(CAO) Chương trình được mở với mục đích giúp đỡ những người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có cuộc sống ổn định.
Từ tháng 6-2016 đến nay, Công an TP.Sa Đéc đã thực hiện mô hình Câu lạc bộ (CLB) Người hoàn lương để tập hợp, cảm hóa, giáo dục, và hỗ trợ vốn cho những người lầm lỗi. Thông qua mô hình này, đến nay đã có nhiều tấm gương điển hình người hoàn lương chí thú làm ăn, vượt qua mặc cảm để tái hòa nhập cộng đồng.
Lê Minh Huệ (62 tuổi, ngụ khóm 1, phường 2, TP.Sa Đéc) chính là một trong những tấm gương điển hình vượt khó vươn lên sau những chuỗi ngày tù tội. Năm 2009, vì nghe lời xúi giục, Huệ đã tham gia tổ chức gửi tiền ảo qua mạng và bị kết án 8 năm tù giam về tội lừa đảo.
Vượt qua lầm lỗi, ông Hạnh trở thành trụ cột để gia đình vươn lên
Nhờ cải tạo và chấp hành tốt nội quy nên thi hành án được 4 năm rưỡi, Huệ được đặc xá tha tù trước thời hạn. Những ngày đầu trở về gia đình, dù còn mặc cảm với mọi người xung quanh nhưng với ý chí vươn lên làm lại cuộc đời và làm chỗ dựa cho gia đình, nhờ sự vận động và hướng dẫn của địa phương, Huệ đã tham gia CLB người hoàn lương và tiếp cận với nguồn vốn vay 20 triệu đồng để mở rộng cửa hàng mua bán phụ tùng và sửa xe gắn máy.
Hiện nay, ngoài việc phụ vợ bán phụ tùng xe, chú Huệ còn phụ gia đình bán nước giải khát, buổi tối chú còn tham gia vào đội bảo vệ dân phố của khóm để giữ gìn an ninh trật tự cho địa phương. Nhờ chí thú làm ăn mà cách nay 2 tháng chú đã trả hết số tiền vay.
Chú Huệ chia sẻ: “Khi ở tù về thì cũng có mấy chú công an và chính quyền địa phương đến hỏi thăm và hỗ trợ về mặt tinh thần sau thời gian đó thì tôi có vay được 20 triệu để bán phụ tùng với sửa xe trong thời gian 3 năm với lãi suất 3%/năm nên sự hỗ trợ đó cũng kịp thời để gia đình ổn định đời sống. Tại vì một sự không hiểu biết mà mình để cho có sai lầm như vậy, con cháu tôi thì tôi cũng dạy là nếu như việc gì nhà nước không cho phép thì không làm mà mình chỉ làm những gì tốt cho mình và cho xã hội”.
Tương tự là hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Beo (55 tuổi ngụ khóm 5, phường 1, TP.Sa Đéc). Vốn là một phụ nữ giỏi giang, từng có cuộc sống gia đình sung túc, chỉ vì vướng vào số đề, bà phải trả giá bằng mức án 2 năm tù giam và mang nợ hàng tỷ đồng. Ra tù, bà Beo trở thành kẻ trắng tay, chỉ còn lại căn nhà nhỏ hơn 20m2. Cuối năm 2016, thông qua nguồn Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng, bà được cho vay 20 triệu đồng. Có tiền, bà sửa lại căn nhà nhỏ trở thành quán bán cơm và nước giải khát, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Bà Beo tâm sự: “Trong thời gian mình đi cải tạo có những lúc sau những giờ mình đi lao động về, cố gắng suy nghĩ coi như những chuyện gì nó qua rồi thì mình cho nó đi qua luôn, không nhớ lại. Bắt đầu kể từ khi mình được giúp đỡ, động viên, chia sẻ từ phía công an và chính quyền địa phương nên mình cố gắng vượt lên chính mình, từ chỗ đó có tinh thần làm việc. Giờ chỉ dẫn lại con cháu mình trong nhà để sau này đừng có mắc phải sai lầm tương tự”.
Trên đây chỉ là 2 trong số những điển hình người hoàn lương vượt khó vươn lên. Với phương châm là chiếc cầu nối để những người từng một thời lầm lỗi vững vàng hòa nhập với cộng đồng, sự hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần mà lượng công an các cấp trên địa bàn thành phố đang làm chính là động lực to lớn để họ tìm về con đường lương thiện.
Trung tá Đặng Thanh Hùng - Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ dân phố – Công an TP.Sa Đéc cho biết hiện toàn thành phố Sa Đéc đã thành lập được 5 câu lạc bộ Người hoàn lương với 70 thành viên. Tính từ tháng 6-2016 đến nay, thông qua các câu lạc bộ này, địa phương đã xét hỗ trợ vốn vay trên 1 tỷ đồng cho 37 người.
Bà Beo chí thú làm ăn sau những ngày lầm lỗi
Cùng với ý chí, nỗ lực tự thân của người hoàn lương thì nguồn vốn quý giá này đã giúp cho nhiều người có điều kiện ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng và trở thành tấm gương hoàn lương tiêu biểu.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên tiếp xúc các đối tượng tù tha về cư trú tại địa phương nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của họ để có hướng giúp đỡ, tạo điều kiện để họ làm ăn sinh sống tái hòa nhập cộng đồng; lựa chọn những đối tượng có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để tham mưu cho họ được vay vốn làm ăn sinh sống, ổn định cuộc sống góp phần kiềm chế và kéo giảm tình hình tái phạm tội trong loại đối tượng này”, Trung tá Hùng chi sẻ.