Vì sao người mẹ chịu nhiều "sóng gió” chưa được cấp "sổ hồng"?

Thứ Ba, 17/10/2023 20:33

|

(CATP) Chúng tôi rất mong bạn đọc và những nhà hảo tâm hãy san sẻ yêu thương với người phụ nữ cả đời vất vả, đang ốm đau và gánh vác trách nhiệm với người bạn đời không may bị bạo bệnh và đứa con nuôi chưa trưởng thành.

Năm 2004, vùng quê huyện Quảng Trạch - Quảng Bình chịu rất nhiều thiệt hại bởi một trận lũ lớn. Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) cử đồng chí Trần Trọng Dũng - Phó Tổng biên tập làm Trưởng đoàn công tác, khẩn cấp ra Quảng Bình cứu trợ bà con đang hứng chịu nhiều đau thương, mất mát. Khi đoàn đến thôn Hậu Thành, xã Phù Hóa thì gặp một hoàn cảnh rất đặc biệt, đó là anh Dương Văn Vinh (SN 1973) cùng vợ là chị Hoàng Thị Thu (SN 1974).

Vợ chồng họ rất nghèo nên cưới nhau đã 10 năm nhưng vẫn sống lênh đênh trên chiếc đò ọp ẹp với nghề giăng câu, thả lưới. Khi cơn lũ từ thượng nguồn bất ngờ đổ về, nhiều người dân thôn Hậu Thành không kịp trở tay, chới với kêu cứu trong đêm tối giữa dòng nước cuồn cuộn sôi réo. Vợ chồng anh Vinh, chị Thu đang neo đò ở bến ngủ, nghe tiếng kêu cứu vội bật dậy, chèo đò xuyên đêm mưa bão cứu được 5 người đang gặp nguy hiểm. Sau những cố gắng vượt sóng to, gió lớn; con đò mong manh mang sứ mệnh nhân ái đó đã bục vỡ giữa dòng lũ dữ. Vợ chồng anh Vinh, chị Thu động viên nhau cố bơi được vào bờ...

Thoát chết, nhưng họ đau đớn bật khóc vì con đò đó cũng là ngôi nhà, phương tiện kiếm sống của họ giờ không còn nữa. Mền, mùng, cần câu, lưới cá, quần áo, xoong nồi, vật dụng sinh hoạt... đều chìm dưới đáy sông. Vợ chồng cưới nhau 10 năm không có con nên nỗ lực làm việc, chi tiêu tiết kiện, để dành được 13 chỉ vàng cho mơ ước điều trị vô sinh... cũng đã chìm trong dòng lũ dữ, mất luôn hy vọng về một đứa con mà họ đã khao khát suốt 10 năm.

Tác giả bài viết và đồng chí Trần Trọng Dũng đã xúc động trào nước mắt khi nghe cặp vợ chồng nghèo khổ nhưng tràn đầy ân tình và trách nhiệm với cộng đồng vừa khóc vừa kể lại mọi chuyện. Càng thương cảm hơn khi họ đều trẻ đẹp, khỏe mạnh, tương lai phơi phới nhưng lại không may mắn. Chúng tôi gọi ngay cho GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Anh hùng Lao động - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ để xin một ca điều trị vô sinh miễn phí (thời điểm đó, riêng tiền thuốc đã hơn 50 triệu đồng, giá vàng là 7,6 triệu đồng/lượng, bằng 6,5 lượng vàng; khoảng 450 triệu đồng so với giá vàng cuối năm 2023 này). GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói ngắn gọn: "Bệnh viện Từ Dũ sẽ đồng hành cùng Báo Công an TPHCM lo cho hai cháu".

Mấy ngày sau, hai vợ chồng Vinh, Thu được Báo Công an TPHCM tài trợ toàn bộ chi phí xe đò, thuê nhà, ăn ở, đi lại tại TPHCM suốt 2 tháng để điều trị vô sinh miễn phí tại Bệnh viện Từ Dũ...

Hai mẹ con chị Thu trước căn nhà tình thương Báo Công an TPHCM tặng năm 2004

Lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ và các bác sĩ hết sức giúp đỡ, nhưng đây là ca quá khó nên không được như ý muốn. Nhưng Vinh và Thu không hoàn toàn thất vọng, bởi Báo Công an TPHCM đã tặng một ngôi nhà tình thương trên mảnh đất chính quyền địa phương vừa cấp cho họ. Báo Tuổi Trẻ tặng thêm 20 triệu đồng. Năm 2006, họ xin được một cháu trai 12 ngày tuổi, rất kháu khỉnh làm con nuôi, đặt tên Dương Văn Hoàng. Một cái kết đẹp như cổ tích cho cặp vợ chồng nghèo chấp nhận hiểm nguy, mất mát để cứu được 5 mạng người. Khi Hoàng được 5 tuổi thì anh Vinh qua đời vì bạo bệnh, chị Thu lặn lội làm mướn, bốc vác, gặt thuê... để lo cho con.

Năm 2016, chị Thu đi bước nữa với anh Mai Văn Hóa (SN 1969) - người cùng quê, với mong ước có một người đàn ông để mẹ góa, con côi nương tựa trong những lúc bão, lụt. Nhưng chỉ 2 năm sau, anh Hóa phát bệnh bại liệt nên chị Thu ngoài chăm con phải lo cho chồng nằm một chỗ. Trong 2 năm dịch bệnh Covid-19, gia đình chị đã khó khăn càng thêm khổ, chủ yếu sống bằng sự giúp đỡ của bà con, hỗ trợ của địa phương.

Vì thế ngay khi hết dịch vào đầu năm 2022, chị đến Đà Nẵng làm giúp việc với lương 5 triệu đồng, vì sức khỏe yếu, thường xuyên đau nửa đầu, chóng mặt không còn lội ruộng bốc vác được như trước. Con trai học xong lớp 9 theo mẹ vào làm ở dịch vụ mai táng, với công việc bữa có bữa không... Cũng may cháu được người chủ tốt bụng cho ăn ở theo mẹ nên đỡ chi phí nhà trọ, ăn uống. Mỗi ngày có việc thì cháu được trả 100 nghìn đồng.

Sinh ra trên quê hương nghèo, thường xuyên hứng chịu thiên tai nên Thu quen chịu khổ, không kêu ca. Sau 19 năm kể từ ngày chúng tôi ra xã Phù Hóa cứu trợ, Thu mới gọi lại với cách xưng hô rất đặc biệt: "Chú ơi, giúp mẹ con em với...!". Thu sợ mình chết hay bạo bệnh bất ngờ khi giấy tờ căn nhà tình thương của Báo Công an TPHCM tặng năm xưa, cất trên đất chính quyền địa phương cấp, đến nay vẫn chưa có được "sổ hồng" (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất). Thu lo con trai 17 tuổi còn non dại của mình không được thừa kế căn nhà đó khi chị có mệnh hệ gì.

Rất mong chính quyền xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình quan tâm đến nguyện vọng chính đáng này của mẹ con chị Thu, sớm cấp "sổ hồng" cho mái ấm của họ. Chúng tôi cũng rất mong bạn đọc và những nhà hảo tâm hãy san sẻ yêu thương với người phụ nữ cả đời vất vả, đang ốm đau và gánh vác trách nhiệm với người bạn đời không may bị bạo bệnh và đứa con nuôi chưa trưởng thành.

Căn nhà của mẹ con chị Thu nay cũng đã xuống cấp, khó chịu nỗi bão lụt, cần tu sửa lại khi mùa mưa bão đang đến gần. Mọi sự giúp đỡ xin gửi đến tòa soạn Chuyên đề Công an TPHCM, số 110 Nguyễn Du, quận 1; SĐT: 028 38291580 hoặc liên hệ trực tiếp với chị Hoàng Thị Thu, SĐT 0358285511.

Bình luận (0)

Lên đầu trang