Bình Phước: Hai đời chủ tịch huyện "bó tay" trước một cái trụ điện!

Thứ Ba, 17/10/2023 20:19

|

(CATP) Nhà nước cấp hơn 90m2 đất cho dân để làm nhà ở theo diện tái định cư (TĐC), nhưng điều khó tin là ở ngay giữa lô đất đó "sừng sững" 1 trụ điện án ngữ, giống như vật "bất khả xâm phạm" thách thức pháp luật và dư luận. Mặc dù khổ chủ đã làm đơn kêu cứu khắp nơi suốt 10 năm nay, nhưng không hiểu sao tất cả các cấp chính quyền, ban ngành chức năng đều... bó tay?

Trụ điện "an toàn" nhất!

Đơn kêu cứu của bà Lê Thị Ngọc Ánh (SN 1953, ngụ thôn Tân Hiệp 1, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) thể hiện: Ngày 23/01/2014, bà được UBND huyện Bù Gia Mập (nay là huyện Phú Riềng), tỉnh Bình Phước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số BT164143 (số vào sổ CH00308/QH) lô đất LG 1.6, tờ bản đồ quy hoạch diện tích 91,3m2 theo diện TĐC. Bà Ánh đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính liên quan đến phần đất này, tuy nhiên điều đáng nói là đã gần 10 năm trôi qua nhưng vẫn chưa được sử dụng (SD) phần đất do trên đó có trụ và dây điện của Điện lực Phú Riềng (ĐLPR).

Ngày 12/9/2023, chúng tôi đã có mặt tại căn nhà mới xây rất "kỳ lạ”, bên trong là 1 trụ điện với dây nhợ như màng nhện "thông" tường ra 2 đầu trông rất "kỳ dị”! Một người dân cho biết, sở dĩ bà Ánh không dời được trụ điện này ra khỏi diện tích đất đã được cấp vì phía trong có 17 hộ dân từ trước năm 2004 đã SD phần đất trên làm đường đi chung ra phía trung tâm thương mại (TTTM) xã Bù Nho. Họ cho rằng việc cấp đất cho bà Ánh ngay trên đường đi của họ là không đúng quy định. Hiện các hộ này phải đi con đường nhỏ sát Trường tiểu học Bù Nho là không an toàn...

Bà Ánh cho biết: "Gần 10 năm qua, tôi lặn lội gõ cửa tất cả cơ quan nhà nước yêu cầu được di dời trụ và dây điện ra khỏi khu đất hợp pháp của mình. Gần đây nhất, ngày 28/4/2023 UBND huyện Phú Riềng có Công văn (CV) 685/UBND-KT do Phó chủ tịch huyện Lê Văn Chung ký với nội dung: "Yêu cầu các hộ dân phía trong khẩn trương di dời trụ điện hạ thế hiện hữu tại lô đất LG 1.6 của bà Lê Thị Ngọc Ánh mà các hộ dân đã tự trồng khi chưa có sự đồng ý của chủ đất, thực hiện trước ngày 10 tháng 5 năm 2023. Giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng (KT&HT) - ĐLPR hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân di dời trụ điện hạ thế trên, báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện. Giao UBND xã Bù Nho, Ban thôn Tân Hiệp 2 thông báo nội dung di dời trụ điện hạ thế tại lô đất LG 1.6 của bà Lê Thị Ngọc Ánh đến các hộ dân phía trong được biết và thực hiện... Chuẩn bị mặt bằng thi công, hỗ trợ lực lượng phục vụ công tác di dời trụ điện".

"Nùi" dây điện xuyên tường

Tuy nhiên, đến nay đã bước sang tháng 10/2023 nhưng CV của UBND huyện Phú Riềng vẫn chưa thực hiện được.

Cơ quan chức năng nói gì?

Ngày 12/9/2023, chúng tôi đến gặp và được ông Trần Trung Việt - Phó giám đốc Công ty ĐLPR - cho biết: "Việc trụ điện nằm trong nhà dân hàng chục năm nay không phải là tài sản của điện lực, mà là của người dân dựng lên để kéo điện vào nhà mình. Điện lực Phú Riềng chỉ chịu trách nhiệm từ công-tơ trở về lưới điện, trong khi trụ điện này nằm sau công-tơ, do vậy chúng tôi không có thẩm quyền. Chúng tôi cũng đã nhiều lần phối hợp với Phòng KT&HT, UBND xã Bù Nho vận động các hộ dân tìm hướng giải quyết, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa xong do các hộ dân phía sau phản đối việc cấp đất, chặn đường đi nên không hợp tác xử lý”.

Phó chủ tịch UBND huyện Phú Riềng - Lê Văn Chung cho biết, vụ việc đang được Phòng KT&HT huyện xử lý và sẽ trả lời báo chí sau.

Trụ điện "mọc" trong nhà

Ngày 06/10/2023, Chuyên đề Công an TPHCM nhận được VB 193/BC/KTHT của Phòng KT&HT do ông Đỗ Văn Hưng - Phó trưởng phòng - ký, trả lời về việc bà Ánh đề nghị di dời trụ điện trên thửa đất đã được cấp GCNQSDĐ của mình có đúng không? Đơn vị này cho rằng: Theo quy định của Luật Đất đai 2013, thửa đất mang tên bà Ánh có giấy chứng nhận CH00308/QH do UBND huyện Bù Gia Mập cấp ngày 23/01/2014 thì bà Ánh được phép SD theo đúng mục đích trong GCNQSDĐ đã cấp... Việc bà Ánh đề nghị dời trụ điện để làm nhà là phù hợp với quy định pháp luật.

Văn bản này cũng nêu rõ: "Việc một số hộ dân không chấp nhận dời hệ thống điện đã kéo trước năm 2014 là có cơ sở, vì họ đã trồng và kéo hệ thống điện từ năm 2006, khi đó thửa đất của bà Ánh chưa được cấp GCNQSDĐ (là đường đi). Đối với các hộ trồng và kéo hệ thống điện sau năm 2014 trên đất của bà Ánh khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu và làm ảnh hưởng đến việc SD của chủ tài sản là vi phạm pháp luật. Hiện 19 hộ đang SD đường thoát hiểm sát Trường tiểu học Bù Nho rộng 4m để ra TTTM Bù Nho, ngoài ra cũng đã đấu nối tuyến đường bê-tông ra khu dân cư ông Nguyễn Văn Hùng để đến TTTM Bù Nho nên các hộ dân phía trong đi lại rất thuận tiện".

UBND huyện nhiều lần có VB chỉ đạo các đơn vị liên quan yêu cầu các hộ dân phía sau khẩn trương di dời trụ điện hạ thế hiện hữu tại lô đất của bà Ánh mà các bên tự trồng khi chưa được sự đồng ý của chủ đất. Huyện đã 2 lần vận động nhân lực, vật tư để di dời (các năm 2019, 2023), tuy nhiên các hộ dân phía sau "phản đối rất quyết liệt, cản trở không cho tiến hành". Cũng theo VB 193: "Việc người dân không đồng ý vượt qua thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước vì không có cơ sở cưỡng chế do sự việc này là quan hệ dân sự. Do đó, huyện đã có CV 505/UBND-SX đề nghị bà Ánh khởi kiện ra tòa để giải quyết theo quy định".

Như vậy, việc bà Ánh bức xúc là có cơ sở, vì UBND huyện cấp đất TĐC cho dân nhưng lại không bảo vệ được quyền SD tài sản hợp pháp cho họ. Phải chăng chính quyền địa phương đã bất lực trong cách xử lý? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến tiếp theo của vụ việc "vô tiền khoáng hậu" này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang