Gác nỗi niềm riêng, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường

Thứ Ba, 02/03/2021 16:58

|

(CAO) Nén nỗi đau mất cha, sát cánh cùng đồng đội phòng chống COVID-19 nơi tâm dịch; vợ sinh con cũng chưa thể về thăm nhà… Đó là những câu chuyện cảm động của những cán bộ Công an đang chống dịch COVID-19 ở Hải Dương.

Đó có thể là một cán bộ lực lượng cảnh sát cơ động Bộ Công an đang tăng cường chống dịch; cũng có khi là một cán bộ Công an tỉnh Hải Dương vẫn đang lặng thầm làm nhiệm vụ. Gác lại những nỗi niềm riêng, họ căng mình làm nhiệm vụ với mong muốn bệnh dịch có thể được đẩy lùi để mỗi gia đình sớm được đoàn viên.

Cha vợ mất không thể về chịu tang

Bát cơm bưng lên rồi lại đặt xuống nhiều lần, Đại uý Hoàng Nam Phong, Trưởng Ban Tham mưu Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Đông Bắc (E27), Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an vẫn không thể đưa được cơm vào miệng.

Nhìn đôi mắt đỏ hoe của anh, CBCS Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc cùng được tăng cường chống dịch ở Hải Dương, ai cũng bùi ngùi. Đều là những người lính xông pha nơi trận mạc và giờ đang phải đối mặt với dịch COVID-19, tất cả chưa bao giờ chùn bước hay hoang mang, lo sợ. Nhưng trước sự ly biệt; nỗi đau mất đi người thân của gia đình Đại uý Hoàng Nam Phong chẳng ai không khỏi đau lòng, bởi anh không thể về chịu tang…

Đêm 18-2, Đại uý Hoàng Nam Phong nhận được thông báo của đồng chí Trung đoàn trưởng về việc chuẩn bị lực lượng tăng cường cho Công an tỉnh Hải Dương thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19. Gần 2 tháng chưa được về thăm nhà, song anh chỉ kịp gọi điện thoại thông báo cho vợ rồi cùng đồng đội lại tất bật chuẩn bị lên đường.

Đại uý Hoàng Nam Phong và đồng đội tại chốt dịch

Tờ mờ sáng 19-2, anh cùng với đơn vị đã có mặt tại Công an tỉnh Hải Dương nhận và triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay. Trung đoàn 27 tăng cường 270 CBCS phối hợp với các lực lượng của địa phương thực hiện nhiệm vụ tại 27 chốt cấp tỉnh trên toàn địa bàn tỉnh Hải Dương kiểm soát tất cả người, phương tiện ra, vào tỉnh.

Với nhiệm vụ là tham mưu, giúp việc trực tiếp cho chỉ huy, lãnh đạo đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, Đại uý Hoàng Nam Phong luôn nêu cao tinh thần trách nhiện thực hiện đúng trách trách nhiệm vụ được giao, thường xuyên tham mưu cho chỉ huy, lãnh đạo trong việc điều chỉnh quân số, trang bị, phương tiện giữa các chốt cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh tư thế lễ tiết, tác phong của CBCS các đơn vị trực thuộc khi thực hiện nhiệm vụ tại các chốt cũng như tại nơi ăn ở, sinh hoạt, cách ly; thường xuyên động viên tinh thần CBCS tham gia thực hiện nhiệm vụ; hàng ngày tổng hợp tình hình báo cáo về đơn vị và lên cấp trên theo quy định.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại uý Hoàng Nam Phòng cho biết: Trước khi tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Hải Dương, anh cùng đơn vị đã tham gia thực hiện nhiệm vụ ứng trực đảm bảo an ninh, an toàn Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại lần thứ 3, đơn vị đóng quân tại Uông Bí, Quảng Ninh cũng nằm trong vùng dịch, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đơn vị báo cáo và được đồng chí Tư lệnh CSCĐ đồng ý cho ứng trực 100% quân số tại đơn vị.

Gần 2 tháng chưa về nhà, anh cũng như đồng đội có thể vững tâm hoàn thành nhiệm vụ là nhờ hậu phương vững chắc luôn thấu hiểu công việc, chia sẻ, động viên để họ có thể “chân cứng, đá mềm” hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đêm 19, rạng sáng 20-2, anh nhận được tin báo của gia đình về việc bố vợ đột ngột qua đời. Phần đang công tác trong vùng có dịch; phần khác cũng ý thức đươc tránh nhiệm đối với cộng cộng xã hội, muốn tiếp tục đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình với toàn xã hội trong việc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, anh cũng không thể về chịu tang được.

Trong nỗi đau thương mất mát vì mất đi người thân, sự động viên của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, trong đó có sự quan tâm của Công an tỉnh Hải Dương, khi biết được tin buồn của gia đình anh, Công an tỉnh Hải Dương đã động viên, thăm hỏi và chia sẻ… Sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị cũng phần nào giúp anh nguôi ngoai nỗi đau, tiếp tục sát cánh cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chưa thể về từ khi con chào đời…

“Em mong hết dịch để được về với vợ, con… Từ ngày cháu ra đời, em vẫn chưa được ôm con vào lòng”, Đại uý Nguyễn Hồng Hà, cán bộ Công an xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Những lời chia sẻ của người cán bộ trẻ lần đầu được hạnh phúc làm cha khiến sống mũi tôi cay cay. Ngày 17-2, vợ Đại úy Nguyễn Hồng Hà chuyển dạ sinh con gái đầu lòng… Dù rất muốn ở bên vợ, con vào thời điểm đó, nhưng nỗi niềm riêng anh đành gác lại, cùng đồng đội tham gia chống dịch.

Đại uý Nguyễn Hồng Hà trong một ngày làm nhiệm vụ chống dịch

Khi Công an tỉnh Hải Dương có chủ trương tăng cường Công an chính quy về cơ sở, Đại uý Nguyễn Hồng Hà là một trong những cán bộ Công an đầu tiên xuống địa bàn. “Vạn sự khởi đầu nan”, từ môi trường công tác là Phòng An ninh Chính trị Nội bộ, được giao một lĩnh vực công tác cũng mới, Đại uý Hà và các thành viên của Công an xã Tân Kỳ ban đầu cũng không khỏi bỡ ngỡ; nhưng họ vừa làm, vừa học.

Ngoài những lúc làm hồ sơ, giải quyết các vụ việc xảy ra đột xuất, bất ngờ, Hà cùng đồng đội lại nắm địa bàn, nắm tình hình. Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, người dân trên địa bàn xã Tân Kỳ dần ra đã quen với hình ảnh của những cán bộ Công an chính quy gần dân, tận tuỵ với công việc.

Nhà ở cách đơn vị công tác hơn 20 km, một tuần 4 buổi trực nên dù vừa lập gia đình nhưng chẳng mấy khi Hà có dịp ở nhà cùng với vợ và bố mẹ. Công việc của Công an xã bề bộn như làm dâu trăm họ… Vì thế, mặc dù đã phân công địa bàn, lĩnh vực phụ trách, nhưng khi có việc là tất cả cùng lao vào nhiệm vụ. Khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương không lâu thì thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, Đại uý Nguyễn Hồng Hà nhớ lại.

Ngay sau khi ca dương tính đầu tiên được công bố cũng là lúc anh và các thành viên của Công an xã bước vào nhiệm vụ mới là “chống dịch như chống giặc”. Các chốt kiểm soát dịch thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ - nơi có ca mắc COVID-19 đầu tiên được dựng lên, anh và các đồng đội căng mình làm nhiệm vụ. Ngoài kiểm soát người ra, vào còn là truyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh… Một ngày 3 ca, đảm bảo thường trực 24/24h, anh cùng đồng đội căng mình làm nhiệm vụ.

Ngày 17-2, vợ của Hà trở dạ sinh con gái đầu lòng, lúc đó, Hà cùng đồng đội cũng đang trực chốt. Khi nghe bố, mẹ hai bên thông báo hai mẹ con đã mẹ tròn, con vuông, Hà mới thở phào nhẹ nhõm. Từ đó đến nay, Đại úy Nguyễn Hồng Hà vẫn chưa về thăm nhà, chưa một lần được gặp mặt con gái bé bỏng. Vào những lúc tối muộn, khi công việc hoàn tất, anh mới có dịp gọi điện thoại về cho vợ, con thăm hỏi…

Đại uý Hoàng Nam Phong, Đại uý Nguyễn Hồng Hà… chỉ là hai trong hàng ngàn cán bộ ở tâm dịch Hải Dương đang căng mình chống lại dịch bệnh. Có những đồng chí nhiều tháng qua chưa thể về thăm gia đình, ngày Tết cũng không thể sum vầy bên người thân. Có những cặp vợ chồng cùng là cán bộ Công an tỉnh Hải Dương…, vì nhiệm vụ công tác đã phải gửi con cho người thân để ra nơi tuyến đầu chống dịch.

Trong cuộc sống hằng ngày, người chiến sỹ Công an luôn “thức cho dân ngủ, gác cho dân chơi”. Khi có dịch bệnh, thiên tai, họ lại ở nơi tuyến đầu; hy sinh những niềm hạnh phúc riêng tư, tất cả dồn sức để chiến thắng dịch bệnh…

Bình luận (0)

Lên đầu trang