Lực lượng TNXP còn tham gia các hoạt động kinh tế, chuyển từ bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, trở thành một đơn vị sản xuất kinh doanh tổng hợp, từng bước thích nghi với cơ chế quản lý mới, phù hợp với công cuộc đổi mới kinh tế của đất nước.
TNXP TPHCM cùng cả nước vượt gian khó
Ngày 15-7-1950, theo chỉ thị của Bác Hồ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập đơn vị TNXP công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) với 225 đội viên, để phục vụ chiến dịch Biên giới. Mục đích thành lập đội TNXP là nhằm "phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đi đến toàn thắng và làm "trường học lớn" nhằm đào tạo và rèn luyện cho đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Cùng lúc ấy, ngày 20-4-1965 tại tỉnh Tây Ninh, Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam được thành lập với quân số ban đầu là 108 người. Tiếp sau đó, trên 5.000 nam, nữ thanh niên từ đất mũi Cà Mau đến các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ và cả Việt kiều Campuchia đã "đầu quân" vào Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam.
Trong 10 năm hoạt động (từ 1965 đến 1975), Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam đã đảm trách hầu hết các chiến dịch quan trọng ở miền Nam như chống cuộc càn Junction-City, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, Chiến dịch Hồ Chí Minh..., tham gia 614 trận đánh lớn, xứng đáng với danh hiệu được bộ đội trao tặng: "Chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên".
Đồng chí Võ Văn Kiệt (bìa trái) thay mặt Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Lực lượng TNXP thành phố nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (năm 1986)
Sau đại thắng mùa xuân 1975, cả nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, trong niềm hân hoan trước cảnh đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải. Đất nước được hòa bình, thống nhất là một trong những tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Thành phố Sài Gòn khi ấy (nay là TPHCM) dù đã được giải phóng nhưng vẫn còn ngổn ngang những khó khăn, những vùng đất bị hoang hóa, thiếu thốn nguyên liệu, nhiên liệu; thất nghiệp tràn lan, tệ nạn xã hội đầy rẫy và cả những tàn dư của chế độ cũ cũng tích cực chống phá cách mạng.
Ngày 28-3-1976, hơn một vạn TNXP trong đội hình của 2 tổng đội đã cùng đồng loạt ra quân đến vùng nông thôn ngoại thành thành phố, đến những nơi núi rừng đầy gian khổ và vô cùng khó khăn để khai hoang, phục hóa, xây dựng những khu kinh tế mới, làm giàu cho quê hương, đất nước. Ngày 06-9-1977, UBND TPHCM ra Quyết định thành lập Lực lượng TNXP TPHCM trên cơ sở sáp nhập 2 Tổng đội TNXP (Thành đoàn và Kinh tế mới). Theo đó, đồng chí Nguyễn Tấn Diệp, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố được cử làm Chỉ huy trưởng.
Lực lượng TNXP tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ do Thành ủy, UBND thành phố giao. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và khai hoang phục hóa, xây dựng các khu kinh tế mới, TNXP đã vượt qua những thử thách vô cùng khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên, thiếu thốn về vật chất, tinh thần để làm sống lại màu xanh trên những vùng đất hoang hóa, tạo nên những vùng sinh thái nông nghiệp xanh tươi bền vững. TNXP cũng là những người trực tiếp tạo nên môi trường sống thuận lợi cho những người dân thành phố đi kinh tế mới, góp phần thực hiện việc phân công lại lực lượng lao động xã hội và bố trí lại dân cư của thành phố.
Hy sinh tính mạng, bảo vệ nhân dân nước bạn Campuchia
Trong thời gian hơn 1 năm ở biên giới Tây Nam (1978 - 1979), TNXP thành phố đã hoàn thành 2 nhiệm vụ lớn: Tham gia cùng bộ đội bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc và cùng với bộ đội hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia.
Trên chiến trường biên giới Tây Nam, với các nhiệm vụ mở đường, làm đường, chống lầy, tải đạn, tiếp lương, chuyển thương binh..., TNXP là lực lượng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thương binh, trợ giúp đắc lực cho các đơn vị bộ đội chiến đấu hiệu quả nhất và còn là đội dự bị quân số cho các đơn vị bộ đội chủ lực khi có yêu cầu. Trong gian khổ, giữa sự sống và cái chết trên chiến trường, TNXP vẫn giữ được một niềm tin vững chắc, đã chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bằng cả trái tim và tình yêu quê hương đất nước.
Lực lượng TNXP TPHCM dẫn đưa khách du lịch qua đường
Cùng với các lực lượng khác của thành phố, năm 1978, TNXP tích cực tham gia quản lý thị trường, xây dựng và quản lý các bến xe lớn, điều khiển trật tự giao thông đường phố; cử cán bộ, đội viên tham gia điều tra, làm công tác kiểm kê những mặt hàng có giá trị cao... Cuối năm 1978, TNXP cùng công nhân cảng Sài Gòn đã bốc dỡ, kịp thời giải phóng được 380.000 tấn hàng hóa do nhân dân Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cùng các tổ chức nhân đạo trên thế giới gửi đến cho nhân dân ta nhằm hạn chế nguy cơ đói do thiên tai và chiến tranh biên giới Tây Nam, bị ứ đọng ở Cảng Sài Gòn.
Từ những năm đầu thành lập, Lực lượng TNXP với phương châm "Trách nhiệm và tình thương" và "Người đi trước rước người đi sau" đã tham gia giáo dục thanh niên chậm tiến, người nghiện ma túy phục hồi nhân cách; có sự hiểu biết hơn về lịch sử dân tộc, về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Học viên tại các đơn vị do TNXP quản lý tham gia các hoạt động như xây dựng doanh trại, tham gia xây dựng đường giao thông, thủy điện, làm mương dẫn nước, trồng cà phê, trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu của đơn vị. Học viên còn được học văn hóa, học nghề và giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập.
Những năm tháng đầu của cuộc sống hòa bình xây dựng đất nước, Lực lượng TNXP thành phố đã bất chấp nguy hiểm, khó khăn, tham gia tháo gỡ bom mìn, khai hoang phục hóa, làm thủy lợi, cải tạo và xây dựng đồng ruộng để trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày trên vùng đất hoang hóa ở ngoại thành, tham gia xây dựng hàng loạt nông trường và công trình thủy lợi góp phần phát triển kinh tế. Lực lượng TNXP còn tham gia các hoạt động kinh tế, chuyển từ bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa và trở thành một đơn vị sản xuất kinh doanh tổng hợp, từng bước thích nghi với cơ chế quản lý mới, phù hợp với công cuộc đổi mới kinh tế của đất nước, của thành phố.
Lực lượng TNXP nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới do Nhà nước phong tặng nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (năm 2006)
Lực lượng TNXP đã nhiều lần thay đổi mô hình, cơ chế hoạt động tại các đơn vị trực thuộc. Giai đoạn 1980, Lực lượng TNXP đã chuyển đổi chức năng, chuyên môn hóa nhiệm vụ, thực hiện hạch toán kinh tế. Các công trình trọng điểm mà thành phố giao cho Lực lượng TNXP như đường Điện Biên Phủ, đường Hùng Vương, đường Lê Thánh Tôn nối dài, trạm thu phí xa lộ Hà Nội... được hoàn thành, đưa vào sử dụng, bàn giao cho các cơ quan chức năng quản lý, góp phần tăng thêm cơ sở hạ tầng, tạo mỹ quan, văn minh hiện đại, giải quyết ách tắc giao thông ở các cửa ngõ quan trọng của thành phố. Ngoài ra, Lực lượng TNXP còn góp vốn thành lập các công ty cổ phần, thực hiện việc trồng và khai thác mủ cao su; phát triển các hoạt động như chăn nuôi và cung cấp thịt gà, trứng gà...
Năm 1997, nhằm giải quyết những vấn đề về nhu cầu sinh hoạt, đời sống hàng ngày của cư dân đô thị, nhất là loại dịch vụ khó hoặc không thể giao cho tư nhân thực hiện, UBND thành phố quyết định thành lập Công ty Dịch vụ công ích TNXP để thực hiện các nhiệm vụ công ích và giao cho Lực lượng TNXP quản lý.
Năm 2010, Công ty Dịch vụ công ích TNXP chuyển thành Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP, là một công ty hướng vào dịch vụ công ích đa ngành, thực hiện các nhiệm vụ công ích và dịch vụ công ích trên địa bàn thành phố.
Đó là phối hợp với cảnh sát giao thông giữ gìn trật tự giao thông; có đội bảo vệ khách du lịch thực hiện việc hướng dẫn, giúp đỡ khách du lịch, ngăn chặn các hành vi cướp giật, móc túi, ăn xin... góp phần xây dựng hình ảnh thành phố thân thiện, hiếu khách và là điểm đến an toàn cho du khách; tổ chức thực hiện hoạt động giữ xe 2 bánh và 4 bánh đúng giá quy định, góp phần ổn định giá giữ xe. Có hệ thống nhà vệ sinh công cộng được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp đã và đang phát huy tác dụng, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn môi trường sạch đẹp cho người dân thành phố.
Ngoài ra, Lực lượng TNXP còn quản lý, vận hành tốt phà Bình Khánh và phà Cát Lái; quản lý, bảo vệ hơn 7.600ha đất rừng và rừng phòng hộ Cần Giờ; phối hợp với UBND Q1 và Q.Bình Tân thực hiện các công việc như đảm bảo trật tự giao thông, hỗ trợ công tác an ninh trật tự trên địa bàn.
Với những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, năm 1986, Lực lượng TNXP TPHCM đã được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu "Anh hùng Lao động". Năm 2006, kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển, Lực lượng TNXP nhận bức trướng của Thành ủy TPHCM và vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động" lần thứ hai. Năm 2017, Lực lượng TNXP được vinh danh trong chương trình "Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới" do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Ngoài ra, các tập thể và cá nhân trong Lực lượng TNXP đã được khen thưởng các danh hiệu khác, từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước.