Thủ tướng dự lễ khởi công cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh với Sóc Trăng, trị giá hơn 8.000 tỷ đồng

Chủ Nhật, 15/10/2023 10:19  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Sáng 15/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự lễ khởi công cầu Đại Ngãi nối đôi bờ 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.

Quang cảnh buổi lễ.

Theo đó, tại điểm đầu của dự án (giao với QL54, thuộc xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng chính thức khởi công gói thầu 11-XL - dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 (thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm thông tin về dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Cầu Đại Ngãi với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 15,1km, điểm đầu giao với QL54 (thuộc xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần), điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu (thuộc xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

Dự án gồm 2 công trình cầu chính (cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe, phần tuyến đầu tư phân kỳ với giai đoạn 1 gồm 2 làn xe với bề rộng mặt cắt ngang là 12m, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt đường cấp cao A1.

Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 có chiều dài 2.560m, mặt cắt ngang cầu rộng cầu là 19m, cầu Đại Ngãi 2 dài 862m, mặt cắt ngang cầu rộng 17,5m.

Theo chủ đầu tư dự án, công tác giải phóng mặt bằng được tách thành tiểu dự án riêng do UBND tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng tổ chức thực hiện, với tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 446 tỷ đồng.

Việc đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dự án sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ nối thông toàn tuyến QL60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TPHCM, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương, bỏ thế độc đạo của QL1A, rút ngắn khoảng 80km so với tuyến QL1A khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TPHCM, giúp phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam bộ, đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực ven biển phía Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công

Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với phát triển hạ tầng giao thông và phát triển 6 vùng kinh tế-xã hội, trong đó có vùng ĐBSCL.

Thời gian qua, các dự án hạ tầng giao thông được thúc đẩy đồng bộ, bài bản. Dự án nào cũng có khó khăn, vướng mắc, nhưng đều được triển khai với quyết tâm cao, cách làm mới theo hướng hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, tăng cường kiểm tra, giám sát để chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Việc xây dựng cầu Đại Ngãi có ý nghĩa quan trọng để triển khai chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về đột phá chiến lược về hạ tầng cũng như về phát triển các vùng.

Theo Thủ tướng, khu vực ĐBSCL trù phú, giàu tiềm năng, phong phú về văn hóa và bản sắc, có vai trò và ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực và sự phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông vẫn là điểm yếu của vùng, đòi hỏi giải quyết có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng khẳng định, cần phát triển tất cả 5 loại hình vận tải tại ĐBSCL. Trong đó nhiệm kỳ này, chúng ta tập trung thúc đẩy xây dựng tuyến cao tốc trục dọc (Trung Lương-Mỹ Thuận-Cà Mau) tuyến trục ngang Đông-Tây tại khu vực. Nhiều tuyến đường vành đai, quốc lộ, tỉnh lộ, nhiều cầu mới… đang được xây dựng.

Cùng với đó, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch các cảng biển tại ĐBSCL đã có. Để tiếp tục khai thác lợi thế sông nước của khu vực, thời gian tới sẽ tập trung xây dựng một số cảng biển lớn và hệ thống cảng nội địa.

Cùng với đó, cần nghiên cứu, nâng cấp các sân bay trong khu vực như Cà Mau, Rạch Giá… nghiên cứu, tính toán, bố trí nguồn lực để xây dựng tuyến đường sắt TPHCM-Cần Thơ dài 174 km.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công.

"Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để phát triển tất cả 5 loại hình vận tải tại ĐBSCL. Đây là nhiệm vụ khó, nặng nề nhưng không thể không làm, không còn cách nào khác để tạo đột phá cho ĐBSCL", Thủ tướng nói.

Về vấn đề nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, biến không thành có, biến không thể thành có thể. Phải luôn đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, có tầm nhìn chiến lược thì mới tạo ra nguồn lực; đổi mới cách tổ chức thực hiện để tạo động lực mới. Nguồn lực bắt nguồn từ nhân dân, phải lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phải nỗ lực hơn nữa, cắt giảm các thủ tục để tranh thủ nguồn vốn vay nước ngoài, xác định trọng tâm, trọng điểm để làm nhanh, kịp thời, hiệu quả.

Phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2025

Với dự án cầu Đại Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan đã chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để triển khai dự án (rút ngắn 11 tháng).

Thủ tướng biểu dương Ban Quản lý dự án 85 và các cơ quan liên quan của Bộ Giao thông vận tải đã bám sát thực địa, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định.

Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn nhân dân hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đã nhường đất đai, nhà cửa để phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án.

Thủ tướng khẳng định, lễ khởi công xây dựng công trình mới chỉ là bước khởi đầu. Để hoàn thành dự án còn rất nhiều công việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề và chắc chắn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu phải nỗ lực vượt tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2025. Tinh thần là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó với tinh thần trách nhiệm rất cao để "vượt nắng thắng mưa", khắc phục mọi khó khăn kể cả đột xuất, bất ngờ.

Cùng với bảo đảm tiến độ, dự án phải bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang