TPHCM: Nhiều biện pháp phòng chống quấy rối tình dục trên xe buýt

Thứ Hai, 21/03/2022 20:45

|

(CAO) Hiện trên xe buýt hiện đều có thông tin số điện thoại đường dây nóng của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM: 0981860202 để người dân phản ánh khi có những vấn đề liên quan ANTT.

Chiều 21/3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP những ngày qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Quang cảnh họp báo. Ảnh: Linh Nhi

Lắp đặt camera trong và ngoài xe buýt

Thông tin về công tác tổ chức giao thông trên địa bàn TP, Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) Đỗ Ngọc Hải cho biết, hầu hết các tuyến đường khu vực trung tâm TP được Sở thực hiện cấm dừng, đỗ xe theo giờ nhằm giải quyết các vấn đề ách tắc giao thông đường bộ của tuyến đường, khu vực. Tại điểm đầu mỗi giao lộ, Sở tổ chức lắp đặt các hệ thống biển báo theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT.

Khi có các dự án thi công, tuyến đường mới, sự kiện của TP,… cần phải tổ chức lại giao thông, Sở yêu cầu các đơn vị liên quan phổ biến thông tin theo 4 hình thức cùng lúc, cụ thể: lắp đặt bằng rôn tại khu vực điều chỉnh tổ chức giao thông trước thời gian thực hiện từ 5-7 ngày; thông báo trên cổng thông tin Giao thông TPHCM (người dân tải ứng dụng trên Appstore đối với thiết bị có hệ điều hành IOS và CH Play đối với hệ điều hành Android); đăng tải trên website http://sgtvt.hochiminhcity.gov.vn/ tại mục thông tin chỉ đạo điều hành; gửi thông tin tới hộp thư điện tử của Sở Thông tin - Truyền thông cùng 32 cơ quan báo, đài đề nghị phối hợp, hỗ trợ thông tin cho người dân.

Sở Giao thông Vận tải cũng thông tin rộng rãi các tuyến đường được cho phép sử dụng tạm thời lòng, lề đường đỗ xe ô tô có thu phí trên ứng dụng My Parking. Tại đầu và cuối mỗi tuyến đường đều có biển báo để người dân được biết.

Trước phản ánh nạn quấy rối tình dục trên xe buýt, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, công tác phòng chống nạn quấy rối tình dục cũng như an ninh trên xe buýt được Sở cùng các đơn vị liên quan thực hiện bằng nhiều hình thức, thường xuyên và liên tục.

Hiện nay, hầu hết ở các nhà chờ, bến bãi và phòng thông điện tử đều có hệ thống camera giám sát. Bên cạnh đó, 100% xe buýt được trang bị hệ thống camera hành trình và hệ thống định vị GPS. Trong đó, 01 camera hành trình gắn phía đầu xe nhằm giám sát việc chấp hành an toàn giao thông; 01 camera quay trực tiếp vào lái xe để giám sát việc chấp hành kỷ luật, tác phong của người điều khiển xe buýt và 02 camera quan sát an ninh lắp ở phía đầu và cuối (bên trong xe) giám sát tình hình an ninh trật tự cũng như tác phong phục vụ của nhân viên.

Sở Giao thông Vận tải sẵn sàng tiếp nhận các thông tin liên quan việc quấy rối, tệ nạn xã hội thông qua tổng đài 1022. Từ đó, gửi thông tin các trường hợp vi phạm đến Công an TP để xử lý theo quy định. Đồng thời, Sở phối hợp với Cảnh sát Hình sự xử lý các hành vi vi phạm về an ninh trật tự trên xe. Ngoài ra, các tiếp viên, lái xe cũng được tập huấn xử lý tình huống này.

Ông Hải cũng thông tin, hiện trên xe buýt hiện đều có cung cấp thông tin số điện thoại đường dây nóng của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM: 0981860202 để người dân phản ánh khi có vấn đề.

Các loại tội phạm tại đều giảm, nhất là trộm cắp, cướp giật

Liên quan đến tình hình tội phạm trộm cắp, cướp giật trên địa bàn TP thời gian gần đây, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP cho hay, thống kê trong quý 1/2022 (đến ngày 15/3/2022), trên địa bàn TP xảy ra 840 vụ phạm pháp hình sự, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 281 vụ (chiếm tỉ lệ 25,07%). Công an TP đã tiến hành điều tra, xử lý 650 vụ (đạt 77,38%), bắt 1.183 đối tượng.

Nhìn chung, các loại tội phạm đều giảm, trong đó có tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản. Tuy nhiên, xảy ra một số trường hợp các đối tượng manh động, chống trả lực lượng chức năng, có hành vi gây hại cho người dân.

Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại họp báo. Ảnh: Linh Nhi

Để chủ động phát hiện, đeo bám và xử lý đối tượng, Công an TP đã tăng cường lực lượng tuần tra, mật phục tại các địa bàn là điểm nóng về mất an toàn trật tự; tăng cường yểm trợ cho Công an cơ sở; đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án trang bị hệ thống camera ở các cửa ngõ TP, các địa bàn phức tạp; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tổng hợp để đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác cao độ ở các khu vực vắng vẻ, các địa bàn mất an ninh trật tự. Khi xảy ra bị trộm cắp, cướp giật cần hô hoán to để nhận được sự hỗ trợ; ghi nhớ các thông tin về biển số xe, đặc điểm nhận dạng,… để kịp thời trình báo cơ quan công an.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ, động viên cho người dân khi tham gia công tác phòng chống tội phạm, Thượng tá Lê Mạnh Hà chia sẻ, đây là lực lượng tự nguyện tham gia giúp đỡ lực lượng Công an. Hiện nay, một số quận huyện của TPHCM đã thành lập “Quỹ vì bình yên cuộc sống” để hỗ trợ cho người dân, những người bị xâm hại, tổn hại khi tham gia phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, lực lượng công an các quận, huyện cũng là đầu mối tập hợp danh sách và đề xuất khen thưởng cho người dân tham gia công tác này.

Thượng tá Hà cho biết, Bộ Công an cũng đang xây dựng Luật về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, đây sẽ là cơ sở pháp lý để củng cố, kiện toàn lực lượng phối hợp cùng với lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Thí điểm mở lại các hoạt động dịch vụ, kinh tế ban đêm

Về kế hoạch thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế, vừa qua, Sở Du lịch đã lấy ý kiến các doanh nghiệp, Sở, ngành, trình UBND TP xem xét tổ chức chương trình “TPHCM chào đón bạn”. Chương trình với 3 giải pháp trọng tâm gồm: tăng cường giải pháp quảng bá, xúc tiến cho điểm đến TPHCM; nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch TP; vận động doanh nghiệp triển khai các đợt khuyến mãi, quà tặng, quà lưu niệm cho du khách.

Ngoài ra, Sở Du lịch cũng đang phối hợp các Sở, ngành lấy ý kiến góp ý, xin chủ trưởng UBND TP xây dựng mô hình sinh thái cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An.

“Cùng với lộ tình của Chính phủ về mở cửa đường bay quốc tế, TPHCM kì vọng trong 2-3 tháng tới, các địa điểm vui chơi, khu ẩm thực, chợ đêm,.. sẽ có khách trở lại với số lượng tương đối”, đại diện Sở Du lịch TP phát biểu tại họp báo.

Cũng theo Sở Du lịch, hiện TPHCM đã có chủ trương thí điểm tổ chức các hoạt động dịch vụ, kinh tế ban đêm. Đến nay, các quận huyện, TP Thủ Đức đang xây dựng kế hoạch, đề án liên quan. Đơn cử như quận 5 với chủ trương mở lại các khu phố Đông y, Ẩm thực, Vàng bạc đá quý; quận 11 có đề án xây dựng khu phố ẩm thực trên đường Hà Tôn Quyền, phối hợp Công viên Văn hóa Đầm Sen tổ chức hoạt động vui chơi giải trí ban đêm dọc tuyến đường kênh Tân Hóa.

Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, quận 7 dự kiến hình thành 3-4 điểm thương mại ẩm thực, văn hóa. Huyện Cần Giờ cũng có đề án tổ chức chợ đêm Cần Giờ.

Gần 5.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị

Thông tin tại buổi họp báo cho biết, hiện TPHCM đang điều trị cho 4.967 bệnh nhân (BN), trong đó: có 408 trẻ em dưới 16 tuổi, 87 BN nặng đang thở máy, 03 BN can thiệp ECMO. Trong ngày 20/3: có 481 BN nhập viện, 454 BN xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 333.096), 02 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 20.471 người).

Thông tin về số lượng trẻ đến khám và điều trị COVID-19 tại 3 bệnh viện Nhi đồng TP, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, trong vòng 24 giờ qua, có 288 trường hợp trẻ nhập viện. Tính đến nay, số ca trẻ em dương tính thông qua việc khám nội trú là 631 trường hợp. Trong đó, có 59 trẻ em cần nhập viện điều trị. Về số ca nặng, TPHCM ghi nhận 16 ca thở oxy qua mặt nạ, 4 ca thở máy xâm lấn...

Bình luận (0)

Lên đầu trang