Thiếu tá Nguyễn Chí Thành và những lần chạm mặt "tử thần"

Thứ Sáu, 12/03/2021 12:57

|

(CAO) Hơn 20 năm tham gia công tác cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã khiến trên người Thiếu tá Nguyễn Chí Thành – Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháy & CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an TPHCM chi chít những vết sẹo to, nhỏ. Đây cũng là những dấu tích để lại trong những lần ở giữa lằn ranh sinh tử để thực hiện nhiệm vụ cứu người, bảo vệ tài sản cho nhân dân.

Với những thành tích xuất sắc đạt được trong thời gian qua, Thiếu tá Thành là một trong “Những tấm gương thầm lăng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TPHCM – lần 4, được tuyên dương vào sáng nay (12-3-2021) tại Hội trường TP.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức cho biết, Hội đồng Bình chọn đã tổ chức tuyên dương 45 tập thể và 84 cá nhân tiêu biểu nhất trong phong trào thi đua yêu nước của TP.  Đây là những gương tiêu biểu trong các lĩnh vực: an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, khuyến học, bảo vệ môi trường, xung kích vì cộng đồng, an ninh trật tự, phòng chống Covid-19… đã có những thành tích thiết thực, nâng cao chất lượng sống của người dân, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, góp phần xây dựng TP ngày càng phát triển, hiện đại.

Thiếu tá Thành giao lưu tại buổi tuyên dương

MỘT MÌNH TÁC CHIẾN GIỮA HANG SÂU

Thông qua những cống hiến, nỗ lực không ngừng nghỉ suốt hơn 20 năm làm nhiệm vụ CNCH, Thiếu tá Thành được đại diện 84 cá nhân tiêu biểu giao lưu, chia sẻ tại buổi lễ. Anh đã chia sẻ với đại biểu tham dự về những lần thực hiện nhiệm vụ khó và hành trình vượt qua để làm tốt công tác CNCH.

“Cuối năm 2019, tôi cùng đồng đội tham gia tìm hài cốt nạn nhân trong một hang sâu ở tỉnh Cao Bằng. Do địa thế hiểm trở, nạn nhân rơi xuống hang đã 3 năm mà vẫn chưa có ai tiếp cận để ứng cứu. Hang nhỏ nên một mình tôi lần mò theo dây cáp để xuống đáy hang. Mỗi lần bò xuống khoảng 2 mét, tôi lại phải dừng lại nghỉ ngơi, lấy dưỡng khí.

Cứ thể, tôi miệt mài xuống hàng trăm mét để thu nhặt từng đốt xương của nạn nhân cho vào bao mang lên. Khi vừa nhìn thấy hài cốt, người thân của họ đã quỳ sụp xuống lạy chúng tôi để cảm ơn. Hình ảnh này khiến tôi xúc động mãi và luôn lấy đó làm động lực để tiếp tục tham gia công tác CNCH", Thiếu tá Thành chia sẻ.

Thiếu tá Thành cùng đồng đội tham gia tìm kiếm hài cốt nạn nhân rơi xuống hang sâu ở tỉnh Cao Bằng

Chính vì phải liên tục “chạm mặt” tử thần khiến tính mạng luôn bị đe doạ nên gia đình nhiều lần khuyên anh chuyển công tác để được làm việc trong môi trường an toàn hơn. Tuy nhiên, khi chứng kiến, xem qua báo đài, biết nhiều bà con bất lực trước những tai nạn, sự cố, thiên tai mà không có cách nào giải cứu, Thiếu tá Thành không thể bỏ nghề.

 "Sau mỗi lần tham gia công tác, giải cứu được nạn nhân, tôi chia sẻ niềm vui, hạnh phúc đó với gia đình. Lâu dần gia đình cũng hiểu và đồng cảm, luôn ủng hộ tôi tham gia làm nhiệm vụ CNCH”, Thiếu tá Thành nói.

Thiếu tá Thành xuống dòng kênh Tàu Hủ đen ngòm (khu vực cầu chữ Y) tìm kiếm nạn nhân rơi xuống nước.

Cuối tháng 2-2020, Thiếu tá Thành cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đi giải cứu nạn nhân bị rơi xuống hang đá tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đây là một hang nguyên thuỷ chưa có ai đặt chân xuống đáy hang. 10 ngày trước, một người dân vô tình sẩy chân rơi xuống và chưa có ai đem thi thể lên được.

Sau một lượt quan sát, Thiếu tá Thành xung phong xuống hang thị sát. Hang sâu, hẹp, tối và có hình ziczac chỉ vừa đủ một người leo xuống. Khi xuống gần tới đáy hang thì anh nghe mùi tử thi bốc lên nồng nặc. Hang lại thiếu dưỡng khí nên anh quyết định trở lên miệng hang để chuẩn bị thêm dụng cụ.

“Lần này tôi trở xuống miệng hang mang theo rượu và cồn để đưa thi thể lên. Khi xuống gần đáy hang, chỉ còn khoảng 2 mét nữa tiếp xúc được nạn nhân thì đất, đá cùng nước mưa từ trên cao bất ngờ chảy ào ào xuống đầu. Lúc này bộ đàm mất tính hiệu, dưỡng khí đang cạn dần, nạn nhân thì chưa tiếp xúc được. Sau một hồi trấn tĩnh, tôi đã tìm cách lần mò xuống đáy hang, cho thi thể nạn nhân bao tải để cột dây kéo lên. Do địa thế hang nhỏ hẹp, tôi phải cho nạn nhân lên trước còn mình theo sau nên mùi tử khí xông vào mũi nồng nặc, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ. Có nhiều lúc, bao tải bị trượt, tôi phải ôm chặt để kéo lên khiến nước trong tử thi bắn tung toé vào người. Phải hơn một tiếng vật lộn dưới đáy hang thì tôi mới đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài”, anh nhớ lại.

Thiếu tá Thành tại buổi lễ tuyên dương

NGUY HIỂM LUÔN CHỰC CHỜ

Hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực CNCH, Thiếu tá Thành đã tham gia gần 1.000 vụ, cứu hàng trăm người trong các cháy nổ, công trình sập đổ, đuối nước, hoặc mò tìm thi thể nạn nhân và tang vật trong những vụ án lớn. Mỗi vụ việc, người lính cứu hộ phải đối diện với nhiều nguy hiểm khác nhau, không thể lường trước được. Tuy nhiên, vì đây là nhiệm vụ đặc thù khó có người thay thế nên những người lính cứu hộ luôn động viên nhau, tìm cách vượt qua khó khăn.

Cán bộ chiến sĩ Đội công tác chữa cháy & CNCH - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP kiểm tra thiết bị, phương tiện hàng ngày.

"Trong một lần tham gia chữa cháy và CNCH ở quận 7, tôi đã rơi từ trên cao xuống bị chấn thương cột sống. Còn những lần CNCH trong hang sâu, nước bẩn tôi thường xuyên phải tiếp xúc khí độc, kim tiêm, miểng chai, vật dụng độc hại,.. đã khiến thân thể chi chít vết sẹo. Ngoài ra, làm một người cứu hộ trong nhiều năm thì rất dễ dẫn đến các bệnh như: viêm tai giữa, huyết áp, tim mạch do làm việc trong môi trường độc hại”, anh bộc bạch.

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành khẳng định: “Tôi rất đam mê công việc này nên tự nhủ sẽ theo ngành này đến khi không còn sức khoẻ nữa thì mới thôi. Đây là công việc đặc thù mà nghề dạy nghề rất quan trọng. Chính vì vậy, với vai trò là chỉ huy, tôi rất chú trọng đến công tác đào tạo lực lượng kế thừa. Mỗi buổi sáng họp giao ban tôi đều cố gắng truyền “lửa” nghề đến từng cán bộ chiến sĩ. Sau mỗi vụ CNCH, tôi lại triển khai họp rút kinh nghiệm đến toàn thể cán bộ chiến sĩ để nâng cao tay nghề theo từng ngày. Chính vì vậy, mỗi cán bộ chiến sĩ tham gia công tác CNCH đều thấm dần nghề nghiệp và hiểu rõ ý nghĩa công việc để luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Thiếu tá Nguyễn Chí Thành chia sẻ kinh nghiệm làm việc và truyền "lửa" nghề với thế hệ trẻ tại mỗi buổi họp giao ban.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm – Trưởng Phòng cảnh sát PCCC &CNCH Công an TPHCM cho biết: “Thiếu tá Nguyễn Chí Thành một tấm gương điển hình của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Đồng chí Thành sẵn sàng nhận nhiệm vụ và thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn dũng cảm chiến đấu, hy sinh quên mình vì nhân dân phục vụ.

Trong thời gian công tác, đồng chí đã lập nhiều chiến công, cứu được nhiều người, bảo vệ nhiều tài sản của nhân dân. Điển hình, đồng chí đã tham gia tìm kiếm thành công thi thể nạn nhân trong hang sâu ở Cao Bằng và Hà Giang, tìm 6 thi thể nạn nhân chìm dưới sông Sài Gòn trong vụ chìm tàu Dìn Ký... Tại đơn vị, đồng chí Thành rất gần gũi, mộc mạc, hoà đồng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, truyền lửa nghề đến thế hệ sau, tạo động lực cho nhiều cán bộ chiến sĩ học tập theo để tham gia cứu người và tài sản của nhà nước, nhân dân”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang