Taxi công nghệ có cần thiết phải “đeo mào”?

Thứ Tư, 17/04/2019 15:15

|

(CAO) Dự thảo lần thứ 8 sửa đổi Nghị định 86 Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình lên Chính phủ để xin ý kiến thông qua.

Dự thảo lần này tiếp tục nhận nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có việc buộc xe công nghệ bao gồm “xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng” và “xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử” phải “đeo mào” bằng cách gắn hộp đèn trên nóc.

Bắt buộc taxi công nghệ phải "đeo mào" như taxi truyền thống đang gây ra những tranh cãi

Chị Nguyễn Thị Thúy Hiền (SN 1986, ngụ Q.8) cho biết thường xuyên sử dụng dịch vụ đặt xe qua ứng dụng công nghệ bởi tính tiện lợi, chất lượng phục vụ tốt và giá cước cạnh tranh. Dưới góc độ của người tiêu dùng, chị Hiền cho rằng yêu cầu buộc gắn hộp đèn chỉ phù hợp với taxi truyền thống vì đó là dấu hiệu để khách hàng nhận diện khi vẫy bắt xe dọc đường.

Còn đối với xe công nghệ, yêu cầu này không cần thiết vì việc đặt xe được thực hiện thông qua “APP” ứng dụng công nghệ. Trên đó, khách hàng đã biết mọi thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe… Chưa kể, việc sử dụng xe công nghệ “không có mào” cũng khiến khách hàng có cảm giác như được đi xe riêng nên vẫn thích hơn.

Ngoài ra, việc xe công nghệ phải “đeo mào” còn có thể gây "khó dễ" cho chủ xe. Anh Phan Văn Hòa (SN 1980, ngụ Q.9) cho biết, nhà có chiếc xe 4 chỗ nên sau giờ làm việc tranh thủ lúc rảnh rỗi lại mở ứng dụng để chạy Grab kiếm thêm thu nhập.

Theo anh Hòa, chiếc xe hơi không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là một “tài sản”. Họ chỉ muốn tranh thủ lúc thời gian nhàn rỗi tham gia cung cấp dịch vụ để kiếm thêm thu nhập chứ không hề muốn chiếc xe của mình bị “taxi hóa” bằng cách gắn thêm hộp đèn.

“Nếu xe phải đeo mào, tôi nghĩ không chỉ mình mà nhiều người khác cũng sẽ suy nghĩ lại có nên hợp tác với Grab để chạy nữa hay không. Lúc đó lượng xe giảm sút sẽ khiến khách khó đón xe hơn. Không những vậy, việc lắp thêm hộp đèn sẽ phát sinh thêm chi phí dẫn đến cả tài xế và người tiêu dùng đều thiệt thòi”, anh Hòa nói.

Trong văn bản góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 86 mới đây, ông Lim Yen Hock – Giám đốc Công ty TNHH Grab cũng cho rằng việc gắn hộp đèn trên xe công nghệ là không cần thiết và đề xuất hủy bỏ yêu cầu này.

Theo vị đại diện của Grab, tất cả các phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu “XE TAXI” hoặc “XE HỢP ĐỒNG” trên kính trước của xe nên cơ quan chức năng không cần thiết phải yêu cầu gắn thêm “hộp đèn” cho xe mà vẫn có thể nhận diện, quản lý hiệu quả.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA) cho rằng bản chất tích cực nhất của kinh tế chia sẻ mà các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Uber… mang lại là tận dụng được nguồn lực nhàn rỗi thông qua việc tham gia các nền tảng ứng dụng công nghệ. Đồng thời, các ứng dụng này cũng góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho một bộ phận lao động không nhỏ.

Việc “lồng khung” xe công nghệ phải “đeo mào” như taxi truyền thống tạo nên rào cản không cần thiết và cần giảm thiểu những thủ tục rườm rà như vậy cũng như tiêu tốn chi phí không đáng có.

“Thay vì những biện pháp hành chính thuần túy thì nên tạo sự linh hoạt trong chính sách, dùng công nghệ để quản lý công nghệ nhằm kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng vẫn khuyến khích được nền kinh tế chia sẻ phát triển”, luật sư Hậu phân tích.

Bình luận (0)

Lên đầu trang