Chiều 13/10, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan về việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) và chuyển đổi số trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
Cuộc họp nhằm trao đổi một số phương án, giải pháp góp phần hoàn thành chỉ tiêu cấp tài khoản định danh điện tử mức 2, tăng tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến và thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06.
Quang cảnh cuộc họp
Thông tin tại cuộc họp, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.Hồ Chí Minh khẳng định với 5 nhóm tiện ích cốt lõi: Một là, nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hai là, nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; ba là, nhóm tiện ích phục vụ công dân số; bốn là, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; năm là, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; thì việc triển khai thực hiện Đề án 06 người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích.
Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần. Đề án 06 tạo thuận tiện và giúp giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính của công dân, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước trong công tác lưu trữ, bảo quản hồ sơ.
Kể từ ngày 1/1/2023, thẻ CCCD gắn chip điện tử và tài khoản định danh điện tử mức 2 (VNeID) là chìa khoá quan trọng giúp thay thế nhiều loại giấy tờ như Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi công dân thực hiện thủ tục hành chính công; tích hợp các thông tin trên ứng dụng VNeID như: Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Bảo hiểm y tế;…
Tất cả quy trình khi thực hiện giao dịch, công dân có thể chủ động kiểm soát, giao dịch mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo.
Đại tá Lê Văn Hải - Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TPHCM phát biểu tại cuộc họp
Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Công an TP đã tổ chức thu nhận 3,7 triệu hồ sơ trên tổng chỉ tiêu 5,5 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2 trước ngày 5/11/2023, đạt tỉ lệ 68%. Đồng thời, đã kích hoạt thành công 2,2 hồ sơ trên 3,7 triệu hồ sơ đã thu nhận, đạt tỉ lệ 60%.
Xác định truyền thông Đề án 06 là công tác quan trọng, Thượng tá Hồ Thị Lãnh đề xuất các đơn vị, sở ngành góp ý với Công an TP những phương án truyền thông nhanh, gọn, súc tích nhằm lan toả mạnh mẽ nội dung Đề án 06 với người dân. Ngoài công tác tuyên truyền, Thượng tá Lãnh còn nhấn mạnh, việc phối hợp giữa các lực lượng, sở ngành trên địa bàn TP trong việc triển khai thực hiện Đề án 06 cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh.
Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH phát biểu tại cuộc họp
Trước đề nghị của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.Hồ Chí Minh, các đại biểu tham dự cuộc họp đều nhiệt tình hiến kế về việc thực hiện công tác tuyên truyền sao cho Đề án 06 có thể lan tỏa sâu rộng đến với tất cả người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM cho biết, để công tác tuyên truyền Đề án đạt hiệu quả, Công an TP cần xác định cụ thể các đối tượng mục tiêu, qua đó, đề ra những phương án truyền thông phù hợp đối với từng đối tượng, nhóm đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền thông qua các kênh báo chí cũng cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Các sản phẩm truyền thông nên được trình bày đa dạng hình thức (video, infographic), phát sóng đa dạng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok) và triển khai ở các biển quảng cáo ngoài trời.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM phát biểu
Đại diện Ban quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh nêu ý kiến cần tăng cường lực lượng tuyên truyền tại các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân. Thời gian tuyên truyền nên tập trung vào giờ nghỉ ngơi của họ thay vì thời gian làm việc như hiện tại. Ban Quản lý sẽ hỗ trợ việc phát sóng các video tuyên truyền tại bảng quảng cáo của các doanh nghiệp.
Đại diện Đoàn Thanh niên Công an TP bổ sung ý kiến về một số địa điểm treo ấn phẩm gồm các trạm xăng, quán nước, thang máy trong khu chung cư, doanh nghiệp…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Đại tá Lê Văn Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.Hồ Chí Minh, cảm ơn những góp ý từ các cơ quan, đơn vị và mong muốn các đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng Công an TP trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền tải sâu rộng Đề án 06 đến người dân. Qua đó, giúp công tác chuyển đổi số trong cải cách hành chính đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.