(CAO) Từ năm 2000 đến nay, đã có 168.139 hộ dân tham gia hiến khoảng hơn 5,3 triệu m2 đất, ước tính số đất người dân hiến tương ứng số tiền hơn 10.000 tỷ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình...
Sáng 14/7, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn từ năm 2000 đến nay.
Trước năm 2000, TP tồn tại nhiều con đường, hẻm nhỏ, ngoằn nghèo, không đạt quy chuẩn về giao thông, mỹ quan đô thị và phòng cháy, chữa cháy… Tốc độ tăng nhanh về quy mô dân số, phát triển kinh tế cao, thu nhập người dân được cải thiện, mức sống người dân được nâng lên kéo theo nhu cầu về nhà ở và việc cải thiện tình trạng giao thông, phòng cháy, chữa cháy… là một trong những vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết.
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đề ra chủ trương vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm và phát động thực hiện rộng rãi trong nhân dân, theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tại lễ tổng kết. Ảnh: VIỆT DŨNG
Qua 20 năm, phong trào đã mang lại nhiều kết quả thiết thực và được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Đến nay, đã có 168.139 hộ dân tham gia hiến khoảng hơn 5,3 triệu m2 đất. Ước tính số đất người dân hiến tương ứng số tiền hơn 10.000 tỷ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình; trong đó 3.874 công trình mở rộng hẻm, 1.237 công trình mở rộng đường và 119 công trình khác.
Ngoài việc hiến đất, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để thực hiện mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền hơn 458 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy cho biết, những kết quả đạt được đã khẳng định phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là một trong những giải pháp tối ưu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chỉnh trang đô thị, xây dựng khu phố văn minh sạch đẹp, cải thiện môi trường sống của người dân trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp.
Nhiều hộ gia đình đã thấy được lợi ích thiết thực của phong trào như: việc đi lại của người dân được thông thoáng, thuận lợi hơn, giá trị nhà, đất tăng cao, vệ sinh môi trường được cải thiện, chất lượng cuộc sống của các hộ dân sau khi nâng cấp, mở rộng hẻm được nâng lên rõ rệt.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đúng đắn của phong trào. Việc hiến đất mở đường thể hiện nét đặc trưng văn hóa của người dân Sài Gòn – TPHCM, đó là “vì cộng đồng, vì cái chung, vì sự phát triển của Thành phố, chúng tôi sẵn sàng hi sinh lợi ích của mình”.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị, từng xã, phường, quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục rà soát các công trình, bàn bạc thống nhất và đưa ra để bà con góp ý, bàn bạc, thực hiện trong thời gian tới. Đến năm 2025, ở từng địa bàn, nhất là khu vực trung tâm TP phấn đấu không còn hẻm chật hẹp, mất an toàn; không còn những khu dân cư, chung cư ổ chuột, mất an toàn; xem đây là những công trình, “món quà” kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Thời gian tới, Thành ủy sẽ tập trung xây dựng, triển khai, thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; trong đó, tập trung phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, theo hướng đô thị xanh, văn minh, đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị, đầu tư đồng bộ hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng TP sạch và xanh, thân thiện môi trường...
Dịp này, Thành ủy TPHCM đã tặng Bằng khen cho 66 tập thể và 49 cá nhân tiêu biểu trong công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn từ năm 2000 đến nay.