TPHCM: Khai thác mạnh mẽ các nguồn lực văn hóa tinh thần để tạo thành sức mạnh nội sinh

Thứ Hai, 16/10/2023 17:37  | Lê Ngân

|

(CAO) Ngày 16/10, Đoàn khảo sát thực tế Nhóm 3 Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc 40 năm đổi mới đất nước của Trung ương đã có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM về lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người.

Ông Nguyễn Văn Nên- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Nhóm 3 và ông Trần Hồng Hà- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó ban Chỉ đạo Nhóm 3, chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc

Đạt nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa, xã hội

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải báo cáo sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đặc biệt là xây dựng và phát triển văn hóa, con người TP, TPHCM đã vươn tầm, phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa, xã hội.

Cụ thể, tư duy lý luận về phát triển văn hóa TP có bước phát triển khá rõ; nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành, trong Nhân dân ngày càng nâng lên; phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội theo các tiêu chí văn minh - sạch đẹp - an toàn, kết hợp với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng được chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải báo cáo tại hội nghị

Đồng thời, đời sống và mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân TP ngày càng phong phú đa dạng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, văn hóa gia đình, giá trị chuẩn mực đạo đức con người mới được được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng có nhiều khởi sắc. Sản phẩm văn hóa, nghệ thuật ngày càng phong phú đa dạng; thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh mẽ.

Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa quần chúng đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực; phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng nhận được sự ủng hộ của xã hội. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy; phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm phục vụ công tác bảo tồn; hoạt động tin ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân được tôn trọng. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng...

Công tác chăm lo cho các diện chính sách có công, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là những trường hợp gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn luôn được các cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở thực hiện thường xuyên, liên tục, huy động nhiều nguồn lực xã hội chăm lo đến từng cá nhân, hộ gia đình.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP luôn nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí và tầm quan trọng của xây dựng và phát triển văn hóa xã hội con người với mục tiêu phát triển văn hóa xã hội đồng bộ như phát triển kinh tế, luôn bám sát định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thích ứng với bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập quốc tế.

“Thành tựu trong gần 40 năm qua, có thể không kể hết nhưng nổi bật là lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường, an ninh xã hội”- Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, khi khảo sát văn hóa, có thể nhìn nhận con người TPHCM theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, hội nhập quốc tế; vừa giữ được cốt cách, bản sắc vùng đất Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, TPHCM; là nơi hội tụ văn hóa của 54 dân tộc anh em và sắc thái văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới; là một trung tâm kinh tế văn hóa đặc trưng, truyền thống đoàn kết, nhân ái, nghĩa khí hào sảng, năng động, sáng tạo được hình thành hàng trăm năm qua.

“Do vậy, cần phải tiếp nối, giữ gìn, phát huy và tiếp tục khai thác mạnh mẽ các nguồn lực văn hóa tinh thần để tạo thành sức mạnh nội sinh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phải kết hợp, không ngừng hoàn thiện các chính sách cho phù hợp” – Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ. Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị cũng khẳng định TPHCM đang ra sức tập trung xây dựng môi trường văn hóa đi đôi với giáo dục công dân. Đây là nhiệm vụ cốt lõi để mọi người sống trên địa bàn TP phải tự hào là công dân của TP, tuân thủ pháp luật, công việc thường nhật, bồi đắp để bù đắp những nhân cách nuôi dưỡng hoài bão, ước mơ, lý tưởng sống…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu

Hiến kế mang tính đột phá nhằm phát triển văn hóa xã hội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng từ thực tiễn đổi mới, đặc biệt là vấn đề xã hội, trong đó có những vấn đề như văn hóa, giáo dục, phát triển con người, văn học nghệ thuật… TPHCM cần tăng thêm đầu tư, gia tăng chất lượng về mặt khoa học, trong quản lý, trong hoạch định chính sách, trong đó tập trung về văn học, nghệ thuật, văn hóa, đặc biệt không thể thiếu, một mảng vô cùng lớn, đó là mảng về xã hội. Do vậy, TP cần đổi mới mô hình phát triển và bắt đầu từng bước làm rõ nội hàm về các chính sách xã hội.

Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết trong báo cáo và phát biểu của các đại biểu đã làm rõ thêm một bước về sự phát triển nhận thức của TPHCM về văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới từ năm 1986 đến nay, đặc biệt là trong 10 năm gần đây.

TPHCM đã bổ sung, nhấn mạnh thêm nhiều vấn đề đoàn khảo sát đã quan tâm, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa trong văn hóa, văn học nghệ thuật về thể thao, văn hóa truyền thống và giáo dục đào tạo và nguồn lực con người… TP đã phân tích, làm rõ hơn về thực trạng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa xã hội và xây dựng con người Việt Nam trong quá trình đổi mới trên địa bàn TP, nhất là những thành tựu nổi bật và cách làm sáng tạo của TP.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu

Trên cơ sở đánh giá chung về đường lối phát triển văn hóa, xã hội, con người, dự báo bối cảnh trong nước, quốc tế và những vấn đề đặt ra về phát triển văn hóa, quản lý, phát triển xã hội và xây dựng con người Việt Nam, TPHCM mạnh dạn đề xuất một số quan điểm đổi mới có định hướng, giải pháp, kiến nghị những quyết sách và các vấn đề để phát triển văn hóa, xã hội, con người Việt Nam.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn TPHCM tiếp tục nghiên cứu sâu, kỹ để không ngừng đổi mới tư duy, nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa, xã hội con người trong sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi, đề xuất hiến kế những giải pháp mang tính đột phá, làm sáng tỏ và tính sáng tạo cao nhằm phát triển văn hóa xã hội, xây dựng con người TP nói riêng và của cả nước nói chung.

Bình luận (0)

Lên đầu trang