TPHCM triển khai thí điểm thiết bị xác thực CCCD gắn chíp và nhận diện sinh trắc học tại các ngân hàng:

Những cặp “mắt thần” quét tội phạm

Thứ Năm, 21/12/2023 09:23

|

(CATP) Mới đây, Công an Q.Tân Bình đã triển khai, lắp đặt thiết bị, phần mềm xác thực thông tin cá nhân thông qua thẻ CCCD gắn chíp và nhận diện khuôn mặt tại các ngân hàng. Việc thực hiện nhằm đảm bảo công tác an ninh luôn được duy trì chặt chẽ. Đây là giải pháp hữu hiệu để các ngân hàng chủ động hơn trong công tác nhận diện, chủ động ngăn ngừa những tình huống bất ngờ, đặc biệt là loại tội phạm cướp ngân hàng đang có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Chủ động nhận diện tội phạm

Những năm gần đây, các đối tượng tội phạm dần chuyển đổi, tập trung nhiều hơn vào các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để thực hiện hành vi cướp tiền. Trong năm 2023, TPHCM ghi nhận 2 vụ cướp ngân hàng xảy ra, nhưng chỉ sau 24 giờ gây án, các đối tượng đều bị bắt giữ nhờ sự quyết liệt của lực lượng phá án. Lãnh đạo Bộ Công an đánh giá các vụ cướp ngân hàng tuy đều được khám phá nhưng đã gây tổn hại về tinh thần, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, sức khỏe, tính mạng nhân viên và người đến giao dịch.

Nhằm chủ động phòng ngừa loại tội phạm nguy hiểm này, Công an TPHCM phối hợp cùng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) - Bộ Công an triển khai thí điểm phần mềm ứng dụng và thiết bị xác thực thẻ CCCD gắn chíp, xác định sinh trắc ảnh khuôn mặt.

Tại TPHCM, Công an Q.Tân Bình là đơn vị được Ban Giám đốc Công an TPHCM giao nhiệm vụ tiên phong thí điểm phần mềm ứng dụng, thiết bị đọc và xác thực CCCD bằng khuôn mặt (Face ID). Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, Đại tá Lê Hoài Phong (Trưởng công an Q.Tân Bình) nhận định: Việc triển khai hệ thống xác thực thông tin thông minh này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác chủ động phòng ngừa tội phạm; đồng thời thể hiện quyết tâm của Công an Q.Tân Bình trong ứng dụng Đề án 06 vào công tác quản lý địa bàn, phục vụ đời sống nhân dân.

Các cán bộ CAQ.Tân Bình đang thực hiện xác minh thông tin CCCD của một khách hàng, hướng dẫn thao tác cho nhân viên ngân hàng

Bắt đầu từ ngày 15/12/2023, Ban Chỉ huy Công an Q.Tân Bình giao nhiệm vụ cho Đội Cảnh sát QLHC về TTXH và Công an phường 2 phối hợp thực hiện lắp đặt hệ thống nhận diện, xác thực thông tin tại chi nhánh của Ngân hàng Agribank tại số 26 Trường Sơn (P2, Q.Tân Bình). Đại úy Lê Hữu Lộc (Trưởng công an phường 2) cho biết, địa bàn phường tập trung nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ thương mại, tập trung đông đảo văn phòng, chi nhánh ngân hàng, lại có Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, về điều kiện địa lý có hàng loạt tuyến đường giáp ranh với các quận, huyện khác. Nhiều đối tượng tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cắp, cướp giật thường xuyên lựa chọn nơi đây làm địa điểm để gây án.

Đầu “mắt thần” thu thập dữ liệu sinh trắc, so sánh với thông tin trong thẻ CCCD gắn chíp

“Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát sẽ giúp ích rất nhiều cho lực lượng Công an trong công tác nghiệp vụ, chủ động giám sát, phát hiện và phòng ngừa các đối tượng tội phạm có ý đồ hoạt động trên địa bàn” - Đồng chí Trưởng công an phường 2 chia sẻ. Hệ thống được đặt ngay tại cửa ra vào của các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, sẽ giúp xác thực thông tin của khách hàng, qua đó nhận diện kịp thời các đối tượng có biểu hiện nghi vấn, đối tượng tội phạm sử dụng giấy tờ tùy thân giả để trốn truy nã hoặc sử dụng thẻ CCCD giả để tạo tài khoản ngân hàng nhằm mục đích thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…

Được đánh giá cao vì thực sự hiệu quả

Sáng 20/12, sau 5 ngày hệ thống đặc biệt trên được triển khai, các nhân viên an ninh của chi nhánh Ngân hàng Agribank đã có thể sử dụng, vận hành trơn tru thiết bị hiện đại này. Cùng với Thiếu tá Võ Quốc Tuấn (cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an Q.Tân Bình) và Thiếu tá Nguyễn Thái Dương (cảnh sát khu vực) có mặt tại ngân hàng để kiểm tra, đánh giá việc áp dụng hệ thống của đội ngũ an ninh, phóng viên đã được trải nghiệm quy trình xác thực, nhận diện tội phạm của những “mắt thần”.

Thiếu tá Nguyễn Thái Dương cho biết, trước khi nhắm đến các ngân hàng để thực hiện hành vi phạm pháp, các đối tượng thường giả vờ làm khách hàng đến để quan sát, theo dõi. “Khi bị lực lượng bảo vệ, an ninh tại ngân hàng yêu cầu xác thực thông tin với thiết bị giám sát, đối tượng trở nên hoang mang, sợ bị lưu lại dữ liệu cá nhân. Thiết bị sẽ lập tức phát huy hiệu quả, giáng thẳng vào ý định phạm tội của các đối tượng, buộc các đối tượng phải từ bỏ ý đồ xấu” - Thiếu tá Nguyễn Thái Dương nhận định.

Thẻ CCCD gắn chíp được kết nối vào hệ thống đọc dữ liệu

Khách hàng khi đến phòng giao dịch của ngân hàng sẽ được nhân viên giám sát an ninh hướng dẫn đặt thẻ CCCD gắn chíp vào hộp đọc thẻ, tháo khẩu trang rồi bắt đầu quá trình nhận diện khuôn mặt do các “mắt thần” thực hiện. Toàn bộ dữ liệu cần thiết được đối chiếu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Hệ thống sẽ đánh giá và ngay lập tức vạch trần các đối tượng tội phạm sử dụng thẻ CCCD giả nhằm che giấu thân phận để thực hiện hành vi phạm tội. “Toàn bộ quy trình xác minh diễn ra trong chưa tới 30 giây, rất nhanh chóng và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân” - Thiếu tá Võ Quốc Tuấn cho biết.

Một khách hàng đang thực hiện quy trình xác thực sinh trắc trước hệ thống thu dữ liệu

Theo một nhân viên thuộc bộ phận an ninh của ngân hàng, các thiết bị giám sát được lắp đặt giúp ích rất nhiều cho phía ngân hàng trong việc nhận diện kẻ gian có ý đồ phạm tội. “Thông thường khi lần đầu tới chi nhánh để giao dịch, khách hàng nào có dấu hiệu nghi vấn ngay lập tức được chúng tôi hướng dẫn thực hiện việc xác minh thông tin. Công tác triển khai thiết bị xác thực đã được phía ngân hàng áp dụng linh hoạt, phù hợp dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của Công an Q.Tân Bình, không gây ra bất kỳ khó khăn hay trở ngại nào cho khách hàng” - Nhân viên trên nói.

Ghi nhận những trường hợp khách hàng được yêu cầu xác thực thông tin trong sáng 20/12, tất cả đều thể hiện thái độ hợp tác với lực lượng Công an và ngân hàng. Ai nấy cũng đều bày tỏ sự ủng hộ trong công tác triển khai các biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tội phạm.

Bảng thông tin dữ liệu sau khi hoàn tất quá trình thu thập, đánh giá

Việc triển khai thí điểm phần mềm xác thực thông tin sẽ kết thúc vào đầu tháng 01/2024. Sau thời gian thí điểm, Công an Q.Tân Bình cùng các đơn vị liên quan sẽ đánh giá kết quả triển, rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng và triển khai nhân rộng trên địa bàn.

Quận Tân Bình chuyển mình cùng Đề án 06

Cạnh đó, sau nửa năm triển khai rộng rãi, ứng dụng ASM (phần mềm thông báo lưu trú ASM do Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD thuộc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - Bộ Công an xây dựng và phát triển) hỗ trợ tích cực cho Công an Q.Tân Bình trong công tác quản lý địa bàn, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), giúp doanh nghiệp và người dân thuận tiện hơn trong đời sống, kinh doanh.

Trước hàng loạt hiệu quả từ thực tế đem lại, Ban Chỉ đạo Đề án 06 Q.Tân Bình, Ban Chỉ huy Công an Q.Tân Bình tiếp tục triển khai để các đơn vị nghiệp vụ, đặc biệt là Công an các phường trong quận tổ chức tuyên truyền rộng rãi, vận động các đơn vị, doanh nghiệp và người dân áp dụng ứng dụng ASM trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là nhóm kinh doanh dịch vụ lưu trú, bệnh viện...

Công an Q.Tân Bình tích cực triển khai mô hình ASM trong đời sống

Tính đến ngày 20/12/2023, Công an Q.Tân Bình đã triển khai thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM cho 160 khách sạn, 313 nhà ngăn phòng cho thuê quy mô lớn, 4 bệnh viện, 2 ký túc xá. Hệ thống dữ liệu đã tiếp nhận hơn 65.000 trường hợp thông báo lưu trú qua phần mềm ASM. Số liệu đã phản ánh khách quan về sự hiệu quả mà mô hình này mang lại trong đời sống nhân dân. Dự kiến đến hết quý I/2024, Công an Q.Tân Bình phấn đấu triển khai đến 100% khách sạn, ký túc xá, bệnh viện và nhà ngăn phòng cho thuê có quy mô từ 10 phòng trở lên trên địa bàn quận thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM.

Ứng dụng ASM ngày một phát triển và được đông đảo người dân trên địa bàn hưởng ứng, sử dụng

Đánh giá về những tiện ích cho cơ sở kinh doanh cũng như khách hàng sử dụng dịch vụ, Trung tá Nguyễn Như Huy (Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an Q.Tân Bình cho biết các cơ sở khi tiếp nhận khách, bệnh nhân hoặc người thân của bệnh nhân, việc thực hiện nhập thông tin lên hệ thống, sắp xếp bố trí phòng, khai báo lưu trú, lưu trữ thông tin… chỉ bằng một lần quét mã QR trên thẻ CCCD hoặc phần mềm VneID, giúp giảm rất nhiều nhân lực, thời gian thực hiện khai báo lưu trú. Ý kiến này được đông đảo người dân tán thành.

Ông Đoàn Văn Toan (chủ một cơ sở kinh doanh phòng trọ tại P2, Q.Tân Bình) nói: “Đối với việc khai báo thủ công khi khách đến lưu trú làm chúng tôi mất từ 5 đến 10 phút cho một trường hợp, giờ đã rút ngắn đáng kể, có khi hoàn thành chỉ trong chưa tới 1 phút”.

Phần mềm ASM được Cục Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Bộ Công an triển khai từ ngày 27/02/2023 và kết nối với hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ứng dụng giúp các cơ sở kinh quản lý các dịch vụ cung cấp về phòng, nhân viên, khách đến lưu trú, các dịch vụ kinh doanh..., giảm thời gian nhập liệu các thông tin khách lưu trú; bên cạnh đó cập nhật thông tin đăng ký lưu trú tự động gửi đến Cơ quan CA.

Bình luận (0)

Lên đầu trang