Tội phạm sử dụng tàu ngầm để vận chuyển ma túy

Thứ Năm, 21/12/2023 16:29

|

(CAO) Tình hình tội phạm ma túy ở khu vực Đông Nam Á đang diễn ra nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị giao ban Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý cấp Trung ương năm 2023, được tổ chức ngày 21/12, tại Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý (C04), Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên thế giới, khu vực diễn biến phức tạp và không ngừng gia tăng về tính chất, mức độ.

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 cho biết, tình hình tệ nạn và TPMT đang diễn biến ngày càng phức tạp

Tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở khu vực Đông Nam Á, nhất là Lào, Campuchia đang diễn ra nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Cùng với đó, tội phạm ma tuý (TPMT) tại nhiều quốc gia đang đẩy mạnh việc lợi dụng tuyến hàng không và đường biển quốc tế, thậm chí sử dụng tàu ngầm, tàu có thiết kế kỹ thuật “bán chìm” để vận chuyển trái phép chất ma túy.

Ở trong nước, tình hình TPMT phức tạp trên các tuyến biên giới, tuyến đường hàng không, bưu điện và không gian mạng. Để tụ tập sử dụng ma túy, các đối tượng lợi dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật thời kỳ 4.0 để rủ rê, lôi kéo, tụ tập trên không gian mạng thông qua việc thành lập các hội nhóm qua các mạng xã hội như zalo, facebook, telegram... thống nhất thời gian, địa điểm và bàn bạc về việc tổ chức sử dụng ma túy.

Thậm chí, các trang mạng điện tử cũng bị TPMT lợi dụng như một kênh thông tin hiện đại để quảng cáo, giao dịch chủ yếu các loại ma túy là cỏ Mỹ, cần sa, các loại ma túy “núp bóng” pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc đang được giới trẻ ưa chuộng sử dụng như “nước vui”, bánh cần, bánh lười “lazy cakes” chứa cần sa, tinh dầu thuốc lá điện tử POD, thuốc lá gói “Tabaco”, thuốc lá điếu hiệu Hitton có tẩm dung dịch chứa chất ADB-BUTINICA.

Lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để phạm tội khi gửi, nhận hàng hóa thông qua các công ty dịch vụ vận chuyển (có thể gửi hàng tự động với hệ thống máy tính không cần đến nhân viên) hoặc qua dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ đang phát triển rất mạnh tại các thành phố, đô thị lớn.

Các đại biểu dự hội nghị

Các đối tượng thường xuyên tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng khi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Khi bị vây bắt, các đối tượng vận chuyển trái phép ma túy rất manh động, liều lĩnh chống trả, tấn công lực lượng chức năng.

Thực hiện Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, các cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy gồm Cục CSĐT tội phạm về ma tuý, Bộ Công an; Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Nghiệp vụ và pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Kết quả, năm 2023, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy toàn quốc đã chủ trì, phối hợp các lực lượng đấu tranh thành công 24.765 vụ, bắt giữ 38.681 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó có 26 đối tượng là người nước ngoài thu giữ 444 kg heroin, 4,9 tấn ma túy tổng hợp, 81 kg thuốc phiện, 500 kg cần sa, 330 kg cocain.

Lực lượng Phòng, chống ma tuý và tội phạm của Bộ đội Biên phòng đã chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý 854 vụ/1.231 đối tượng, thu 1.230 kg ma túy các loại và nhiều tang vật liên quan khác.

Lực lượng chuyên trách Phòng, chống tội phạm ma túy của Cảnh sát biển đã phối hợp với các lực lượng đấu tranh 126 chuyên án, vụ án, bắt giữ 209 đối tượng, thu giữ 106 bánh và 10 kg heroin; trên 1,4 tấn ma tuý tổng hợp; gần 6 kg cần sa; 2 khẩu súng, 55 viên đạn.

Lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 221 vụ/260 đối tượng, thu giữ hàng tấn ma tuý các loại.

Thời gian tới, các cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma tuý cấp trung ương sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phối hợp để phòng chống, đẩy lùi ma túy

Dự báo trong thời gian tới, TPMT vẫn tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tổ chức, đối tượng tội phạm liên quan đến ma túy ngày càng gia tăng lợi dụng các quy định, kẽ hở về mặt chính sách (như chính sách, quy định về tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa thủ tục hải quan, chính sách miễn thị thực đối với cư dân thuộc khối ASEAN; sự khác biệt trong quy định pháp luật về ma túy của các quốc gia, xu hướng hợp pháp hóa cần sa và một số loại ma túy tại một số nước… ) để hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, đặc biệt là trên tuyến hàng không, chuyển phát nhanh; tình hình ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của TPMT, các cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma tuý cấp trung ương sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phối hợp, trong đó mở các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm, xây dựng các phương án, kế hoạch đấu tranh chung, giải quyết tình hình tội phạm phức tạp ở các tuyến, khu vực, địa bàn trọng điểm, nhất là ở các khu vực biển trọng điểm, cảng biển lớn, biên giới đất liền.

Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý để ngăn chặn từ xa, từ sớm nguồn ma túy vào Việt Nam; quyết tâm không để nước ta trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển ma túy quốc tế.

Thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo về các loại ma tuý mới, các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma tuý giữa các cơ quan chuyên trách để nâng cao trình độ, ý thức cảnh giác của cán bộ, chiến sỹ các lực lượng, phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý đạt hiệu quả cao.

Bình luận (0)

Lên đầu trang