Chính sách tiền lương vẫn còn nhiều bất cập
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cử tri cho rằng thời gian qua, Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng; sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên theo nghề, phụ cấp đặc thù theo ngành; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp… Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh, triển khai chính sách tiền lương hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa.
Cử tri Lê Văn Lực- Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP Thủ Đức), cho rằng chính sách tiền lương dù đã trải qua nhiều lần “cải cách” nhưng vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh để người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. Chính sách tiền lương vẫn mang tính cào bằng, chưa phù hợp với mức độ cống hiến, chưa phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức.
Theo cử tri Lê Văn Lực, giáo viên mong muốn được trả lương theo vị trí việc làm, điều chỉnh mức lương mới, giúp họ đỡ vất vả hơn trong cuộc sống, có thể sống được bằng lương, không phải làm thêm nhiều nghề “tay trái”. Cần có chính sách hỗ trợ giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Nhân viên bảo vệ, thư viện, kế toán, văn thư… các trường phổ thông cần được hỗ trợ bởi mức thu nhập của họ còn thấp.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Trí Dũng phát biểu
Cùng quan điểm này, cử tri Lương Văn Minh- Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh, phản ánh hệ số lương khởi điểm các ngạch quá thấp chưa khuyến khích người lao động trong sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện nay, viên chức trong trường như y tế, văn thư, thư viện có phụ cấp đặc thù ngành nhưng vẫn còn thấp. Một số vị trí khác chỉ nhận lương theo hệ số, không có phụ cấp thâm niên, phụ cấp ngành. Các trường còn gặp khó trong việc trả lương cho nhân viên bảo vệ, phục vụ do không có nguồn thu; trong khi quy định hiện hành không được sử dụng ngân sách để trả lương cho nhóm nhân sự theo diện hợp đồng này.
Tương tự, ở lĩnh vực y tế, một số ý kiến nêu lên chính sách tiền lương và vị trí việc làm trong ngành y tế cũng có những bất cập. Đại diện Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho rằng mức lương khởi điểm của đội ngũ bác sĩ hiện áp dụng bằng với mức các chức danh chuyên môn có yêu cầu trình độ đại học là chưa phù hợp.
Đội ngũ bác sĩ có thời gian đào tạo 6 năm, dài hơn các ngành nghề khác và sau khi ra trường phải thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề (về nội, ngoại, sản, nhi). Riêng với Bệnh viện Ung bướu TP, các bác sĩ phải tham gia đào tạo sau đại học bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành ung bướu với thời gian học 2 năm để đủ điều kiện hành nghề khám chữa bệnh chuyên khoa này.
Đại diện Bệnh viện kiến nghị, trong lộ trình cải cách tiền lương, các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh mức lương khởi điểm tuyển dụng lần đầu của đội ngũ bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm đối với các chức danh có yêu cầu trình độ đại học khác; mặt khác, điều chỉnh tăng khoảng cách chênh lệch giữa các bậc lương và giảm thời gian nâng bậc lương.
Cần tháo gỡ những bất cập trong quy định về vị trí việc làm
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Trí Dũng cho biết cơ chế tiền lương hiện nay khó thu hút giáo viên, nhất là khu vực ngoại thành. TP luôn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên các môn: công nghệ thông tin, ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật… Mặc dù TP đã có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng chưa đủ sức để thu hút nhân lực, vẫn còn hiện tượng giáo viên bỏ nghề vì thu nhập thấp.
Ông Dương Trí Dũng nêu lên tình trạng thiếu hụt nhân sự, nhiều giáo viên ở các đơn vị công lập phải kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau. Trong bối cảnh ngành đang triển khai rất nhiều chương trình, đề án, nhất là hướng tới chuyển đổi số, việc giáo viên kiêm nhiệm nhiều vị trí việc làm sẽ gây khó trong thực hiện các nhiệm vụ; vì vậy, cần tháo gỡ những bất cập trong quy định về vị trí việc làm.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu
Một số ý kiến cho rằng để tạo bước đột phá cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung thực hiện tự chủ, cần có nhiều cơ chế để các đơn vị thực hiện công tác quản lý từ sử dụng tài sản công, cơ chế tiền lương, cơ chế quản lý và sử dụng biên chế, hợp đồng lao động.
Thực tế, cơ chế quản lý tài sản công trong ngành giáo dục còn nhiều bất cập, không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý mà còn ảnh hưởng đến việc tạo nguồn thu cho các đơn vị; cần thêm các chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động cho tuyến y tế cơ sở.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, ngành giáo dục và y tế được đánh giá rất quan trọng. Nhưng chính sách về tiền lương của hai ngành hiện nay còn nhiều bất cập; mặt khác, yêu cầu và lộ trình về nâng chuẩn nghề nghiệp ở hai ngành này cũng khiến các đơn vị gặp khó khăn trong triển khai.
Thời gian tới Chính phủ sẽ có những điều chỉnh phù hợp về chính sách tiền lương, mức lương cơ bản sẽ được nâng lên. Các đơn vị tiếp tục đề xuất để tiền lương của giáo viên, nhân viên trường học; bác sĩ, nhân viên y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh cần được nghiên cứu, có cách tính phù hợp để động viên được hai lực lượng này, đảm bảo số lượng và giữ chân được người giỏi.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ, sắp tới Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ giám sát thực hiện cơ chế tự chủ, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP mong muốn các đơn vị của ngành giáo dục, y tế tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, quy định để đảm bảo các đơn vị sự nghiệp hoạt động tốt nhất, nhất là về nguồn thu. Trong đó, các đơn vị cần nghiên cứu đề xuất giải pháp khai thác tốt nhất cơ sở vật chất trong điều kiện hiện nay; cơ chế để đảm bảo về trang thiết bị, cơ chế hợp tác trong sử dụng tài sản công…