiền
Căn cứ vào 2 QĐ trên, UBND thị trấn Lăng Cô thông báo đến người dân và giao cho các thôn, tổ dân phố lập danh sách các hộ được hưởng gửi lên xã tổng hợp. Toàn xã có 189 hộ được hỗ trợ theo 2 QĐ trên với hơn 974,5 triệu đồng và 47,2 tấn gạo. Ở thôn Đồng Dương, hều hết người dân làm nghề biển, đầm phá nhưng UBND thị trấn xét duyệt 86 hộ có tàu thuyền nhưng loại dần và chỉ còn 73 hộ. Sau đó, 2 hộ bị loại khỏi danh sách nên chỉ còn 71 hộ. Như vậy có 15 hộ bị loại ở phút… 89.
Trong khi các hộ khác cũng có thuyền máy từ D6 đến D9 đều được hỗ trợ gạo và tiền nhưng vợ chồng ông Lê Dũng (SN 1954) và bà Đỗ Thị Út (SN 1964), gia đình ông Trần Sinh (55 tuổi), gia đình bà Lê Thị Thanh Tâm (48 tuổi)… đều có thuyền máy từ D8 đến D9 và từng đánh bắt cá trên biển chỉ được hỗ trợ gạo, không được hỗ trợ tiền.
Bà con phản đối, cho rằng thiếu công bằng, thiên vị nên nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền nhưng được trả lời là không trực tiếp đi biển hoặc đi không thường xuyên nên không được hỗ trợ. Mọi người bức xúc cho rằng họ không đi biển đánh bắt hải sản là vô lý bởi do sự cố cá chết hàng loạt nên phải bỏ nghề. Hơn nữa làm nghề biển cũng có lúc phải nằm bờ do nhiều lý do như thiên tai, bận việc gia đình… Trong khi đó, trong quá trình rà soát, xét duyệt thì cán bộ xã đến thống kê, sơn, đánh dấu vào các ghe thuyền để làm cơ sở chi trả nhưng sau này các hộ không được hỗ trợ.
Ngoài ra, một số hộ đều có chứng nhận làm nghề biển nhưng được trả lời không trực tiếp đi biển khiến mọi người càng bức xúc. Như ông Lê Dũng ngày 11-6-2016 làm đơn và được Vạn ngư nghiệp xã Lộc Vĩnh là ông Hoàng Văn Hướng ký xác nhận là có chiếc ghe mã lực 9D, tham gia đánh bắt hải sản với Vạn ngư nghiệp từ năm 2000 đến 2016 và hàng năm đánh bắt từ tháng 2 đến tháng 9. Ông Ngô Văn Nhân khẳng định tham gia đánh bắt thủy hải sản ven biển với Vạn ngư nghiệp từ năm 1999 đến năm 2016, thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm.
Hộ được thì mừng, không được thì buồn
Trao đổi với PV, ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: “UBND thị trấn thành lập hội đồng kiểm tra, soát xét việc chi trả, xem xét từng trường hợp cụ thể và thực hiện chi trả đúng đối tượng. Chỉ còn một số trường hợp có ghe, thuyền vừa đánh bắt cá trên biển vừa đánh bắt cá trên đầm, phá không được hỗ trợ là đúng như người dân phản ánh. Hộ được thì vui, hộ không được cũng buồn”.
Ông Dương Đăng Trung – Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô trao đổi
Ông Trung tiếp tục khẳng định: “Tuy nhiên, thị trấn không làm sai. Bởi quá trình xét duyệt thì thấy các hộ không đi biển hoặc đi không thường xuyên nên không thực hiện chi trả. Trước đây, toàn xã có 359 trường hợp khai thác thủy sản trên đầm phá làm đơn xin hỗ trợ nhưng không được hỗ trợ do chưa có QĐ, chủ trương nào chi trả, hỗ trợ cho trường hợp này. Thực sự thiệt hại đối với trường hợp này cũng rất lớn nhưng nhà nước chưa quy định nên không thể thực hiện được. Chúng tôi linh động bằng cách vận động một số cơ quan, đơn vị hảo tâm hỗ trợ quà cho bà con”.
Ông Đặng Trường Sơn, phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: “Quá trình soát xét lại thì phát hiện có những hộ có thuyền nhưng họ bỏ nghề 2 - 3 năm rồi, có những hộ thi thoảng mới đi biển nên không được hỗ trợ. Cá nhân tôi cũng có thời gian 5 – 6 năm đi biển nên biết ai thường xuyên ra vào, ai ít đi và người nào không đi”.
Về giấy chứng nhận nghề biển cho người dân, ông Trung và ông Sơn khẳng định chứng nhận này có từ năm 2009 không còn giá trị do quy định giấy chứng nhận mới vào năm 2016. Vì vậy đề nghị bà con ngư dân hoàn chỉnh hồ sơ, đăng ký lại. Còn xác nhận của Vạn trưởng Vạn ngư nghiệp cho ngư dân, ông Trung và ông Sơn cho biết không đủ cơ sở để xét duyệt.
Có thể khẳng định việc chi trả hỗ trợ theo Quyết định 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và 973/QĐ-UBND ở thị trấn Lăng Cô là đúng. Tuy nhiên, trong khi thực hiện, chính quyền địa phương không tuyên truyền, giải thích cụ thể, thấu đáo.
Còn một số trường hợp có ghe, có thuyền, từng đi biển hoặc đi không thường xuyên, bị thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề từ sự cố cá chết nhưng chỉ được hỗ trợ gạo, không được hỗ trợ tiền cho tàu, thuyến nên mọi người kiến nghị, bức xúc là có cơ sở.