Câu chuyện giáo dục:

Trăn trở về một nền giáo dục đang bộn bề

Thứ Sáu, 15/07/2022 12:50

|

(CATP) Ngành Giáo dục (GD) đang thực hiện Nghị quyết (NQ) 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), NQ 88/2014/QH13 của Quốc hội (QH) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GD phổ thông. Thế nhưng nhiều vấn đề "nóng" như giá SGK quá cao, học phí, "phụ phí”, dạy thêm - học thêm, cấu trúc SGK mới vẫn còn đang bộn bề…

Giá sách giáo khoa mới cao gấp 2 - 3 lần

Một nền GD mà việc in ấn, phát hành SGK được xem như mảng kinh doanh tốt thì nền GD đó mất định hướng và hình như chỉ dành cho con nhà giàu hoặc tầng lớp trung lưu, còn người có thu nhập thấp hoặc nghèo sẽ vô tình bị bỏ quên!

Có thể là vậy! Hãy xem hoạt động của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam sẽ hiểu. Theo thông tin từ NXB này, năm 2021 lãi sau thuế lên đến 287 tỷ đồng, đạt 250% so với kế hoạch được giao; in ấn, phát hành hơn 164 triệu quyển SGK trong năm 2021, vượt 40% so với kế hoạch, tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất từ trước tới nay của đơn vị này, trong khi những năm trước, lợi nhuận chỉ từ 120 - 150 tỷ đồng.

Có thể chấp nhận và hiểu con số lãi kỷ lục này, nhưng tiền lãi đó để làm gì khi mà nhiều phụ huynh (PH) học sinh (HS) nghèo, ở vùng sâu vùng xa không thể mua nổi SGK "khổ to, giấy đẹp"? Mà đâu phải SGK tăng vì "khổ to, giấy đẹp", còn nhiều "phụ phí” khác khiến giá SGK tăng gấp 2 - 3 lần so với trước kia. Như "phụ phí” này thì ai tính: Ngày 6-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội tiếp tục xác minh thông tin tố giác ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam - có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật trong việc mua sắm giấy in SGK phục vụ năm học 2022 - 2023. Tất nhiên cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, nhưng bước đầu đã hé lộ thông tin để trả lời một phần câu hỏi vì sao SGK mới có giá cao gấp 2 - 3 lần so với SGK chương trình cũ.

Học phí và "phụ phí”

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổ chức sáng 4-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc kể từ năm học 2022 - 2023. Cho ý kiến về nội dung này, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, theo tinh thần là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn cho người dân và HS.

Ngày 12-5-2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 29 và định hướng phát triển giáo dục theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Theo quy định hiện hành, trong các cấp học ở bậc phổ thông, chỉ HS tiểu học công lập là được miễn học phí; học sinh THCS, THPT vẫn phải đóng. Từ năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình. Trên thực tế, một số địa phương đã miễn học phí cho HS các cấp. TPHCM cũng muốn miễn học phí bậc THCS, nhưng chưa làm được vì vướng cơ chế.

Tại sao đến niên khóa này vẫn chưa thực hiện được, trong khi tỷ lệ chi ngân sách cho GD hằng năm của Việt Nam khoảng 20%, tương đương 5% GDP hoặc cao hơn, sao vẫn thiếu trước hụt sau? Đây là mức đầu tư cho GD khá cao so với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước, vùng lãnh thổ có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam. Trong khi với mức đầu tư tương đương hoặc thấp hơn, nhiều nước đã miễn phí GD cho đến bậc THPT, thậm chí như Campuchia nghèo nhưng vẫn thực hiện được?

Học phí vẫn thu nhưng "phụ phí” còn cao hơn nhiều. Ở nhiều trường, PH thường phải đóng thêm ít nhất 10 khoản thu khác, trong đó có những khoản thu "trời ơi"!

Vấn nạn dạy thêm, học thêm

Việc dạy thêm, học thêm đã trở thành vấn nạn và năm nào Bộ GD-ĐT cũng có công văn nhắc nhở, yêu cầu xử phạt này nọ nhưng gốc rễ của vấn đề, bộ lại không xử lý nổi? Lý do gì "phong trào" dạy thêm, học thêm nở rộ và gần như không thể cấm được, dù bộ từng đưa ra chế tài rất gay gắt? Là cấu trúc chương trình, vì chất lượng của những giờ học chính khóa trên lớp không đạt yêu cầu, do chạy theo thành tích hay vì nguyên nhân nào khác?

Trả lời những câu hỏi này rất khó, dù đã qua bao đời bộ trưởng. Cuối cùng, một "thị trường" dạy thêm với khoảng 20 triệu HS là "khách hàng" ổn định từ năm này sang năm khác đang là "miếng bánh" khổng lồ mà nhiều người muốn khai thác, đặc biệt từ khi chương trình, SGK năm 2000 ra đời.

Nguyên nhân có thể do chương trình, SGK năm 2000 quá nặng, dù Bộ GD-ĐT đã có ít nhất 5 lần điều chỉnh, giảm tải nội dung kiến thức.

Cũng trong thời gian đó, bộ cũng đã không biết bao nhiêu lần đổi mới thi cử, từ các trường đại học tự chủ tuyển sinh, sau này đến bộ chủ trì "3 chung", rồi gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi tuyển sinh đại học thành kỳ thi THPT quốc gia. Ngay cả hình thức kiểm tra cũng thay đổi liên tục, từ tự luận, kết hợp giữa tự luận với trắc nghiệm; mấy năm qua thì chỉ còn môn Ngữ văn là tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Thực tế việc đổi mới như vậy đã chuẩn chưa, khi mà nhiều giáo viên (GV) dạy môn Toán vẫn băn khoăn việc phải thi tự luận môn này?

Do vậy "phong trào" dạy thêm, học thêm nở rộ là tất yếu! Từ cấp mầm non (lớp lá, chuẩn bị vào lớp 1) đến cấp 1, bậc THCS, THPT, đặc biệt ở các lớp 9 và 12. Vô lý nhất là việc học thêm ở cấp 1 - cấp vừa học vừa chơi mà PH vẫn phải tất bật đưa đón con đi học thêm! Hậu quả (hay kết quả?) là một bộ phận GV dạy các môn chính như Văn, Anh văn, Toán, Lý, Hóa... có cơ hội dạy thêm, thu nhập rất cao, đặc biệt với lớp 5, các lớp ở cấp THCS, THPT. Hậu quả nữa là kéo theo "phong trào" dạy thêm, học thêm rộng khắp trên cả nước và cho đến bây giờ xã hội buộc phải chấp nhận nó như chuyện bình thường!

Một câu hỏi đặt ra: Nếu Nhà nước có trả lương GV trung bình lên đến 20 triệu đồng/tháng thì liệu "phong trào" dạy thêm, học thêm có chấm dứt? Câu trả lời là không. Vậy Bộ GD-ĐT có bao giờ suy nghĩ một cách nghiêm túc, vì sao việc dạy thêm, học thêm đã trở thành "phong trào" mạnh mẽ đến vậy?

Bộ GD-ĐT "uyển chuyển" hay thiếu tầm nhìn?

Nhớ lại vụ lộ đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ngay sau kỳ thi này, thầy Đinh Đức Hiền, GV Toán - Sinh của Hệ thống giáo dục HOCMAI, Hà Nội, phản ánh khi thấy đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 môn Sinh học có nhiều phần trùng lặp với nội dung ôn tập cho HS của thầy Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh. Nhiều GV cũng thấy vậy, giống đến hơn 90% so với đề thi chính thức. Vậy mà nghi vấn lộ đề môn Sinh thi tốt nghiệp kéo dài đến nửa năm, Bộ GD-ĐT vẫn im lặng, dù ngày 4-8-2021 bộ này đã lập tổ công tác liên ngành xác minh thông tin phản ánh.

Cho đến ngày 10-6-2022, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ GD-ĐT, bắt tạm giam một số đối tượng.

Việc chậm trễ này là do Bộ GD-ĐT chậm kết luận xác minh, dù trong thời gian đó thầy Hiền nhiều lần gửi các chứng cứ chứng minh một cách thuyết phục rằng đề thi môn Sinh trong kỳ thi này giống đề ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ. Thầy Hiền còn gửi cả tâm thư đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nhưng chỉ nhận được phản hồi từ bộ: "Vẫn đang tiến hành xác minh sự việc, chưa có đủ căn cứ xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật".

Cho đến nay sự thực đã được phơi bày, các đối tượng liên quan đến việc lộ đề thi đã bị khởi tố, bắt tạm giam sau... 1 năm Bộ GD-ĐT xác minh (điều mà chỉ cần vài tháng, chuyên gia cũng đã làm được!). Vậy Bộ GD-ĐT "uyển chuyển" hay chậm trễ, hoặc không dám nhìn thẳng vào sự thật?

Có một việc "uyển chuyển" khác là chuyện cấu trúc môn Lịch sử trong chương trình SGK mới. Theo đó, Lịch sử là môn tự chọn hay bắt buộc ở bậc THPT, cũng gây nhiều tranh cãi. Còn nhớ, với kinh phí hơn 778 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt, chương trình SGK mới được tổ chức biên soạn, sau khi Bộ GD-ĐT đã xây dựng chương trình, xin ý kiến người dân rồi trình QH thông qua.

Vậy mà đến kỳ họp QH vừa qua (tháng 6-2022), Bộ GD-ĐT cũng không bảo vệ được quan điểm, cách làm của mình, đưa môn Lịch sử thành môn học bắt buộc ở cấp THPT, dù trước đó lãnh đạo các cấp đều khẳng định không có chuyện bỏ môn Lịch sử, đó là cách diễn đạt chưa đúng, khiến nhiều người hiểu nhầm. Các chuyên gia ai cũng biết, nếu HS không chọn Lịch sử là môn bắt buộc ở cấp 3, thì chương trình mới vẫn nhiều hơn chương trình cũ 71 tiết Sử. Còn nếu chọn môn Lịch sử, tức là HS đi theo hướng ngành Khoa học xã hội nhân văn, thì học nhiều hơn 176 tiết.

Cuối cùng tại NQ63 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV thông qua, xác định: "Thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc GD truyền thống và phát triển nhân cách cho HS".

Thực hiện NQ này, Bộ GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch thay đổi môn Lịch sử từ môn lựa chọn thành môn học có phần bắt buộc với 52 tiết trong mỗi năm học ở cấp THPT.

Sách giáo khoa Lịch sử đã viết xong, kết cấu chương trình mới đã được tổ chức thực hiện, vậy việc đưa môn Lịch sử bắt buộc ở bậc THPT sẽ được tổ chức dạy và học như thế nào là một thách thức lớn với Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT đang "uyển chuyển" hay bất lực với quan điểm, triết lý GD của mình, là câu hỏi rất khó trả lời, khi mà bộ đang xây dựng chương trình GD phổ thông mới, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực...

Bình luận (0)

Lên đầu trang