Đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa mà còn đa dạng hóa nguồn tài nguyên du lịch địa phương, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó, sản phẩm làng nghề được quảng bá rộng rãi và tiêu thụ hiệu quả hơn. Hoạt động du lịch giúp các làng nghề duy trì và phát triển bền vững, đồng thời, chính sự tồn tại của làng nghề cũng góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Việc gắn kết làng nghề với du lịch là một giải pháp căn cơ để bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề, khi nó không chỉ huy động được nguồn nhân lực tại chỗ mà còn khơi dậy ý thức gìn giữ nghề truyền thống, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Làng nghề đan đát (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi): 100 năm gắn bó với tre, trúc
Làng nghề đan đát mây, tre Thái Mỹ thuộc xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi (TPHCM), cách trung tâm thành phố 45km và cách thị trấn Củ Chi 10km. Với hơn một thế kỷ tồn tại, nơi đây từng được xem là cái nôi của các sản phẩm thủ công từ tre, trúc. Thời kỳ đỉnh cao vào những năm 2000, làng có khoảng 1.800 hộ dân tham gia sản xuất, tạo việc làm cho 4.000 lao động. Tuy nhiên, đến nay, số hộ còn duy trì nghề chỉ khoảng 300, chiếm 10% tổng số hộ trong xã. Sự thu hẹp đáng kể này phản ánh những thách thức mà làng nghề đang đối mặt trong bối cảnh kinh tế và thị trường thay đổi.

Nghề đan lát giữ được nét riêng của một làng nghề lâu đời tại TPHCM
Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, người dân Thái Mỹ đã hình thành nghề đan lát từ rất sớm. Ban đầu, người dân chỉ làm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình và sản xuất nông nghiệp. Khi sản lượng tăng lên, sản phẩm được mang ra chợ bán, từ đó hình thành các cụm dân cư chuyên làm nghề. Đặc biệt, năm 1977, Hợp tác xã đan đát Thái Mỹ ra đời, giúp nghề phát triển mạnh mẽ, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập thể. Hợp tác xã không chỉ cung cấp nguyên liệu mà còn tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện để mở rộng thị trường. Những năm 1980, các sản phẩm đan đát của Thái Mỹ xuất khẩu mạnh sang các nước Đông Âu, góp phần nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình trong xã.
Ngày nay, sản phẩm của làng nghề không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và một số nước châu Âu. Các mặt hàng chủ yếu bao gồm sọt đựng rau quả, rổ, rá, nia, thúng, chậu cây trang trí... Trong đó, sọt đựng rau quả là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đáp ứng nhu cầu đóng gói nông sản của các thị trường quốc tế. Mỗi sản phẩm đan đát, dù đơn giản hay phức tạp, đều trải qua nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ. Nguyên liệu chủ yếu là tre, trúc, trước đây được trồng ngay tại địa phương, nhưng nay phải nhập từ Long An, An Giang, Tây Ninh do diện tích trồng giảm dần. Trước kia, hầu hết các công đoạn đều làm thủ công, nhưng hiện nay người dân đã ứng dụng máy móc để tăng năng suất.
Dù có bề dày lịch sử và tiềm năng phát triển, làng nghề đan đát Thái Mỹ đang đối mặt với nhiều khó khăn. Thiếu lao động trẻ là một trong những thách thức lớn, khi nhiều thanh niên rời quê để làm việc tại các khu công nghiệp hoặc tìm kiếm cơ hội ở thành phố. Nguyên liệu ngày càng khan hiếm, trong khi nguồn cung từ các tỉnh lân cận không ổn định, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp như nhựa, nhôm, inox cũng khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm mây, tre đan gặp nhiều trở ngại.
Trước những khó khăn này, chính quyền TPHCM đã đưa Thái Mỹ vào danh sách năm làng nghề được bảo tồn và phát triển giai đoạn 2022-2025. Nhà nước đang hỗ trợ về vốn, công nghệ sản xuất và mở rộng thị trường để giúp người dân nâng cao năng lực cạnh tranh. Một số cơ sở đã hợp tác với doanh nghiệp trong nước để đổi mới sản phẩm, phát triển các mặt hàng phù hợp với thị hiếu hiện đại như chậu cây trang trí, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đang xúc tiến kế hoạch phát triển du lịch làng nghề, nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm quy trình đan lát truyền thống.
Trải qua hơn một thế kỷ với nhiều thăng trầm, làng nghề đan đát Thái Mỹ vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời từng bước thích nghi với sự thay đổi của thị trường. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ từ chính quyền và nỗ lực của người dân, làng nghề vẫn có cơ hội tìm lại vị thế. Nếu được đầu tư đúng hướng, kết hợp sản xuất với du lịch và đổi mới sản phẩm theo nhu cầu thị trường, Thái Mỹ hoàn toàn có thể phát triển bền vững, tiếp tục lưu giữ nghề đan đát như một di sản quý báu của địa phương.

Lồng đèn Phú Bình vẫn rực rỡ sắc màu dịp lễ hội trăng rằm
Làng lồng đèn Phú Bình: Hơn nửa thế kỷ lung linh trong đêm hội trăng rằm
Nằm trên đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11 (TPHCM), làng nghề lồng đèn Phú Bình từ lâu đã được biết đến là nơi sản xuất và kinh doanh lồng đèn lớn nhất thành phố. Nguồn gốc của làng nghề gắn liền với những nghệ nhân từ Bác Cổ (Nam Định) di cư vào Nam, mang theo kỹ thuật làm lồng đèn truyền thống và truyền nghề qua nhiều thế hệ. Được hình thành từ giữa thập niên 1950, Phú Bình từng là một làng nghề sầm uất với hàng trăm hộ gia đình tham gia sản xuất. Tuy nhiên, theo thời gian, sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng khiến nghề làm lồng đèn dần mai một. Hiện tại, chỉ còn khoảng 3-4 hộ còn gắn bó với nghề, đối diện với nhiều khó khăn khi thế hệ trẻ không còn mặn mà với công việc này.
Làm lồng đèn không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và sáng tạo qua nhiều công đoạn. Từ việc chọn nguyên liệu, chẻ tre, tạo hình khung, dán giấy bóng kính đến vẽ trang trí, mỗi chiếc lồng đèn đều mang dấu ấn riêng của người thợ. Tre được chọn phải là loại già, dẻo, vừa đảm bảo độ chắc chắn nhưng không quá nặng. Sau khi được chẻ nhỏ và uốn thành khung, các nghệ nhân sẽ dán giấy bóng kính lên bề mặt, trang trí bằng những hình vẽ công phu. Nhờ bàn tay khéo léo của họ, những chiếc đèn lồng hình ngôi sao, cá chép, thuyền rồng hay các nhân vật cổ tích ra đời, mang đậm nét đẹp truyền thống.
Mùa làm lồng đèn thường bắt đầu từ tháng 2, ngay sau Tết Nguyên đán. Các hộ gia đình tại Phú Bình tất bật chuẩn bị nguyên liệu để kịp sản xuất phục vụ Trung thu. Cả gia đình quây quần bên nhau, mỗi người một công đoạn, tạo nên bầu không khí nhộn nhịp của một làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, khác với trước đây khi lồng đèn thủ công là lựa chọn duy nhất của trẻ em mỗi dịp rằm tháng tám, ngày nay, sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp đã khiến thị phần của lồng đèn truyền thống bị thu hẹp. Trên thị trường, những chiếc đèn lồng giấy kính ngày càng ít xuất hiện, thay vào đó là các loại đèn nhựa, đèn điện tử có nhạc và đèn LED đa dạng về mẫu mã. Giá thành rẻ, sản xuất hàng loạt với thiết kế hiện đại, những sản phẩm này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, đẩy nghề làm lồng đèn thủ công vào thế khó.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, các nghệ nhân Phú Bình vẫn kiên trì giữ nghề, góp phần gìn giữ một phần hồn cốt văn hóa dân tộc. Để thích nghi với thị trường, nhiều hộ sản xuất đã cải tiến mẫu mã, sáng tạo thêm các họa tiết mới, mở rộng dòng sản phẩm từ lồng đèn ông sao, con cá chép truyền thống đến những mẫu đèn cách điệu mang hình rồng, phượng, hoa sen. Một số cơ sở kết hợp với các đơn vị du lịch tổ chức trải nghiệm làm lồng đèn cho khách tham quan, góp phần quảng bá nghề thủ công này. Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm công nghiệp và sự thay đổi trong thói quen mua sắm, các nghệ nhân tại làng nghề lồng đèn Phú Bình đã chủ động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Tiki.
Nhờ kênh bán hàng trực tuyến, lồng đèn Phú Bình có cơ hội cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu của những người yêu thích giá trị thủ công, mong muốn tìm kiếm những chiếc lồng đèn mang đậm hồn Việt. Việc lên sàn không chỉ giúp duy trì làng nghề mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho các nghệ nhân, tạo động lực để họ tiếp tục gắn bó với nghề. Tuy nhiên, điều mà các nghệ nhân lo lắng nhất vẫn là tình trạng thiếu hụt thế hệ kế thừa. Khi lớp người lớn tuổi dần qua đi, nếu không có người tiếp tục gắn bó, làng nghề có nguy cơ biến mất.
Lồng đèn Phú Bình không chỉ là một sản phẩm thủ công mà còn là biểu tượng văn hóa gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Dẫu gặp nhiều khó khăn, những người thợ nơi đây vẫn âm thầm gìn giữ và tiếp tục truyền lửa cho nghề. Với sự quan tâm từ chính quyền và cộng đồng, hy vọng rằng làng nghề này sẽ tiếp tục tồn tại, để mỗi mùa Trung thu, những chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu vẫn lung linh trong đêm hội trăng rằm, mang theo ký ức tuổi thơ của bao thế hệ người Việt.
(CATP) Các làng nghề ở TPHCM đã nhanh chóng thích nghi với thời cuộc, bắt kịp xu hướng phát triển hiện đại. Nhiều làng nghề đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhờ sự hỗ trợ kịp thời. Nổi bật là hàng loạt chính sách mà TPHCM triển khai để thúc đẩy làng nghề. Chương trình khuyến công giữ vai trò then chốt, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các huyện theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Các biện pháp này còn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh vào sản xuất, đặc biệt là nâng cấp dây chuyền, máy móc tiên tiến, vừa nâng cao hiệu suất vừa bảo vệ môi trường.
DUY LUÂN - PHONG ANH - HỮU ĐỨC