Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Thứ Tư, 15/04/2020 16:33

|

(CATP) Câu chuyện mang đậm tính nhân văn của cậu học trò nhỏ Nguyễn Hồng Hưng (học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Thanh Sơn, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) là một câu chuyện điển hình.

Trong lúc hạn mặn còn đang gay gắt và kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng thì gần một tháng nay, mỗi ngày Hưng cùng người hàng xóm tốt bụng chở khoảng 4 chuyến xe để mang hàng ngàn lít nước ngọt phục vụ miễn phí cho người dân ở cùng xã, ấp.

“Chứng kiến cảnh người dân đi chở nước xa xôi, có hôm trượt chân té bị thương tích, hay có gia đình bị bệnh nặng mà không có nước sử dụng. Thậm chí có trường hợp người bệnh hấp hối, con liền chở đến 1 xe nước, rồi hôm đám tang, con chở thêm 2 xe nữa” – Hưng mộc mạc chia sẻ.

Cậu học trò nhỏ còn cho biết thêm: "Con là học sinh, hằng ngày nghe nhiều thông tin về tình hình thiếu nước ngọt ở quê mình rất trầm trọng. Rồi đến lúc trường cho nghỉ vì dịch bệnh Covid-19, con với anh hàng xóm bàn nhau sẵn có xe nên ngày nào cũng cùng chở nước đến phục vụ cho bà con. Khi thấy bà con có những can nước ngọt sử dụng, mình không còn mệt nữa".

Hưng cùng người hàng xóm mang nước ngọt đến cho bà con.

Nhu cầu nước của người dân là cấp bách, ấy vậy mà có những ngày đang hứng nước vào bồn thì cúp điện,  lại có những lúc bị bể ống nước đột xuất phải chờ sửa,… làm Hưng trông đứng trông ngồi chỉ mong sao kịp chở nước đi phục vụ bà con.

Hỏi về việc làm này, mẹ Hưng chia sẻ: Xuất phát từ ý tưởng của Hưng, khi các xe tải chở nước đến chỉ có thể cung ứng cho những người có sức khỏe và phương tiện để chở. Xe tải thì không thể đi vào các đường nhỏ được. Những người già neo đơn hoặc những người có sức khỏe kém, không phương tiện thì không thể lấy được nước; thậm chí còn nhiều người không có tiền để mua can đựng,…

Hưng liền ngỏ ý xin cha mẹ hãy giúp sức để có thể chia sẻ khó khăn của những người kém may mắn hơn mình. Ý tưởng nhân văn của con trẻ sớm được phụ huynh đồng ý. Anh hàng xóm cũng nhanh nhảu hưởng ứng hỗ trợ phương tiện là chiếc xe ba gác máy.

Gia đình mua bồn chứa, ống nước, máy bơm. Bác hàng xóm cũng góp thêm 1 bồn chứa. Vị Trưởng ấp thấy thế cũng phụ vô 1 bồn chứa. Tất cả người thân trong gia đình đều tất tả chạy tìm xin nguồn nước từ các xe từ thiện các nơi để chở về đây cho bà con xã, ấp.

Có những ngày phải nhờ bơm nước máy của những nhà dân, và có lẽ từ tấm lòng thơm thảo của cậu học trò nhỏ, nhiều người đã không lấy tiền nước khi Hưng xin được chi trả…

Hưng đổ từng can nước ngọt vào lu cho bà con.

Mẹ Hưng còn tiết lộ thêm, khi ba đề nghị mẹ sắp xếp thời gian mua bánh và nước uống, rồi tìm đến tặng những người tài xế, phụ xe từ nơi xa chở nước đến các điểm tập kết, thì em tranh phần: “Để Hưng xuất tiền cho”.

Nhiều người thắc mắc về khoảng “thu nhập’ của em, mẹ em bảo, đó là tiền công mà em đi phụ ba bứng kiểng cho người ta. Những ngày hè, em cũng thường theo ba em để phụ xây nhà cho những người nghèo, ai biểu gì thì em làm đó; rồi phụ chạy bàn cho một quán phở ở thị xã Gò Công,…

Gia đình không khá giả nhưng cũng không khó khăn để em phải tập tành bươn chải, nhưng đó là cách mà cha mẹ em muốn em trưởng thành và họ đã nuôi dưỡng, tưới mát tâm hồn em để những hành động đầy tính nhân văn ngày hôm nay của em lại xuất phát từ chính suy nghĩ thiện lương của em.

Nước ngọt lúc này vô cùng quý giá. Xe đậu trước cửa, có nhà thì có người mang can ra hứng, có nhà đơn chiếc quá, em phải tự hứng  rồi xách đổ vào lu. Nhìn vào trong nhà, bà cụ ngồi trên chiếc xe lăn, mắt bà dõi theo những dòng nước mát chảy vào lu mà đong đầy sự biết ơn.

Từng can nước ngọt được Hưng mang đến tận nhà người già, neo đơn.

Có chú thấy xe em chạy đến, vội hỏi “Có cho nước không?”, khi biết là có, dáng liêu xiêu chú đạp xe chạy nhanh như sợ bồn hết nước, chỉ kịp mang 2 chiếc can nhỏ và quên cả mang theo nắp đậy. Có lẽ như đã quá quen với những tình huống như thế này nên trên xe em thường mang theo vài chiếc can 30 lít để hỗ trợ cho những người dân nghèo khó.

Không cần lời cảm ơn, chỉ mong bà con có nước xài, và em vẫn không quên nhắc: “Lần sau cô chú có ra lấy nước nhớ đeo khẩu trang giùm con!”.

Giờ đây, ngày ngày, em cùng anh hàng xóm tốt bụng vẫn trên những chuyến xe, rong ruổi khắp các nẻo đường quê để chở những dòng nước ngọt quý giá đến với bà con nghèo, nhưng khi được hỏi, Hưng trả lời gọn lỏn: “Chỉ là tình người thôi chú ạ!”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang