Vợ chồng già, mù nương tựa nhau qua cơn bão

Thứ Hai, 19/12/2016 07:22

|

(CAO) “Những ngày mưa bão nước tràn vào nhà ghê lắm, tôi và chồng đều trên 80 tuổi ở một mình, mắt yếu nên việc di chuyển rất khó khăn", vợ chồng già ngụ tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) chia sẻ.

Con đường dẫn vào thôn Phú Trung (xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định)

Chuyến hành trình đến trao tặng những món quà cho các bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Cát Thành, sẽ là một kỷ niệm đối với cả người cho và nhận. Theo dự kiến, đoàn sẽ có mặt từ 17 giờ chiều ngày 18-12, sau khi thăm, tặng qua tại xã Cát Tài, huyện Phù Cát; nhưng do thời tiết mưa lớn liên tục cùng một số tuyến đường bị nước lũ gây phong toả đã khiến việc di chuyển kéo dài đến gần 2 giờ đồng hồ.

Xe ô tô chạy trên mảng bê tông, tứ bề xung quanh bị bao vây bởi nước lũ

Có mặt tại trụ sở UBND xã Cát Thành (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), chủ tịch xã Nguyễn Đức Liêu chia sẻ về đời sống của người dân trong vùng những ngày qua sống rất khó khăn và nhiều nơi bị cô lập. Xã thuộc diện nghèo của chính phủ quy định về “xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển”, đồng thời xã được đánh giá là nơi có nhiều người già neo đơn.

Rốn lũ miền Trung: Ruộng mới sạ biến thành ‘sa mạc’
 

Theo chân chủ tịch xã và trưởng thôn Phú Trung, đoàn từ thiện đến gần hơn với người dân của "xã đặc biệt khó khăn”. 5 ngôi nhà được UBND xã chọn làm đại diện là những hộ người già neo đơn.

Ngôi nhà của cụ bà Nguyễn Thị Nai

Con đường để đến các các hộ có người già neo đơn có những đoạn, chiếc ô tô chạy trên một dẻo đất rộng 1,2m2 còn lại tứ bền đều bị nước bao phủ, trời thì mưa liên tục; chỉ cầu một cái đánh lái nhẹ cả chiếc xe sẽ lao xuống dòng nước. Những cánh đồng rộng vừa mới gieo mạ cũng đã tan hoang thành những hồ nước, các đường nội bộ cũng mất hút.

Hệ thống điện công cộng trên đường được tắt để tránh gây chập cháy đã làm cả khu tối đen như mực. Những con đường đất sau trận lũ lớn đã xói mòn tạo thành những lỗ hổng, lún và nước đọng nhiều ngày tạo điều kiện thuận lợi để các côn trùng phát triển.

Các tỉnh miền Trung đề nghị trung ương cứu trợ khẩn cấp do mưa lũ
 

Bà Nguyễn Thị Nai (82 tuổi) chia sẻ, tôi đến khu vực này ở từ khi lấy chồng năm 22 tuổi đến giờ. Mấy bữa mưa bão tôi sợ quá, chạy qua nhà hàng xóm xung quanh xin ngủ. Nhà ngoài do nâng lên cao nên nước chỉ ở ngoài sân, còn nhà dưới thì nước lên lút hết.

Cụ bà Nguyễn Thị Có

Bà Nguyễn Thị Có (88 tuổi) cho biết, những ngày mưa bão nước tràn vào nhà ghê lắm, tôi và chồng (cụ Dương Củ - Pv) đều gần 90 tuổi ở một mình, mắt yếu nên việc di chuyển rất khó khăn. Trời thì lạnh, đắp 2-3 cái chăn vẫn không thấy ấm hơn. Lớn tuổi mỗi lần trái gió là người lại đau nhức, thuốc thang vừa hết không biết tính sao! Những ngày qua, hai vợ chồng nương tựa nhau với nhờ hàng xóm mà vượt qua khó khăn trong lũ.

Cụ bà Mai Thị Tư

“Bữa nước lên tới bờ kè, may là chưa vào được nhà. Chứ tui ở một mình thì chả biết xoay sở thế nào, có đứa cháu qua ngủ cùng chứ không chẳng biết sao”, bà Mai Thị Tư (77 tuổi).

Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Định cho biết, đến trưa ngày 18-12, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa tiếp tục xuống, riêng các sông ở Bình Định còn dao động ở mức cao.

Cụ bà Nguyễn Thị Có sống cùng chồng hơn 90 tuổi tại thôn Phú Trung

Theo như dự báo, đêm 18-12 các tỉnh từ Bình Thuận đến Ninh Thuận sẽ có mưa vừa, mưa to; lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 50mm. Người dân cần đề phòng lũ tại các sông có khả năng nâng lên.

Đoàn thăm hỏi bà con tại thôn Phú Trung bị thiệt hại sau cơn lũ

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức cung cấp nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và các nhu cầu thiết yếu cho nhân dân vùng ngập lũ; dọn vệ sinh môi trường ngay khi nước rút.

Bình luận (0)

Lên đầu trang