Rầm rập những đoàn xe “khủng”
Báo Công an TPHCM nhận được phản ánh của người dân TX.Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) về tình trạng xe tải, xe ben, xe “hổ vồ” ngày đêm "cày" trên các tuyến đường trọng yếu, gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Tháng 6 - những ngày nắng chói chang, PV có mặt tại "thủ phủ" mỏ khoáng sản ở P.Thủy Phương (TX.Hương Thủy), ghi nhận mỗi ngày có hằng trăm xe tải hạng nặng tấp nập ra vào.
Con đường đất từ đường tránh TP.Huế vào rừng cây tràm oằn mình bởi lượng lớn xe chở đất đi qua. Bụi mù mịt khiến cây xanh khắp vùng nhuộm màu cháo lòng. Khu vực này và địa bàn các phường xung quanh có các mỏ đất của nhiều doanh nghiệp: Công ty TNHH Hoàng Ngọc, Công ty TNHH xây dựng Đồng Tâm, Công ty TNHH Tuấn Nhân… được UBND tỉnh cấp phép khai thác, được Sở TN&MT cho phép thăm dò khoáng sản. Ngoài ra có một số cá nhân khai thác trộm.
Các mỏ đất phục vụ cho DA Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; DA Nhà ga hành khách quốc tế T2 (Sân bay quốc tế Phú Bài) với tổng đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, DA Tổ hợp chung cư, thương mại Toyota – khu đô thị Phú Mỹ An (đường Tố Hữu nối dài) do Toyota Huế làm chủ đầu tư…
Tại mỏ đất của Công ty TNHH Hoàng Ngọc, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe của các đơn vị vận tải trong tỉnh và ngoại tỉnh (Hà Nam, Quảng Nam…) đến lấy đất đưa đến các DA. Các máy xúc hoạt động hết công suất, ngoằm sâu vào các đồi, núi lấy đất, đá đưa lên thùng xe.
Đa số các xe chạy ra khỏi mỏ đất đều có dấu hiệu quá tải, vượt chiều cao thùng xe. Một số xe cơi nới thùng lên cao từ 20 – 50cm, chở đầy đất, che bạt rách, sơ sài... Xe tải chủ yếu là loại có 3 trục bánh, tải trọng cho phép từ 7 đến 9 tấn nhưng chở quá tải.
Từ cuối năm 2019 đến nay, gần 100 chiếc xe 3 trục bánh biển số Hà Nam, Quảng Nam… được các doanh nghiệp, các chủ mỏ đưa về Huế để phục vụ cho các công trình, DA.
Xe chở đất vượt thùng, có dấu hiệu quá tải.
Xe dán logo của các Công ty: Kim Thành (Quảng Nam), Hùng Đạt, Hưng Phát Huế (Thừa Thiên – Huế)… chở nặng ì ạch bò ra khỏi mỏ đất, rẽ vào tuyến đường tránh TP.Huế rồi tỏa đi các hướng tiêu thụ.
Có thời điểm, xe ra vào tấp nập khiến các đoạn đường bị ách tắc giao thông, tình trạng rất phức tạp, hỗn loạn. Nhu cầu về vật liệu rất lớn; các DA, các công trình trọng điểm đang trong thời kỳ cao điểm về yêu cầu tiến độ nên có thể nhận thấy sự cạnh tranh của cánh tài xế, các chủ mỏ...
Ban đêm, các xe chở đất di chuyển từ các mỏ trên đưa về phục vụ công trình DA Nhà ga hành khách quốc tế T2 (Sân bay quốc tế Phú Bài). Những ngày đầu tháng 6, PV ghi nhận từng đoàn xe tải chở đất về đây và trở ra xe không, hầu như không hề có sự kiểm tra nào.
Phớt lờ chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh?
Tháng 3-2010, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký văn bản chỉ đạo các lực lượng, các địa phương tăng cường thực các nhiệm vụ khẩn cấp để kiểm soát tải trọng xe; đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác mỏ đối với các đơn vị có nhiều xe vi phạm, tái phạm; yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng, ban quản lý DA, đơn vị tư vấn giám sát ký thỏa thuận, cam kết không tiếp nhận hàng hóa, vật liệu vào san lấp, xây dựng công trình đối với các tổ chức, doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm, tái phạm…
Các xe chở đất đá vượt thùng, có dấu hiệu quá tải đi vào phục vụ công trình DA Nhà ga hành khách quốc tế T2 (Sân bay quốc tế Phú Bài).
Những đoàn xe chở hàng “khủng” từ các mỏ đất đưa đến các DA ngày đêm trên các tuyến đường diễn ra trong thời gian cao điểm ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ kéo dài từ 15-5 đến 15-6.
Trong 15 ngày đầu, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã kiểm soát gần 9.100 phương tiện, xử phạt 2.075 trường hợp vi phạm với hơn 2,4 tỷ đồng tiền phạt, trong đó vi phạm tải trọng 24 trường hợp; phối hợp phát hiện, bắt giữ 5 vụ vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông.
Trung tá Phạm Anh Tuấn – Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: “Đầu năm 2020, Phòng có tuyên truyền và các đơn vị, doanh nghiệp ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định. Tuy nhiên gần đây, xuất hiện một số xe vi phạm tải trọng, chiều cao; nguyên nhân do một số công trình, DA đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ mặt bằng, xây dựng… nên nhu cầu lớn về nguyên vật liệu.
Đơn vị đã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn ở các tuyến đường nhưng không thể xử lý hết do có tình trạng tài xế trốn tránh, chở “chui”, đơn vị vận tải cử người đề phòng, canh chừng, đối phó lực lượng chức năng. Nhìn bằng mắt thường thì khó khẳng định xe quá tải, chỉ có đưa vào cân mới có kết quả cụ thể. Nếu xe chở quá khổ, cơi nới thì CSGT sẽ xử lý vi phạm. Về quá tải thì phải có sự vào cuộc của Thanh tra giao thông để cân tải trọng hàng hóa”.
Trung tá Phạm Anh Tuấn – Phó Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Đường Nam Cao (TX.Hương Thủy) – tuyến đường mà các xe tải chở vật liệu qua lại rầm rập hàng ngày bỗng vắng sau khi từ ngày 8-6, Thanh tra Sở GTVT lập trạm cân tải trọng tại đây. Suốt buổi sáng, trạm chỉ cân được 3 xe tải và không có xe nào vi phạm. Ở các mỏ đất cũng thưa dần các phương tiện sau khi báo chí phản ánh. Tuy nhiên, vẫn có xe tải chở đất, đá vượt chiều cao thùng xe tại mỏ đất Hoàng Ngọc đi ra ngoài. Trên các tuyến đường ở TX.Hương Thủy, đường tránh TP.Huế có hàng trăm chiếc xe tấp vào lề, án binh bất động chờ thời cơ.
Ông Phạm Nhật Hoàng - Phó chánh Thanh tra giao thông - Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, đặt trạm cân lưu động để kiểm tra tải trọng phương tiện và hàng hóa nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để. Lực lượng đơn vị mỏng, địa bàn rộng trong khi các đơn vị, cá nhân luôn theo dõi, canh chừng chúng tôi, di chuyển theo đường vòng… nên rất cần sự phối hợp chặt chẽ của lực lực lượng CSGT”.
Xe chở đất, đá từ mỏ đưa đến các công trình
Chiếc xe chở ngang thùng nhưng khi cân tải trọng (ngày 1-6) đã vượt tải trọng 282% nên bị tạm giữ tem kiểm định, số kiểm định và phải cắt thùng xe.
Xe tải ben chở đất đá đến các công trình
Mỏ khai thác đất
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế kiểm tra xe tải chở khoáng sản.