Sạt lở uy hiếp tuyến đường Hồ Chí Minh ở Cà Mau: Mỏi mòn chờ kinh phí

Thứ Ba, 06/07/2021 11:27  | Đăng Khoa

|

(CATP) Trước diễn biến phức tạp về tình hình sạt lở, Cà Mau đề nghị Trung ương sớm phân bổ kinh phí xử lý tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và nạo vét các cửa sông, cửa biển bị bồi lắng với tổng kinh phí khoảng 1.047 tỷ đồng nhưng nay chỉ nhận 150 tỷ đồng.

Thành lập đội phản ứng nhanh

Như chúng tôi đã thông tin, hiện nay tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở Cà Mau trở nên nghiêm trọng. Tỉnh cũng thành lập đội phản ứng nhanh để ứng phó kịp thời các sự cố sạt lở đê biển. Để khắc phục sạt lở, không phải một sớm một chiều. Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, từ năm 2002 đến nay, tỉnh đã chọn và áp dụng rất nhiều giải pháp để khắc phục sạt lở từ những giải pháp phi công trình tới giải pháp công trình.

Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, mỗi giải pháp đều có những ưu, nhược điểm khác nhau và phù hợp với mỗi vùng đất khác nhau. Bên cạnh những giải pháp xử lý tạm thời như gia cố bằng đá hộc, rọ đá, cừ bản nhựa, bê tông tự chèn..., còn có các giải pháp xử lý cơ bản hơn, căn cơ hơn như kè 2 hàng cọc dự ứng lực tạo bãi, được đúc kết kinh nghiệm từ những giải pháp trước đây.

Tính đến nay, Cà Mau đã thực hiện các giải pháp trên với tổng chiều dài trên 53km ở cả bờ biển Tây và bờ biển Đông, tổng kinh phí thực hiện trên 1.700 tỷ đồng. Kết quả, đê biển Tây vẫn đảm bảo ổn định, không bị vỡ đê, mặc dù đê biển luôn bị uy hiếp bởi sóng to, gió lớn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, giải pháp công trình kè 2 hàng cọc dự ứng lực tạo bãi đã và đang phát huy rất hiệu quả trong việc khắc phục sạt lở, khôi phục rừng phòng hộ ven biển.

Các cơ quan chức năng khảo sát nơi bị sạt lở

Ngoài ra, Cà Mau cũng ứng dụng nhiều giải pháp xử lý sạt lở khác như đê trụ rỗng. Đối với sạt lở tuyến đê từ Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) đến Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau), đã gia cố chân kè bằng 2 lớp rọ đá; gia cố mái bằng rọ đá đặt trên lớp lọc vải địa kỹ thuật. Mái kè được kết nối với mặt đê hiện hữu bằng lớp đá lát khan dày. Đối với những vị trí sạt lở còn rừng phòng hộ thì dùng giải pháp trải thảm đá khan.

Ðể giữ đất, Cà Mau đang thay đổi cách tiếp cận nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay vì bị động hoặc trông vào các giải pháp đê cứng, Cà Mau tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống "đê, kè mềm", phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với tạo các lớp chắn sóng, tạo vùng bồi lắng và tái tạo rừng ngập mặn.

Cần 1.000 tỷ đồng nhưng nhận mới 150 tỷ

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trước những diễn biến sạt lở bờ biển ngày càng gia tăng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định hộ đê khẩn cấp; huy động toàn lực, kể cả các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tập trung xử lý sạt lở, giảm thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra, giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Đặc biệt, với tinh thần quyết liệt, tỉnh đã triển khai rất nhiều giải pháp để xử lý khắc phục sạt lở. Ngoài các giải pháp phi công trình (như tổ chức di dân, tái định cư; phát động phong trào trồng cây, gây rừng; tổ chức theo dõi diễn biến sạt lở ven biển về qui mô, cường độ, hướng dịch chuyển theo định kỳ...), tỉnh tập trung vào các giải pháp công trình kiên cố hóa đê biển, các công trình kè chống sạt lở, gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng ngập mặn ven biển...

Một vụ sạt lở đất ven sông

Khi hoàn thành bờ kè đê biển Đông và đê biển Tây, qua khảo sát, phía sau công trình, bãi bồi đã hình thành, được bồi lấp liên tục theo từng năm. Bình quân chiều cao bãi được nâng lên từ 1 đến 1,5m phù sa so với trước khi có công trình. Cùng với việc phát huy hiệu quả giảm sóng, gây bồi, công trình còn tạo điều kiện tốt để trồng tái sinh rừng ngập mặn, đảm bảo an toàn cho nhà cửa dân cư phía trong đê cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân.

Trong khi đó, bờ biển Tây sạt lở với chiều dài khoảng 57km, trong đó có nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, hoặc đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét. Mùa mưa bão năm 2021, tình trạng sạt lở bờ biển Tây ngày càng nguy cấp hơn. Những cánh rừng phòng hộ ven biển dần biến mất nên đê biển Tây thường xuyên bị sóng to, gió lớn uy hiếp, nguy cơ vỡ đê rất cao, nhất là vào mùa mưa bão, gió Tây Nam hoạt động mạnh cộng với triều cường dâng cao.

Một số đoạn đê biển Tây bị sạt lở hết rừng phòng hộ

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, về lâu dài, UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xây dựng Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, tỉnh Cà Mau xác định quy hoạch sản xuất cho phù hợp. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung kinh phí cho tỉnh xử lý cấp bách các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

"Trung ương sớm phân bổ kinh phí cho tỉnh xử lý tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và nạo vét các cửa sông, cửa biển bị bồi lắng với tổng kinh phí khoảng 1.047 tỷ đồng, trong đó ưu tiên nguồn vốn xử lý đối với các công trình chống sạt lở khẩn cấp, đặc biệt nguy hiểm gần 800 tỷ đồng và kinh phí nạo vét các cửa sông, cửa biển bị bồi lắng trước mùa mưa bão năm 2021 khoảng 250 tỷ đồng... Khó khăn nhất trong bảo vệ bờ biển hiện nay là thiếu nguồn lực đầu tư; trong khi đó, các quy định pháp luật hiện hành quản lý rất nghiêm ngặt vùng ven biển, đồng thời chưa có cơ chế, chính sách để huy động, thu hút nguồn lực đầu tư”, ông Sử nói. Đến nay, tỉnh nhận được 150 tỷ đồng thực hiện một số công trình nhưng không phân bổ đủ.

Một đoạn đê biển Tây bị sạt
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: "Hiện nay, các cơ quan chức năng Cà Mau xác định, để giữ đất, địa phương thay đổi cách tiếp cận nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay vì bị động hoặc trông vào các giải pháp đê cứng, tỉnh tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống "đê, kè mềm", phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với tạo các lớp chắn sóng, tạo vùng bồi lắng và tái tạo rừng ngập mặn.

Điển hình, phát triển các dự án điện gió, đây được xem là giải pháp góp phần chắn sóng và gió; dự án điện mặt trời ven biển với hệ thống kè mềm chắn sóng góp phần tạo vùng bồi lắng và vùng nước nuôi biển. Thay vì phá bỏ rừng để phát triển kinh tế, các dự án sẽ giúp giữ đất, tái trồng rừng ngập mặn. Hướng tiếp cận này được nhiều doanh nghiệp quan tâm lập dự án, nhất là dọc bờ biển tây của Cà Mau. Qua đó, tỉnh sẽ giảm được áp lực đầu tư công vào các công trình đê kè ven biển". 

Bình luận (0)

Lên đầu trang