(CATP) So với những người khá giả thì giá trị tài sản tranh chấp không lớn, nhưng với bị đơn, có lẽ đây là khoản ky cóp của cả gia đình. Mua đất rồi được cấp giấy tờ hợp pháp, bỗng dưng bà bị kiện là người chiếm đất. Chủ đất cũ khẳng định không hề có giao dịch với nguyên đơn nên hợp đồng (HĐ) mua bán người này trưng ra làm chứng cứ là giả tạo, nhưng các cấp tòa không hề xem xét. Hậu quả, bị đơn không chỉ mất tài sản mà còn phải gánh chịu khoản tiền án phí một cách oan nghiệt. Bài 1: "Nhức đầu" với bản án
Bỗng dưng bị kiện
Hồ sơ thể hiện, nguồn gốc phần đất diện tích 2.148m2 thuộc thửa 376-377, tờ bản đồ số 5, tọa lạc tại xã Tân Quy Đông, huyện Nhà Bè (nay là phường Tân Quy, Q7) do bà Trần Ngọc Toàn làm chủ. Ngày 1-9-2001, bà Toàn ký HĐ chuyển nhượng toàn bộ phần đất này cho Công ty TNHH Hà Thành (gọi tắt là Cty Hà Thành), do bà Trần Bích Hà - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh mảng địa ốc đại diện.
Do đất nằm trong quy hoạch công viên cây xanh nên cơ quan chức năng không tách thửa nếu diện tích dưới 300m2. Vì vậy, công ty phân lô bán nền bằng cách chia khu đất thành 4 phần và nhờ 4 khách hàng đại diện đứng tên giùm. Bên bán lẫn người đứng tên cam kết khi nào bỏ quy hoạch sẽ làm thủ tục tách sổ riêng cho từng khách hàng.
Vợ chồng ông Nguyễn Kim Hoàng - bà Nguyễn Thị Mai được Cty nhờ đứng tên 1 phần, diện tích 324m2 và được UBND quận 7 cấp "sổ đỏ” vào năm 2003. Trong phần đất 324m2 này, Cty Hà Thành chia ra 5 nền, mỗi nền 64m2 (4x16) và bán cho các khách hàng, gồm: Nguyễn Thị Mai, Đào Đại Phong, Dương Như Thuật, Mai Hữu Hoàng, Lê Thị Tím với giá 147 triệu đồng/nền. Phần lớn khách hàng chỉ mới thanh toán cho Cty Hà Thành 80% giá trị HĐ, phần còn lại (hơn 33 triệu đồng) khi nào được cấp sổ mới trả hết.
Theo tường trình của bà Trần Bích Hà: Sau khi đóng tiền được 2 tháng, do con trai bị tai nạn giao thông nên bà Tím báo với Cty muốn bán lại nền đất trên cho vợ chồng ông Dương Tuấn Huy - bà Nguyễn Thị Phương Hạnh với giá 167 triệu đồng. Bà Bích Hà đồng ý thanh lý HĐ với bà Tím và lập thủ tục mua bán với bà Phương Hạnh.
Minh chứng, tại giấy đặt cọc ngày 8-10-2002 kèm phiếu thu sau đó 10 ngày, thể hiện bà Phương Hạnh đã nộp cho Cty Hà Thành tổng số tiền hơn 133 triệu đồng (tương đương 80% giá trị HĐ). Đến năm 2005, vợ chồng bà Phương Hạnh có làm giấy tờ nhờ Cty Hà Thành bán lại nền đất này với giá 170 triệu đồng. Tờ giấy thỏa thuận này lập thành 2 bản, mỗi người giữ 1 bản. Riêng bà Bích Hà đã làm thất lạc do Cty nhiều lần di dời địa điểm.
Khi nghe bà Bích Hà kêu bán nền đất trên, bà Mai gom góp tiền dành dụm mua thêm cho trai kế để chuẩn bị lập gia đình. Ngày 10-12-2006, bà Bích Hà lập "Bản thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất" (CNQSDĐ) cho bà Mai và đã nhận đủ số tiền 170 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi bà Bích Hà bán được nền đất, không hiểu nguyên do gì vợ chồng bà Phương Hạnh đổi ý không nhận tiền (nhiều khả năng nhận được thông tin đã bỏ quy hoạch công viên), đồng thời tiến hành khởi kiện cho rằng bà Mai chiếm đất của mình.
Tòa thoái thác chứng cứ
Trong đơn khởi kiện gửi TAND quận 7, bà Phương Hạnh khẳng định: Ngày 14-10-2002 có ký HĐ CNQSDĐ, diện tích 64m2 với ông Trần Ngọc Toàn (thực chất là bà Toàn) và đã giao đủ tiền, được UBND phường Tân Quy chứng thực. Vì vướng quy hoạch nên chưa làm thủ tục tách sổ, đến năm 2010, bà Hạnh mới phát hiện bà Mai chiếm dụng rồi tự ý kê khai phần đất của mình để được cấp giấy CNQSDĐ.
Trước cơ quan bảo vệ pháp luật, bà Toàn quả quyết chỉ bán đất cho Cty Hà Thành, không hề có giao dịch với bà Phương Hạnh. Vì vậy, bà Toàn khẳng định HĐ bà Hạnh trưng ra là giả tạo, yêu cầu tòa giám định chữ ký, chữ viết của người bán. Riêng bút tích trong HĐ ký với Cty Hà Thành là thật, nên ngày 25-3-2014, bà Toàn có đơn yêu cầu không giám định.
Phía vợ chồng Huy - Hạnh phủ nhận việc nhờ Cty Hà Thành bán giùm nền đất, trong khi tờ giấy thỏa thuận sự việc giữa đôi bên, bà Bích Hà đã làm thất lạc. Do đó, "chìa khóa" để giải quyết vụ án là phải giám định HĐ phía nguyên đơn trưng ra là giả hay thật? Trường hợp là HĐ thật thì bà Toàn và Cty Hà Thành phải chịu trách nhiệm, vì một mảnh đất đem bán cho nhiều người. Ngược lại, nếu là HĐ giả thì tòa án phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra bởi có dấu hiệu hình sự.
Sự việc vô cùng đơn giản nhưng không hiểu sao tòa án cấp sơ thẩm "ngâm" đến 5 năm trời (ngày 11-8-2016) mới đưa ra xét xử? Điều đáng nói là trong bản án, vị thẩm phán chủ tọa vẽ ra rằng "Tại bản tự khai ngày 25-3-2014, bà Toàn xin rút yêu cầu giám định chữ ký và chữ viết nêu trên". "Không biết ông thẩm phán nhầm lẫn hay cố tình...lập lờ đánh lận con đen? Tại bản khai trên, tôi chỉ xin rút yêu cầu giám định HĐ ký với Cty Hà Thành, chứ không rút yêu cầu giám định HĐ phía bà Hạnh đưa ra!" - bà Toàn bức xúc. Ngoài ra, thẩm phán còn tưởng tượng khi cho rằng bà Bích Hà có QĐ nghỉ việc tại Cty Hà Thành vào ngày 12-6-1999 để nhằm mục đích không đưa Cty này vào tham gia tố tụng (sẽ đề cập ở phần sau). Trong khi đó, Cty Hà Thành được Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 17-8-2001!
Từ những viện dẫn mà chủ tọa... thêu dệt, cuối cùng, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên buộc vợ chồng bà Mai phải trả lại đất cho bà Hạnh. Nguyên đơn có trách nhiệm trả tiếp hơn 33 triệu đồng cho bà Toàn. Theo chủ tọa lập luận thì bà Hạnh ký HĐ mua đất với bà Toàn, nhưng... thông qua Cty Hà Thành.
Lập luận của thẩm phán khiến nhiều người không khỏi... "nhức đầu". Bởi trong đơn khởi kiện, bà Hạnh tường trình mua đất từ ông Toàn và đã thanh toán đủ tiền. Vì không có giao dịch thật sự nên nguyên đơn không hề biết giới tính của chủ đất. Mặt khác, nếu bà Hạnh đã giao dịch với bà Toàn thì chẳng có lý do gì phải thông qua Cty Hà Thành. Hơn nữa, về sau, Phòng kỹ thuật Hình sự CATPHCM giám định chữ ký, chữ viết của người bán trong HĐ nguyên đơn dùng làm chứng cứ, kết quả xác định không phải do bà Toàn viết ra...
(Còn tiếp...)