TPHCM: Có 88 F0 là trẻ mầm non và tiểu học trong tuần đầu đến trường

Thứ Hai, 21/02/2022 19:47

|

(CAO) Trong tuần đầu tiên tổ chức cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học đến trường, TPHCM ghi nhận 13 trẻ mầm non, 75 học sinh tiểu học là F0 được phát hiện tại cơ sở giáo dục.

Chiều ngày 21/02, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trên địa bàn TP những ngày qua. Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Hai ổ dịch tại quận 1 và quận Gò Vấp đã được xử lý

Về ổ dịch tại chung cư 89-91 Nguyễn Du (phường Bến Nghé, quận 1), Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Duy An cho hay, ngày 16/2, trạm y tế phường Bến Nghé tiếp nhận thông tin một số người dân sinh sống trong chung cư này có triệu chứng nhiễm COVID-19. Qua đó, phường đã tiến hành xét nghiệm và ghi nhận 6 trường hợp dương tính.

Ngày 20/2, sau khi xét nghiệm toàn bộ người dân sống trong chung cư, phường Bến Nghé ghi nhận thêm 17 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số F0 tại đây lên 23 ca. Các ca nhiễm nằm trong 15/65 hộ gia đình. Qua đánh giá mức độ giao lưu tại chung cư 89-91 Nguyễn Du, cơ quan chức năng xác định, đây là chung cư nhỏ, khá thưa dân nhưng vào buổi trưa có nhiều người đến ăn uống trong khu vực.

Từ đánh giá trên, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường Bến Nghé đã tiến hành xử lý ổ dịch theo hướng tạm thời phong tỏa khu vực trong vòng 24 giờ để xét nghiệm lần 2 toàn bộ dân cư ở đây. Đến ngày 21/2, qua kết quả sàng lọc, có thể nhận định, tình hình dịch bệnh tại chung cư 89-91 Nguyễn Du cơ bản đã được kiểm soát, khoanh vùng. Do đó, UBND phường Bến Nghé đã ban hành văn bản kết thúc phong tỏa tại khu dân cư nhằm tiến hành thu hẹp khu vực cách ly với những hộ F0.

Lãnh đạo UBND quận 1 thông tin, xác định ổ dịch tại chung cư 89-91 Nguyễn Du là vùng nguy cơ có mức độ thấp, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiến hành xét nghiệm 5 ngày/lần theo mẫu gộp hộ gia đình đến khi không còn phát hiện F0...

Liên quan đến chùm ca bệnh khác tại một Tu viện trên địa bàn phường 5, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Ngọc Anh thông tin, ngày 15/12, từ một học sinh F0 đang lưu trú tại Tu viện, ngành y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tất cả người ở Tu viện này, phát hiện 54 ca dương tính gồm 53 học sinh và 1 tu sĩ.

Ngay sau đó, ngành y tế đã hướng dẫn cách ly 54 trường hợp này ở một dãy nhà riêng trong khuôn viên của Tu viện và tiến hành các biện pháp khử khuẩn, cách ly F1 theo đúng quy định.

Hiện chùm ca nhiễm trên đã được khoanh vùng. Phần lớn các em đang học cấp 2 đã được tiêm đủ 2 hoặc 3 mũi vắc xin phòng COVID-19 , tình trạng sức khỏe ổn định, triệu chứng nhẹ và không triệu chứng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế đã có chỉ đạo cho Trạm y tế lưu động đến thăm khám, theo dõi sức khỏe cho các bệnh nhân tại Tu viện hàng ngày.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Anh, trong nhiều năm qua Tu viện là nơi lưu trú của học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 và sinh viên trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận có hoàn cảnh khó khăn. Hiện cơ sở này đang hỗ trợ về chỗ ở cho 140 học sinh từ 11 tuổi trở lên.

Rút ngắn thời gian cách ly F1 đã tiêm đủ liều vắc xin

Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho biết, ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Công văn số 762/BYT-DP về việc cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần, thay thế cho Công văn số 10696/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

Theo đó, F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin COVID-19 (trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1): Thực hiện cách ly 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác. Đồng thời xét nghiệm COVID-19 vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo.

Như vậy, so với công văn 10696, số ngày cách ly tại nhà với F1 đã tiêm đủ vắc xin theo công văn mới này đã rút ngắn từ 7 ngày còn 5 ngày, số lần xét nghiệm cũng giảm từ 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7) xuống 1 lần.

Trao đổi về chất lượng thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, 03 công ty dược tại Việt Nam đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thuốc với hoạt chất Molnupiravir kháng vi rút SARS-CoV-2, gồm: Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam (thuốc Molravir 400 mg), Công ty CP hóa - dược phẩm Mekophar (thuốc Movinavir 200 mg) và Công ty TNHH liên doanh Stellapharm (thuốc Molnupiravir Stella 400 mg). Vì vậy, chất lượng thuốc kháng vi rút đang dùng và các loại này là như nhau.

Bà Mai thông tin thêm, trong khoảng thời gian chờ các loại thuốc nêu trên cung ứng ra thị trường, chương trình thử nghiệm thuốc vẫn đang được thực hiện trên một số trường hợp F0 và phát thuốc miễn phí cho người dân. Theo thống kê từ các cơ sở y tế, TP còn trên 40.000 liều thuốc kháng vi rút để cấp phát cho các trường hợp cần thiết.

Ghi nhận 88 F0 trong tuần đầu trẻ mầm non và tiểu học đến trường

Trả lời báo chí về tình trạng sau nghỉ dịch COVID-19, nhiều phụ huynh không liên lạc được với các trung tâm Ngoại ngữ trong khi đã nộp tiền học cho con, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục - Đào tạo TP) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gần 80% trung tâm trên địa bàn TPHCM phải đóng cửa, ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Khi nhận được phản ánh của người dân, Sở đã tiến hành rà soát và nhận thấy phần lớn các trung tâm này chưa được cấp phép hoạt động giáo dục.

Đối với những Trung tâm chưa được cấp phép, Sở đã hướng dẫn người dân liên hệ với Công an để giải quyết do không thuộc thẩm quyền của Sở. Riêng những đơn vị đã được cấp phép hoạt động, Sở Giáo dục - Đào tạo đã và đang mời các chủ đầu tư lên làm việc.

“Những trung tâm có giấy phép hoạt động trước khi giải thể phải thực hiện các quy định liên quan, trong đó có quy định về việc đảm bảo quyền lợi của người học, người làm việc tại trung tâm”, ông Trịnh Duy Trọng thông tin.

Cung cấp về số ca nhiễm tại trường học, đại điện Sở Giáo dục - Đào tạo cho hay, ngày 17/2, TPHCM ghi nhận 95 học sinh nhiễm COVID-19 tại trường học. Ngày 18/2, số F0 phát hiện tại trường là 112 ca. Dự kiến số ca mắc sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp trong tuần này.

Trong tuần đầu tiên tổ chức cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học đến trường, TPHCM ghi nhận 13 trẻ mầm non, 75 học sinh tiểu học là F0 được phát hiện tại cơ sở giáo dục.

Chỉ có 10 cửa hàng xăng dầu thiếu xăng hoặc giảm lượng bán

Tại họp báo, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương thông tin, trên địa bàn TP vừa có thêm 2 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng kinh doanh. Trong đó, một cửa hàng tạm ngưng để sửa chữa, đổi chủ; cửa hàng thứ 2 đã gửi hồ sơ xin ngưng hoạt động một tháng và sở đang kiểm tra. Như vậy, đến nay, TP có 5 cây xăng tạm ngưng kinh doanh.

Đối với các cửa hàng hoạt động nhưng thiếu xăng dầu, ông Phương cho biết từ kỳ điều chỉnh giá trước đến nay, Thanh tra Sở Công Thương đã trực tiếp kiểm tra 11 cửa hàng, chủ yếu qua thông tin của người dân và phóng viên, báo đài phản ánh việc thiếu xăng dầu hoặc hạn chế việc bán hàng cho người dân.

Ngay sau khi kiểm tra, ghi nhận đa số các cửa hàng hết xăng, dầu, Sở Công Thương đã làm việc với đơn vị phân phối, sau đó, các cửa hàng này đã được cung ứng đầy đủ và hoạt động bình thường trở lại.

Đối với các cửa hàng hạn chế bán hàng, ông Phương cũng thông tin, các cửa hàng lý giải việc hạn chế là do lượng hàng hiện tại giới hạn nên nếu bán với số lượng lớn thì cửa hàng có thể phải tạm ngưng do hết hàng. Theo đó, Sở Công Thương đã lập biên bản ghi nhận, nhắc nhở và cảnh báo việc hạn chế bán hàng là vi phạm quy định, sẽ kiên quyết xử lý nếu tái phạm. Tất cả các cửa hàng sau khi được kiểm tra, nhắc nhở đều đã khắc phục, hoạt động bình thường.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công thương, trong tổng số 548 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, số cửa hàng đang kinh doanh nhưng có tình trạng thiếu xăng hoặc giảm lượng bán chỉ có khoảng 10 cửa hàng (chiếm 2%).

Sau khi kiểm tra, Sở nhận thấy đa số là cửa hàng tư nhân và lấy hàng từ thương nhân phân phối nhỏ lẻ. Họ gặp khó khăn vì một số lấy nguồn hàng từ nhà máy lọc dầu trong nước như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (hiện đang hoạt động với 43% công suất), do đó, lượng hàng thiếu hụt so với bình thường, các đơn vị này phải nhập khẩu.

Qua nửa đầu tháng 2, tổng lượng nhập khẩu xăng dầu hiện nay là 800.000 m3 (so với bình thường hàng tháng là 500.000 m3) tức TP đang nhập số lượng rất lớn và người dân có thể yên tâm về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn toàn TP.

Bình luận (0)

Lên đầu trang